Luật cảnh vệ: Cần quy định chặt chẽ để tránh nguy cơ lạm quyền
- Tây Y
- 18:33 - 22/11/2016
Việc nổ súng cần được quy định chặt chẽ, cụ thể
Thảo luận về việc sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ (Điều 23), nhiều ý kiến cho rằng: Việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người. Vì vậy, việc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Dự thảo Luật Cảnh vệ quy định nổ súng “để tiêu diệt” đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ là chưa phù hợp với nguyên tắc “người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra” và cần bảo đảm điều kiện về “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” theo quy định của Bộ luật Hình sự. Để kịp thời ngăn chặn hành vi này, nhiều khi chỉ cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương, vì nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc.
Đại biểu Dương Văn Thông (Bắc Giang) cho rằng, nổ súng là hành vi cần thiết được quy định trong dự thảo Luật Cảnh vệ, tuy nhiên cần quy định chặt chẽ, cụ thể hơn để đảm bảo quyền thực thi nhiệm vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ, vừa không vi phạm quyền con người, quyền công dân. Cũng theo đại biểu, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về vành đai an toàn trong khu vực mục tiêu cảnh vệ, cũng như phân biệt giữa đối tượng là con người và khu vực sự kiện, dẫn đến quy định chưa thật đầy đủ, chặt chẽ.
Đại biểu Dương Văn Thông tham gia ý kiến về quy định nổ súng khi thi hành nhiệm vụ
Ngoài ra, đại biểu Thông cho rằng điểm c của điều này mới chỉ quy định lực lượng Cảnh vệ được nổ súng để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ. Nếu áp dụng vào thực tế có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên phân biệt cụ thể việc tấn công trực tiếp bằng vũ khí nào và việc sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vũ khí "nóng" hay vũ khí thô sơ có trực tiếp đe dọa đến tính mạng con người, đe dọa đến khu vực sự kiện hay không?
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị dự thảo Luật này cần quy định theo hướng phân biệt đối tượng cảnh vệ nổ súng để bảo vệ yếu nhân; nổ súng để bảo vệ sự kiện khu vực cảnh vệ; nổ súng khi thực hiện công vụ có tổ chức và thực hiện độc lập.
Nội dung này, đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) cho rằng ở điểm c, khoản 2, Điều 23, dự thảo Luật nêu: “Để tiêu diệt đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ đang thực hiện nhiệm vụ”, mặc dù các điều, khoản này quy định việc nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc theo quy định hiện hành của pháp luật. Nhưng theo đại biểu quy định như vậy là chưa phù hợp với Điều 21 của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, cũng như với quy định của pháp luật hiện hành là: Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra và bảo đảm phòng vệ chính đáng hoặc tính cấp thiết theo quy định của Bộ luật Hình sự. Theo dự thảo, đối tượng đang có hành vi chứ chưa có hành động, để kịp thời ngăn chặn các hành vi đó nhiều khi chỉ cần sử dụng những biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương. Nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ điểm c, khoản 2, Điều 23.
Giải trình về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là hợp lý và sẽ tiếp thu, chỉnh lý điểm c, khoản 2, Điều 23 của dự thảo Luật về trường hợp nổ súng, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ của lực lượng Cảnh vệ, để đảm bảo quyền công dân và tạo điều kiện cho lực lượng cảnh vệ hoàn thành nhiệm vụ.
Xác định rõ thẩm quyền trưng dụng tài sản để tránh lạm quyền
Góp ý về quy định huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ (Điều 24), nhất là về thẩm quyền trưng dụng, nhiều đại biểu cho rằng: Theo quy định của Hiến pháp thì trong một số trường hợp cần thiết chỉ Nhà nước mới có quyền trưng dụng tài sản. Tại các điều 24, 25, 26 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản đã quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, nội dung và trình tự quyết định trưng dụng tài sản; theo đó chỉ giao một số Bộ trưởng và Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền quyết định trưng dụng tài sản nhưng không được phân cấp thẩm quyền này. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được “thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện… theo quy định của pháp luật” là chưa rõ, dễ bị lạm dụng. Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, các đại biểu đề nghị sửa lại trong trường hợp cấp bách, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được “trưng dụng tài sản, phương tiện… theo Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản”.
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị làm rõ trường hợp cấp bách cần bổ sung quyền cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được trưng dụng tài sản, phương tiện và quy định cụ thể về trình tự, thời hạn trưng dụng; việc bàn giao, tiếp nhận tài sản, cơ chế báo cáo, giám sát, đồng thời cần bổ sung quy định về sửa đổi, bổ sung Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, thẩm quyền trưng dụng gồm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ và các cá nhân có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại khoản 2 lại quy định thêm cơ quan và người trưng dụng phải bồi thường; nhưng lại không quy định rõ cơ quan nào? Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ việc huy động người và trưng dụng tài sản, phương tiện cho thật sự rõ ràng. Theo đại biểu, thẩm quyền là cơ quan, tổ chức, con người phải được xác định rõ ràng để tránh sự lạm quyền.
Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng cần quy định rõ thẩm quyền trưng dụng để tránh lạm quyền
Chưa nên thay đổi hoặc bổ sung đối tượng cảnh vệ
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt ban soạn thảo, đã tiếp thu các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo Luật Cảnh vệ.
Theo dự thảo luật, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng, Nhà nước và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Cụ thể là Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng.
Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu trước Quốc hội
Một số đại biểu có đề nghị bổ sung, thay đổi một số đối tượng nhưng theo Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, ban soạn thảo thấy rằng trong điều kiện ổn định về chính trị hiện nay của đất nước, trước mắt chưa nên bổ sung hoặc thay đổi như ý kiến đại biểu. Đề xuất này cũng đã được tổng kết thực tiễn trước khi xây dựng dự thảo luật. Trong trường hợp nếu cần bổ sung, thay đổi đối tượng cảnh vệ sẽ thực hiện theo khoản 5 điều 10 dự thảo luật (căn cứ vào yêu cầu chính trị, an ninh trong từng giai đoạn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh hoặc bổ sung đối tượng cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ đối với các đối tượng)
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung một số mục tiêu cơ quan cấp tỉnh nằm trong phạm vi của đối tượng cảnh vệ, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, việc bảo vệ trụ sở các cơ quan này đã được lực lượng cảnh sát bảo vệ hoặc các lực lượng chuyên trách khác đảm nhiệm. Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhưng không phải đối tượng cảnh vệ, không phải mục tiêu cảnh vệ.
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc mục tiêu cảnh vệ ở một số khu vực trọng yếu như Bảo tàng Hồ Chí Minh, Quảng trưởng Ba Đình, đài tưởng niệm... Tuy nhiên, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, đây là nơi người dân có thể đến tham quan, là những khu vực có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, trung tâm chính trị - văn hóa Ba Đình và trên thực tế các địa điểm này đã được triển khai thực hiện hoặc phối hợp thục hiện công tác cảnh vệ theo Pháp lệnh chứ không phải không có lực lượng đảm nhiệm. Thực tế đây là đối tượng cảnh vệ đã được triển khai. Vì vậy, thừa kế quy định của Pháp lệnh Cảnh vệ, đề nghị tiếp tục quy định những khu vực này là đối tượng cảnh vệ.