THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:21

Lồng ghép giới trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Theo các chuyên gia về lao động, khi tham gia vào thị trường lao động nước ngoài, lao động nữ Việt Nam có cơ hội nâng cao quyền năng, độc lập về kinh tế. Tuy nhiên, phụ nữ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản hơn so với lao động là nam giới cả trước, trong và sau khi di cư lao động. Trước khi ra nước ngoài làm việc, lao động nữ bị hạn chế hơn nam giới trong tiếp cận thông tin tuyển dụng cũng như thông tin về di cư hợp pháp. Khi làm việc nước ngoài, lao động nữ cũng có nguy cơ cao hơn, dễ bị bóc lột, bị xâm hại tình dục, lây nhiễm các bệnh xã hội; gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ pháp lý. Trở về nước sau khi hết hợp đồng lao động , lao động nữ cũng gặp khó khăn hơn trong tìm kiếm cơ hội việc làm và phát huy tay nghề được trang bị qua quá trình làm việc ở nước ngoài. Tất cả những vấn đề nêu trên dẫn đến gia tăng căng thẳng, nảy sinh tâm lý cô đơn, sợ hãi đối với lao động nữ. Bên cạnh đó, họ cũng phải đối mặt với nguy cơ tan vỡ gia đình do sự vắng mặt lâu ngày của người mẹ, người vợ trong gia đình. 

Để khắc phục những vấn đề trên, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) khi xây dựng đã lồng ghép vấn đề giới nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động theo hướng bình đẳng. Cụ thể, Luật bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. bổ sung quyền và nghĩa vụ của người lao động, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu phát hiện nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự trong quá trình thực hiện công việc. Quyền được trở về nước hoặc thay đổi công việc trong trường hợp có vi phạm quyền lao động, quyền con người, đặc biệt trong trường hợp bị bạo lực, quấy rối tình dục.

Cụ thể điểm đ Khoản 1 Điều 6 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) nêu rõ:  Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Lao động nữ chiểm tỷ lệ 35-40% trong tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài

Lao động nữ chiểm tỷ lệ 35-40% trong tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài

Bên cạnh đó, Luật cũng bổ sung nhiều quyền cho người lao động như: Quyền tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội, y tế, tâm lý, tại quốc gia nơi người lao động làm việc. Quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ việc làm và tạo việc làm sau khi trở về cũng như dịch vụ tái hòa nhập cộng đồng bình đẳng giữa nam và nữ. Bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động sau khi về nước như: Hỗ trợ thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, tạo điều kiện để người lao động tìm kiếm việc làm, tạo nguồn lao động có chất lượng chuyên môn, kỹ thuật cho các đơn vị sử dụng lao động trong nước. Cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý đối với một số trường hợp đặc biệt như bị lạm dụng, bị bóc lột sức lao động, rơi vào đường dây ma túy, lừa đảo khi lao động ở nước ngoài, bị bạo lực, xâm hại tình dục… Bổ sung quy định đối với Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trong trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn mà không phải do lỗi của người lao động mà là nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục, bạo lực giới, bóc lột sức lao động, dịch bệnh…

Hiện nay, thị trường trọng điểm truyền thống tiếp nhận lao động Việt Nam là Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), ngoài ra, A-rập Xê-út và Ma-lai-xi-a cũng là hai nước có số lượng phụ nữ Việt Nam di cư lao động nhiều hơn nam giới. Số lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng có xu hướng gia tăng. Với những quy định mới trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), việc đảm bảo quyền cho lao động nữ và bảo vệ họ trong quá trình làm việc ở nước ngoài sẽ được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.

Hà Châu

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh