Luật bàn thắng sân khách và sự phi lý suốt nửa thập kỷ
- Văn hóa - Giải trí
- 15:37 - 05/05/2016
Trong buổi tối tháng 4/2010, sân Old Trafford chìm trong tâm trạng thất vọng khi Arjen Robben bắt vô-lê sau pha đá phạt góc của Franck Ribery.
Đâu đó ở một góc khán đài, người ta thấy người hâm mộ đội bóng Đức nhảy cẫng lên vui sướng. Lúc đó, Robben rút ngắn tỷ số xuống còn 2-3 cho Bayern trước MU, đồng thời đưa tổng tỷ số sau hai lượt trận là 4-4.
Kết thúc 90 phút, "Hùm xám" loại đại diện nước Anh khỏi vòng tứ kết Champions League vì luật bàn thắng sân khách. Từ khi nào một đội bóng thất bại trong trận lượt về lại giành vé đi tiếp theo thể thức hai lượt? Đó là vì họ giành được tổng tỷ số tốt hơn.
Và cũng có thể vì luật bàn thắng sân khách đã và đang trở thành cơn ác mộng của nhiều đội.
Bayern Munich bị loại bởi luật bàn thắng trên sân khách. Sau hai lượt trận, Bayern hòa Atletico 2-2, nhưng Atletico đi tiếp nhờ có bàn thắng trên sân Allianz Arena. Ảnh: Reuters.
Nhiều năm qua, cúp châu Âu chứng kiến vô số những kịch bản cay đắng khi một đội bị loại tức tưởi vì điều luật được cho rằng rất vô lý và độc đoán mang tên "luật bàn thắng sân khách", theo cách mô tả của nhà báo Jonathan Wilson trên Bleacherreport trong bài phân tích vào ngày 28/4.
Rạng sáng 4/5, Bayern chơi hay hơn Atletico nhưng vẫn rời giải vì điều luật tồn tại hơn nửa thập niên qua.
Vậy luật bàn thắng sân khách được diễn giải như thế nào?
Đó là khi hai đội có tỉ số hòa sau hai lượt trận thì đội nào bị thủng lưới trên sân nhà nhiều hơn sẽ là đội bị loại hoặc đội ghi được nhiều bàn thắng hơn trên sân khách sẽ đi tiếp.
Bộ luật này ra đời nhằm loại bỏ các trận đá lại và giúp các đội khách thi đấu thêm phần máu lửa, cống hiến, và loại bớt toan tính.
Thế nhưng Jonathan Wilson lại nhìn thấy một sự phi lý từ điều luật này. Khi Zlatan Ibrahimovic nâng tỷ số lên 2-1 cho PSG trước Chelsea trong hiệp 2 trận lượt về trên sân Stamford Bridge.
Mọi thứ kết thúc với đội bóng nước Anh vì tổng tỷ số đã là 4-2. Để đi tiếp, đại diện xứ sương mù phải ghi 3 bàn trong 23 phút còn lại. Những diễn biến sau đó diễn ra rất tẻ nhạt.
Bayern đã có một trận đấu hay, nhưng lại không thắng được điều luật tồn tại suốt hơn nửa thế kỷ. Ảnh: Getty Images.
Điều tương tự xảy ra tại Europa League, với bàn cân bằng tỷ số 1-1 của Philippe Coutinho trên sân Old Trafford trước MU. "Quỷ đỏ" chỉ lật ngược thế cờ nếu ghi 3 bàn trong thời gian còn lại vì tỷ số đã là 3-1.
Suốt 45 phút hiệp 2 trận đấu đó, mọi thứ không diễn ra căng thẳng và kịch tính như người ta chờ đợi. Lý do vì các bàn thắng trên sân khách đã giết chết trận đấu.
Với giả thiết khác, một đội hòa 1-1 trên sân đối phương ở lượt đi và sau đó giành vé đi tiếp nhờ tỷ số 0-0 trong trận lượt về. Liệu người ta có nhìn thấy một sự công bằng từ kết quả này.
Còn nếu trận lượt về kết thúc với tỷ số hòa 2-2, đội ghi được nhiều bàn thắng trên sân đối phương hơn sẽ đi tiếp. Vậy bên nào đã bị cướp mất chiến thắng?
Thử so sánh hai golf thủ lúc tranh tài ở một giải đấu, không ai phân định thắng thua dựa trên người nào đã thực hiện cú đánh khó vào lỗ cả.
Đúc kết lại, Jonathan Wilson đưa ra luận điểm luật bàn thắng trên sân khách đang trở thành bóng ma lấy đi tính công bằng từ các trận đấu. Lý lẽ ông đưa ra từng được nhiều cây bút tranh luận rất nhiều năm qua.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là bóng đá vẫn đang tiếp tục phải chịu đựng sự ngớ ngẩn từ điều luật do chính con người đặt ra suốt hơn nửa thế kỷ.
Luật bàn thắng sân khách xuất hiện lần đầu ở Cúp C2 năm 1965, mục đích ban đầu là để loại bỏ các trận đá lại, vốn tốn kém và khó sắp lịch. |