Long An tăng tốc xuất khẩu lao động
- Bài thuốc hay
- 13:48 - 26/10/2018
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Long An Hoa Thanh Niên, rất nhiều người lao động có nhu cầu XKLĐ nhưng không thể đi được vì không có vốn hoặc thiếu vốn, đang rất cần sự hỗ trợ cho vay thêm từ ngân sách địa phương.
Nhiều trở ngại ngăn bước lao động
Sở LĐTBXH tỉnh Long An cho biết, tỉnh này đã có những bước chạy đà XKLĐ từ năm 2007. Tuy nhiên, số lượng lao động được tham gia XKLĐ từ đó đến nay khá khiêm tốn so với tiềm năng của lực lượng lao động và nhu cầu đi XKLĐ ở địa phương. Hơn chục năm XKLĐ, tỉnh Long An chỉ có khoảng 600 lao động làm việc ở nước ngoài. Năm 2018, chỉ tiêu XKLĐ là 120 người, nhưng tới thời điểm này Long An chỉ mới XKLĐ được khoảng 50%.
Một ngày hội giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động cho thanh niên nông thôn tại huyện Đức Hòa (Long An).
Vì sao số lượng XKLĐ trên địa bàn tỉnh suốt 10 năm qua lại khá thấp? Ông Niên lý giải, trên địa bàn tỉnh Long An phát triển khá nhiều khu - cụm công nghiệp dẫn đến công việc dồi dào, lao động địa phương có nhiều chọn lựa. Cùng lúc ấy, thời gian qua tỉnh không có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện và khuyến khích cho người lao động tham gia XKLĐ. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ về vốn để đóng các khoản phí tư vấn, học phí: đào tạo nghề, học ngoại ngữ, giáo dục định hướng; chi phí: khám sức khỏe, làm hộ chiếu, tiền ăn trong thời gian học, phí môi giới đóng cho các công ty XKLĐ, tiền mua vé máy bay....
Các ngân hàng chưa có cơ chế cho vay, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tham gia XKLĐ, nhất là những hộ khó khăn về kinh tế không thuộc đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất, không có giấy tờ nhà đất thế chấp.
Ngoài ra, tỉnh Long An cũng chưa có doanh nghiệp trực tiếp làm công tác XKLĐ trên địa bàn nên thiếu đầu mối triển khai, nắm bắt thị trường lao động. Công tác điều hành XKLĐ gặp nhiều khó khăn, chưa kiểm soát được hoạt động XKLĐ và xử lý rủi ro xảy ra.
“ Về phía người lao động, sự hiểu biết pháp luật lao động, tác phong làm việc, trình độ ngoại ngữ, tay nghề thấp nhưng chỉ muốn đi làm việc ở các nước có thu nhập cao, như: Hàn Quốc, Nhật Bản. bên cạnh đó, các khoản chi phí phải trả lớn nên người lao động còn e ngại khi tham gia XKLĐ”, ông Châu Công Rỡ, Trưởng phòng Lao động - Việc làm (Sở LĐTBXH tỉnh Long An) chia sẻ.
Mỗi năm xuất khẩu 1.000 lao động
“Việc xây dựng và triển khai Đề án XKLĐ tỉnh Long An giai đoạn 2018 - 2020 và đến năm 2025 là rất cần thiết, nhằm hỗ trợ kinh phí cho người lao động có nhu cầu đi XKLĐ, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội đi XKLĐ, tăng thu nhập cải thiện đời sống gia đình”, ông Niên khẳng định.
Theo đó, để tạo điều kiện cho người lao động trong tỉnh tham gia XKLĐ, có cơ hội tăng thu nhập cải thiện đời sống gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững, trong điều kiện Ngân sách trung ương chỉ cho người lao động thuộc đối tượng được hỗ trợ và có đủ tài sản đảm bảo theo quy định, ngân sách tỉnh cần hỗ trợ thêm cho người lao động thuộc diện Ngân sách trung ương hỗ trợ nhưng không có tài sản hoặc có tài sản nhưng không đủ đảm bảo vay vốn. Những đối tượng khó khăn khác không thuộc đối tượng được hỗ trợ từ nguồn vốn trung ương cũng được vay vốn tham gia XKLĐ từ nguồn ngân sách tỉnh.
Đề án XKLĐ tỉnh Long An được xây dựng với mục tiêu đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng. Giai đoạn 2018 - 2020, Long An đưa 1.000 người đi lao động nước ngoài. Và từ năm 2021-2025, mỗi năm đưa 1.000 người đi XKLĐ.