Luận về trò chơi "Bịt mắt bắt dê" xưa và nay
- Văn hóa - Giải trí
- 13:14 - 07/03/2015
Tại sao người xưa không chọn một con vật nào khác tham gia vào trò chơi mà lại chọn con dê? Lý do có lẽ là dân gian dựa vào tập tính và đặc điểm sinh học của loài dê.
Dê là loài vật có tính khí hiền lành, nhút nhát, linh hoạt và hiếu động. Chiều cao trung bình của dê khoảng trên dưới một mét.
Vậy, chọn con dê tham gia trò chơi đuổi bắt là phù hợp nhất: chiều cao của nó vừa với tầm tay của người đuổi bắt, lại khó bắt được nó do dê nhút nhát, chạy nhảy linh hoạt, thì trò chơi mới hấp dẫn và kéo dài. Chọn những con vật có chiều cao thấp quá như gà, vịt chẳng hạn, thì không phù hợp, lại chậm chạp; con chó thì hung dữ, ngộ nhỡ nó nổi giận đớp cho một phát thì chắc phải vào … bệnh viện gấp, hỏng cả trò chơi. Còn chim thì rõ ràng là không được rồi, vì chim sẽ bay mất… mở mắt e còn khó mà bắt được, huống hồ là “bịt mắt”! Đúng như câu thành ngữ “bịt mắt bắt chim” (Chữ Hán là: “Yểm mục bổ tước” có nghĩa là: Làm một việc khó có thể đạt kết quả/ Hành động khờ khạo, thiếu thực tế/ Tự huyễn hoặc, tự dối mình, hy vọng vào điều mong manh.)
Từ thời xa xưa “Bịt mắt bắt dê” là trò vui chủ yếu dành cho người lớn, hay chính xác hơn là trò chơi của trai thanh gái lịch trong các dịp vui như: Hội đầu xuân, Tết Trung thu… Bức tranh dân gian Đông Hồ miêu tả trò chơi “Bịt mắt bắt dê” gồm có hai người tham gia, một thanh niên và một thiếu nữ, cùng với một con dê, ở trong một vòng rào gỗ không khép kín.
Hai người chơi bị bịt mắt và con dê đều mang áo tơi lá để khi chuyển động vang lên tiếng sột soạt dễ tìm bắt, hai người chơi còn đeo thêm lục lạc ở chân, dê đeo lục lạc ở cổ để khi di chuyển vang lên tiếng lanh canh cho dễ phán đoán, định hướng đuổi bắt hơn. Dường như bức tranh thể hiện cảnh hai người chơi không cố tình tìm bắt con dê, mà chỉ mượn trò chơi làm cơ hội để “bịt mắt bắt …nhau”! Con dê đứng ở khoảng cách an toàn, ngoảnh đầu lại… (ngơ ngác, ngạc nhiên) quan sát hai người chơi (ê, ê, tớ ở đây này; ơ kìa, sao họ không chịu bắt mình nhỉ?)!
Người xem gồm cả người lớn và trẻ em đứng ngoài vòng rào. Bên cạnh vòng rào có một đôi nam nữ đang chuẩn bị chờ đến lượt vào chơi. Cô gái thì bẽn lẽn, thẹn thùng, ngần ngừ… không biết có nên tham gia không; còn chàng trai thì thao thao bất tuyệt, sôi nổi vung tay bình phẩm, hăng hái giới thiệu và cố thuyết phục cô gái tham gia trò chơi với mình… Phía hậu cảnh của bức tranh là các phần thưởng dành cho người thắng cuộc như xâu tiền, khăn và yếm (áo lót phụ nữ).
Cũng như trò chơi dân gian “Đánh đu”, trò chơi “Bịt mắt bắt dê” ngày xưa không dành cho trẻ em (chỉ được đứng xem) mà chủ yếu dành cho thanh niên, thiếu nữ (người nhớn) để họ có cơ hội gặp gỡ, tiếp cận và tìm hiểu nhau, với những đụng chạm về mặt thể xác, vượt qua lễ giáo phong kiến khe khắt “Nam nữ thụ thụ bất tương thân”.
Giả vờ bịt mắt bắt dê,
Để cho cô cậu dễ bề... với nhau!
Ngày nay, hai trò chơi kể trên rặt chỉ có trẻ em tham gia mà thôi, chứ trai thanh gái lịch chẳng khi nào tơ màng đến.
Còn người lớn thì chỉ gặp dê trong quán nhậu, hoặc ở ngoài đời - các bà, các cô nếu có gặp dê thì dễ có cơ gặp các “dê cụ”, “dê xồm”...