Lừa đảo cả bệnh nhân nghèo
- Dược liệu
- 13:53 - 18/10/2015
Em bé bị bỏ rơi được miễn hoàn toàn chi phí điều trị nhưng đang được nhiều người xin tiền hộ trên facebook. Ảnh: K.Q
Đã khó lại thêm khổ
Điển hình là trường hợp của anh N.V. L (ngụ ở tỉnh Long An) con trai của bà N.T. Đ được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Gia cảnh bà Đ thuộc diện đói nghèo, anh L phải nghỉ học sớm, mưu sinh bằng nghề chăn vịt. Cách đây 2 tháng, bà Đ phát hiện ra bệnh tim và cần một số tiền khá lớn để phẫu thuật. Bệnh viện Chợ Rẫy đã thông qua phòng Công tác xã hội để đăng tin lên báo, kêu gọi bạn đọc giúp đỡ chi phí điều trị cho bà Đ. Một tuần sau khi thông tin được đăng báo, anh L nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là nhà báo. Anh “nhà báo” này hứa sẽ trao một số tiền 125 triệu đồng để giúp bà Đ mổ tim. Nhưng “nhà báo” đưa ra một điều kiện là anh L phải trả chi phí để nhà báo “xin tiền” bằng cách nạp vào số điện thoại mạng Viettel của anh ta số tiền 2 triệu đồng. Anh L cho biết, anh chỉ còn 1 triệu đồng. “Nhà báo” bảo “thôi cũng được!”. Vậy là anh L dốc hết số tiền trong túi, mua thẻ cào nạp cho “nhà báo”. Sau khi nạp tiền, anh L vẫn không thấy “nhà báo” chuyển số tiền 125 triệu đồng cho mình. Anh báo cho phòng Công tác Xã hội của bệnh viện mới biết mình vừa bị lừa một cách “ngoạn mục”.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Th.S Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, chỉ tính trong năm 2015, đã có 7 trường hợp bị lừa như anh N.V.L. Đa phần, cả 7 trường hợp đều là thân nhân của những người bệnh có hoàn cảnh thuộc diện khốn cùng đã được bệnh viện thông tin trên báo đài để được hỗ trợ. Những đối tượng lừa đảo thường nhân danh một tổ chức từ thiện hoặc nhà báo, liên hệ với người nhà bệnh nhân hứa sẽ đưa cho họ số tiền tương đương với chi phí phẫu thuật mà báo chí đưa ra. Sau đó, những đối tượng này đòi thân nhân phải chuyển trước một số tiền đối ứng bằng cách nạp tiền vào điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Th.S Lê Minh Hiển cho biết, Phòng công tác xã hội đã nắm được chiêu thức này nên đã cảnh báo dặn dò kỹ lưỡng bệnh nhân và thân nhân.
Chiêu “xin tiền hộ” trên facebook
Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM phải tổ chức một cuộc họp báo để làm sáng tỏ sự việc về trường hợp của một bé trai đang được các cá nhân, tổ chức quyên góp từ thiện rầm rộ trên facebook. Ngày 22.8, bé trai này được bà N.T.Út (ngụ ở tỉnh Cà Mau) đưa đến bệnh viện trong tình trạng bị sinh non 33 tuần, bị tim bẩm sinh kèm viêm phổi, nhiễm trùng huyết, suy thận và hội chứng down. Ngay sau đó, mẹ bé đã “biến mất”, cháu bé không có người thân bảo trợ. Bệnh viện đã liên hệ với Công an quận 10 để lập biên bản trẻ bị bỏ rơi. Bên cạnh đó, bệnh viện vẫn tiếp tục điều trị cho cháu. Đến nay, tình trạng sức khỏe của em bé đã khá hơn.
Trong thời gian bé nằm viện, đã có rất nhiều người đến chụp hình bé và đưa lên facebook với lời kêu gọi tha thiết cộng đồng mạng hãy quyên góp tiền để bé mổ tim. Theo đó, những người này còn đưa ra chi phí mổ tim của bé lên đến hàng trăm triệu với số tài khoản cá nhân của mình. Tuy nhiên, PGS -TS Vũ Minh Phúc - Trưởng khoa Tim mạch cho biết, trường hợp của bé được bệnh viện phẫu thuật hoàn toàn miễn phí, không có bất kỳ một chi phí phát sinh nào cần đến sự đóng góp của cộng đồng. Sau khi điều trị ổn định, em bé cũng được bệnh viện giao cho Sở Lao động -Thương binh& Xã hội TP để bé tiếp tục được nuôi dưỡng.
Theo bác sĩ Phạm Thị Hằng - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Nhi Đồng 1 thì việc bệnh nhi bị lợi dụng hình ảnh, thông tin để nhiều người “xin tiền hộ” một cách mập mờ như trên không phải là ít. Nhưng bệnh viện không thể nào quản lý được những chủ facebook này, cũng không có quyền cấm đoán họ.
Từ thiện cũng phải khoa học
Th.S Lê Minh Hiển cho biết, tất cả bệnh viện nên thành lập phòng công tác xã hội. Đó là nơi bệnh nhân, thân nhân và nhà hảo tâm gặp nhau, chia sẻ và trao trực tiếp những khoản đóng góp để đảm bảo số tiền được đến tận tay bệnh nhân. Đồng thời, cũng theo Th.S Hiển, từ thiện cũng cần một cách làm khoa học, từ thiện cho đúng người, đúng thời điểm: “Việc từ thiện sẽ trở nên có nghĩa hơn nếu các nhà hảo tâm, mạnh thường quân gặp được nhau và cùng thống nhất giúp đỡ cho những bệnh nhân thực sự cần, thay vì quyên góp lẻ tẻ, không đủ để giải quyết chi phí điều trị cho một bệnh nhân nào”.
BS Phạm Thị Hằng thì khuyến cáo, những thông tin đăng trên facebook hoàn toàn không được kiểm chứng nên khó biết thực hư thế nào. Vì vậy, cộng đồng cần nâng cao cảnh giác để tránh tình trạng lòng tốt bị kẻ gian lợi dụng, trục lợi bất chính. Bên cạnh đó, bệnh viện lâu nay đã có phòng Trợ giúp xã hội để kết nối, tiếp nhận sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm cho các hoàn cảnh khó khăn. Do đó, nhà hảo tâm nên liên hệ với bộ phận này để đảm bảo số tiền đến tận tay bệnh nhân mà mình muốn giúp đỡ.