Lúa gạo Việt Nam – thiếu thương hiệu mạnh mang tầm quốc tế
- Huyệt vị
- 05:43 - 29/04/2016
Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, hiện nay gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu thu gom của thương lái rồi “đánh bóng”, “làm đẹp” rồi đem bán. Do đó, trừ một số loại gạo có thương hiệu có giá xuất khẩu khá cao, khoảng 2 - 3 USD/kg, nhưng cũng không được nhiều, còn lại hiện nay, gạo Việt Nam xuất khẩu phần lớn không có thương hiệu, không truy xuất được nguồn gốc, vì thế giá bán không được cao. Ngoài ra, các công ty và thương lái quốc tế mua gạo Việt Nam không thương hiệu còn trừ thêm chi phí rủi ro về nguồn gốc xuất xứ.
Đồng quan điểm trên, ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn thương hiệu Công ty tư vấn The Pathfinder cho rằng, Việt Nam đang thiếu một chiến lược xuất khẩu, thiếu chiến lược và phối hợp triển khai truyền thông để hỗ trợ xâm nhập thị trường như các quốc gia Ấn Độ, Thái Lan và gần đây là Campuchia làm tốt hơn hẳn.
Việt Nam đang tự phát chạy theo nhu cầu thị trường thay vì định vị tập trung vào thị trường mục tiêu, vào các sản phẩm nhằm tạo giá trị xuất khẩu cao dẫn đến thị trường xuất khẩu chủ yếu các nước châu Á mà ít xâm nhập vào thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ. Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường châu Á chủ yếu loại gạo có chất lượng trung bình (chiếm hơn 53%), độ đồng đều không cao, chạy theo sản lượng và số lượng lớn với giá gạo xuất khẩu thấp (chẳng hạn gạo thơm) chỉ bằng 40 - 60% giá bán của hai quốc gia dẫn đầu là Ấn Độ và Thái Lan…
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp đều cho rằng, việc xây dựng thương hiệu lúa gạo cho Việt Nam là cần thiết để nâng cao giá trị và uy tín gạo Việt Nam, đáp ứng được những điều kiện đặc thù mà thị trường đòi hỏi. “Nếu chọn một số dòng sản phẩm để xây dựng thương hiệu, cần xác định chiến lược về thương hiệu, dòng sản phẩm, từ đó định vị từng dòng sản phẩm. Công việc tiếp theo là tìm sự khác biệt, xây dựng chiến lược tiếp thị, truyền thông và phân phối”, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao gợi ý.
Ông Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, thương hiệu nông sản Việt Nam rất cần một nhạc trưởng là Nhà nước chủ động định hướng, dẫn dắt, kiến trúc và giữ nhịp cho dàn nhạc theo định hướng phát triển bền vững dựa vào thương hiệu, còn ban nhạc là các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp cùng đồng tâm, hòa nhịp với dàn đồng ca của người tiêu dùng. Có như thế, thương hiệu Việt mới có khả năng cất cánh vươn cao hơn trong suốt chuỗi giá trị sản phẩm gạo./.