Long An: Chỉ 30% trẻ em lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết bơi
- Dược liệu
- 12:42 - 08/11/2018
Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh có 62 em bị chết đuối (2016: 25 em; 2017: 27 em; 6 tháng 2018: 10 em) trong đó độ tuổi từ 0-5 tuổi chiếm tỷ lệ cao, tập trung chủ yếu ở các huyện Đồng Tháp Mười, Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa và thành phố Tân An.
Đuối nước hay xảy ra đối với trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Cho dù trẻ em không biết bơi lội hay biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn.
Ngoài ra, môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như lu nước, chậu nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước... không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Hơn nữa, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người... đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy đất, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… không có hàng rào, biển báo cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.
Dạy bơi giúp trẻ tự cứu lấy mình
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, trẻ chết đuối vì người lớn lơ là đuối nước đang gia tăng trong cộng đồng do nhiều nguyên nhân như môi trường không an toàn, người lớn chưa giám sát trẻ một cách chặt chẽ, kiến thức phòng tránh, sơ cứu của người dân còn hạn chế, nhiều trẻ không biết bơi,…
Hiện nay, còn nhiều trẻ không biết bơi và thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước, hiện nay mới có 30% trẻ em trong lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở biết bơi. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn. Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn đặc biệt, trẻ em sống tại các xã nghèo, vùng khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước…
Giải pháp được đưa ra là, cần tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, hạn chế trẻ em bị đuối nước, hướng tới mục tiêu đến năm 2020, giảm 2% tổng số trẻ em bị tử vong do tại nạn đuối nước so với năm 2015.
Vì vậy, cần duy trì hình thức tổ chức các điểm giữ trẻ trong mùa lũ, tổ chức phổ cập bơi cho trẻ em, hướng dẫn trẻ không tắm, bơi ở những nơi nước sâu, chảy xiết hoặc chèo xuồng khi không có người lớn đi cùng để phòng chết đuối.
Đẩy mạnh phối hợp liên ngành giữa các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công an, Giao thông vận tải, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... triển khai đồng bộ công tác phòng, chống đuối nước tại địa phương, phối hợp đưa nội dung giáo dục phòng, chống đuối nước vào chương trình giảng dạy ngoại khóa của cấp tiểu học và trung học cơ sở tổ chức các lớp đào tạo sơ cứu, cấp cứu cho các cộng tác viên, học sinh trong trường phổ thông…