Lòng tự trọng
- Văn hóa - Giải trí
- 18:08 - 27/03/2015
Rất nhiều người đã cảm kích và ca ngợi lòng tự trọng của ông Ryoichi. Một số người mong muốn cây cầu được lấy tên ông.
Vậy mà ở Hà Nội, cả một dự án chặt cây liên quan đến nhiều vị lãnh đạo các cấp, khi mới bước đầu thực hiện đón hạ được 500 cây, họ đã lập tức bị cả một làn sóng dư luận phản đối, chỉ trích từ người dân, từ các nhà khoa học, trí thức và truyền thông, mà vẫn chưa một ai đứng ra nhận lỗi trước công luận thì đấy là một điều hết sức kỳ lạ.
Nhưng lạ hơn là tất cả những câu trả lời báo chí, dù chậm chạp chây lì của họ, lại tìm mọi cách để né tránh hay tảng lờ tội lỗi. Họ chống lại cả các nhà khoa học, họ khăng khăng cây mỡ là cây vàng tâm. Họ cưa đổ hàng loạt cây cổ thụ, hàng loạt những cây lớn đang sống yên ổn và phát triển tốt mà họ vẫn nói là chỉ chặt bỏ cây sâu cây mọt rỗng… để làm đẹp đô thị và bảo đảm an toàn giao thông.
Họ đốn hạ cả những cây mới trồng 4-5 năm dọc những vỉa hè thoáng đãng để thay cây mới không biết bao giờ mới khép tán, nhưng họ nói đấy là cần thiết. Tóm lại là họ đang chống lại tai mắt, trí tuệ, tình cảm của người dân. Đó phải chăng là lòng tự trọng của họ?
Không. Không bao giờ có một kiểu “tự trọng” như thế cả. Chỉ là họ muốn đổ tội, muốn tránh tội, muốn chạy tội mà thôi.
Nếu không đổ tội, tránh tội, chạy tội, thì tại sao họ không công nhận ngay những sai trái nhỡn tiền, ai ai cũng thấy. Chẳng lẽ họ không nhìn thấy trên tivi những người dân biết tôn trọng chính quyền, ủng hộ chính quyền làm những việc ích nước lợi dân, nhưng người dân đã khóc khi thấy những cái cây vô tội dọc những con phố yên ổn hàng mấy chục năm bỗng dưng bị đốn hạ?
Chẳng lẽ họ không thấy những em sinh viên xuống đường biểu tình bảo vệ cây xanh, bảo vệ lá phổi của thủ đô? Chẳng lẽ họ không thấy những nhà khoa học, những văn nghệ sĩ, những nhà báo, những trí thức lên tiếng phản đối vụ chặt cây này? Phải chăng họ thấy mà cứ làm ngơ?
Những người lãnh đạo nên biết rằng, yêu dân thì dân thương; vì dân thì dân tin; lừa dân thì dân lật. “Lật thuyền mới biết dân là nước” – tiền nhân dạy mà chẳng lẽ họ quên sao?
“Quan nhất thời, dân vạn đại”, họ có làm lãnh đạo được mãi đâu. Rồi đến lúc về hưu, họ sẽ nghĩ gì về lòng tự trọng của mình? Chả lẽ chỉ vì sợ bị kỷ luật, bị mất chức, bị mất bổng lộc mà có thể đổi trắng thay đen, đổi tội thành công được hay sao? Hay là họ cho rằng, tội lỗi cũng bình thường, dân chửi mãi rồi dân cũng mỏi mồm, rồi dân cũng quên đi…
Không thể như vậy được.
Tôi nghĩ việc chặt cây không thể nói chung chung là “trên đúng dưới sai đươc”. Vậy tại sao chỉ 1 con phà đắm làm chết người mà một ông Thủ tướng phải cúi đầu xin lỗi dân và xin từ chức? Là vì họ thấy được trách nhiệm nặng nề của họ trước số phận nhân dân, số phận dân tộc của họ.
Đó là lòng tự trọng.
Theo thiển nghĩ của tôi, nếu có một nhà lãnh đạo của Hà Nội đứng ra nhận lỗi, chỉ nhận lỗi thôi chứ không cần phải tự tử (vì nghe phản cảm quá), trong vụ chặt cây này thì chắc chắn sẽ được nhân dân ca ngợi ngay lập tức. Ông ta không những không mất chức mà còn được tôn vinh như “của hiếm” trong cái thời rất trống vắng lòng tự trọng này. Và biết đâu, tên ông sẽ được đặt tên cho một loài cây đẹp nhất của Thủ đô văn hiến.
Hà Nội, 26/3/2015