CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:50

Luân chuyển 5.700 công chức thuế, hải quan ở những nơi dễ ‘tham nhũng vặt’

 

Bộ Tài chính luân chuyển 5.700 công chức thuế, hải quan ở những nơi dễ “tham nhũng vặt”

Sẽ thực hiện 700 cuộc thanh, kiểm tra thuế, hải quan

Những thực trạng, nguyên nhân và các giải pháp về chống tham nhũng vặt đã được  các bộ, ngành địa phương chỉ ra tại hội nghị phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10 của Thủ tướng. Luân chuyển cán bộ ở những nơi nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng là giải pháp được ưu tiên, áp dụng để ngăn ngừa tham nhũng vặt.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, qua đánh giá của cộng đồng DN do MTTQ khảo sát, trong năm 2018 có 18% DN phản ảnh còn tình trạng “bôi trơn, tham nhũng vặt” trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Ông Tuấn cho biết, Bộ Tài chính coi kết quả này làm tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, điều chuyển cán bộ, xử lý trách nhiệm những đơn vị hải quan, thuế để DN, người dân kêu ca. Trên cơ sở giám sát của MTTQ, Bộ Tài chính tập trung kiểm tra công vụ các cơ quan thuế, hải quan nằm trong 18% DN phản ảnh có tình trạng tham nhũng vặt.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, Bộ đã tổ chức 661 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ và đã chuyển 2 hồ sơ sang công an để điều tra đối với 8 cán bộ công chức thuế, hải quan; xử lý hành chính 38 cán bộ, công chức.

Dự kiến trong 6 tháng cuối năm, Bộ tập trung 700 cuộc thanh tra kiểm tra đối với các cơ quan thuế, hải quan. Đồng thời, thực hiện luân chuyển, điều chuyển công tác những vị trí nhạy cảm.

"Trong 6 tháng đầu năm, chúng tôi đã chuyển đổi vị trí công tác gần 5.700 công chức. Trong đó thuế hơn 1.200 công chức, hải quan hơn 4.250 công chức. Việc này được thực hiện tập trung vào những địa bàn có dấu hiệu tham nhũng vặt theo phản ánh của DN như Hải Phòng, Quảng Trị, Bình Phước vừa rồi", ông Tuấn thẳng thắn.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức khi để xảy ra tham nhũng. Cụ thể, trong năm 2018, có 17 trường hợp người đứng đầu các bộ phận bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, Bộ kiểm điểm rút kinh nghiệm 2 trường hợp, kỷ luật phê bình 7 trường hợp, kỷ luật khiển trách 6 trường hợp, kỷ luật cảnh cáo 2 trường hợp.

Tâm lý “ban ơn”, đòi hỏi người bệnh “cảm ơn”

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, ngành y tế là một ngành đặc thù, mang lại sức khỏe cho người dân, tài sản vốn quý nhất của mỗi con người, cho nên, công chức, viên chức, người lao động trong ngành dễ có tâm lý “ban ơn”. Từ đó, đòi hỏi người bệnh, người dân phải “cảm ơn’ mình, từ đó dễ phát sinh tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà cho người bệnh, người dân, doanh nghiệp.

Mặc dù, kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng cho thấy: Bộ Y tế không phát hiện những vụ án tham nhũng; không phát hiện tình trạng “tham nhũng vặt” tại cơ quan hành chính nhà nước… Tuy nhiên theo lãnh đạo Bộ, trên thực tế, qua nhận diện vẫn có tình trạng công chức, viên chức trong ngành có những hành vi, thái độ chưa phù hợp, tình trạng nhũng nhiễu, quy trình xử lý công việc còn rườm rà, phức tạp gây khó khăn cho người bệnh, người dân, doanh nhiệp.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, do tác động của nền kinh tế thị trường, mặt trái tiêu cực của xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến đạo đức của người cán bộ y tế, đâu đó vẫn còn một số biểu hiện, tư tưởng ban ơn, thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm trước nỗi đau của người bệnh, bị cám dỗ bởi vật chất mà đi ngược lại với lương tâm nghề nghiệp; hoặc chỉ chú tâm vào y thuật, kỹ thuật mà coi nhẹ đạo đức ngành y, đạo đức công vụ cư xử thiếu văn hóa với người bệnh và gia đình người bệnh, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy thuốc được bao thế hệ dày công vun đắp.

Về giải pháp, cùng với việc phát động nhiều phong trào thi đua, 100% cán bộ y tế ký cam kết thực hiện đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Bộ Y tế còn triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như: Thường xuyên trao đổi thông tin, tham gia đối thoại, phỏng vấn, giao lưu trực tuyến với các các báo hình, báo viết, Fangage của Bộ trưởng cùng nhiều phương tiện thông tin khác…

Trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, sẽ tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; gắn trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên với phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; người đứng đầu các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng khi để xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà, tham nhũng vặt tại cơ quan, đơn vị.


Theo Tienphong.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh