THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:01

Lời tự tình sau song sắt

Hà Duy khóc khi nhớ về quá khứ.

Chuyến xe bus định mệnh

Vụ án buôn ma túy xuyên quốc gia từng gây bàng hoàng dư luận khi bị cáo là hai chị em gái ruột đang là sinh viên. Giá như ngày đó đủ tỉnh táo, đủ sáng suốt và đủ can đảm tố giác tội phạm thì tương lai của Trần Hà Duy và Trần Hạ Tiên đã không khép lại sau cánh cửa trại giam. Nhưng tất cả đã quá muộn, sau hai từ “giá như”. Năm 2007, khi đi trên xe bus, Trần Hà Duy (SN 1989) có quen với Francis, quốc tịch Kenya, hai bên trao đổi số điện thoại với nhau. Giữa tháng 8/2010, Francis gọi điện cho Trần Hà Duy bảo cần người đi nước ngoài để vận chuyển hàng mẫu là quần áo, giày dép nhưng lúc đó Duy bận học nên hẹn lần sau. 2 tháng sau, Francis tiếp tục gọi điện cho Trần Hà Duy hẹn gặp nhau tại quán cà phê trên đường Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh). Tại đây, Francis giới thiệu anh ta có một công ty chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng quần áo, giày dép sang thị trường Việt Nam và các nước. Biết được trình độ và khả năng ngoại ngữ của Trần Hà Duy, Francis đề nghị Duy trở thành trợ lý của mình. Duy mới tốt nghiệp, vừa muốn có việc làm vừa khao khát kiếm tiền nên hoàn toàn bị Francis chinh phục bằng những lời mời gọi hấp dẫn. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên của Hà Duy diễn ra sau đó ít ngày với nhiệm vụ là gặp gỡ đối tác của công ty, mang một vali hàng mẫu gồm nhiều quần áo, giày dép từ Malaysia về Việt Nam. Sau khi nhận vali, Hà Duy đã tự mình kiểm tra và nhận thấy trong vali là các mẫu quần áo mùa hè, giày dép nhiều kích cỡ giống như Francis yêu cầu. Duy mang vali về nước và nhận 500USD tiền công đầu tiên. Số tiền ấy là niềm mơ ước đối với một sinh viên mới ra trường như Hà Duy. Có tiền, có thêm động lực, Hà Duy hăng say, lăn xả vào những chuyến xuất ngoại. Có những chỗ phải đi xa, Francis trả cho Duy 1.000USD. Đồng tiền làm mờ mắt, Duy không mảy may nghi ngờ toan tính và thủ đoạn của Francis.

Hà Duy và Hạ Tiên trước vành móng ngựa. (Ảnh Vietnamnet)

Tháng 7/2011, Francis liên lạc với Trần Hà Duy nói cần thêm ba người đi Cotonou, một quốc gia nằm ở Tây Phi để vận chuyển hàng mẫu. Duy tìm em gái là Trần Hạ Tiên (SN 1991) và Huỳnh Ngọc Lợi (bạn của Tiên) đi cùng. Do vé máy bay của Hà Duy bị lỗi nên Lợi đi trước. Cuối cùng, 3 người đi trên 3 chuyến bay có lịch trình khác nhau. Tối 9/7/2011, Hà Duy đáp máy bay sang Cotonou. Vài ngày sau có người mang vali đến cho Trần Hà Duy. Cầm vali trên tay, cảm giác rất nặng, Duy mở ra xem thì không thấy gì ngoài quần áo. Có linh cảm không an toàn, Duy từ chối không mang chiếc vali này về Việt Nam. Người giao hàng bấm điện thoại để Francis và Hà Duy nói chuyện. Duy yêu cầu Francis trả lời dứt khoát, trung thực trong chiếc vali đó có thứ gì, nếu không Duy sẽ báo cảnh sát. Francis bình tĩnh trả lời: “Em gái của bạn đã lên máy bay rồi”. Lo sợ em gái mình gặp nguy hiểm, Duy tức tốc bay về Việt Nam gặp Francis hỏi cho ra nhẽ. Trước sự quyết liệt của Hà Duy, Francis đành tiết lộ sự thật trong những chiếc vali Duy mang về Việt Nam đều cất giấu ma túy. Duy không làm nữa nhưng Francis đe dọa, đưa mạng sống của Tiên ra uy hiếp. Lo sợ em gái gặp nguy hiểm ở Tononou nên Duy đồng ý thực hiện 3 yêu cầu của Francis, tiếp tục vận chuyển những chiếc vali có ma túy.

Cô tâm sự rất nhiều trong mỗi bức thư gửi từ trại giam.

Khi đang ở Campuchia, Hà Duy tình cờ lên mạng và bắt gặp bài báo có tấm hình của em gái Trần Hạ Tiên bị bắt tại sân bay Tân Sơn Nhất. Tim Hà Duy thắt lại, không thở được, nước mắt trào ra. Duy gọi điện về cho ba mẹ, nói trong tiếng nấc: “Ba ơi, cứu em đi, con hại em rồi”. Ông Trần Văn Tường (bố của Duy và Tiên) tức tốc từ Lâm Đồng xuống TP Hồ Chí Minh nhờ công an giúp đỡ. Duy đấu tranh tư tưỏng rất nhiều, có những lúc cô nghĩ mình không về Việt Nam nữa. Nhưng rồi cảnh em gái đang khóc than, đau đớn trong trại giam, ba mẹ, những đứa em và còn danh dự, nhân phẩm… Cuối cùng, Duy quyết định quay về trong tâm trạng hoang mang, bấn loạn. Duy tới ngay cơ quan cảnh sát điều tra trình diện. Lúc này cô nhận ra, mình đã sa chân vào con đường phạm pháp với một tội danh rất lớn, càng đau đớn hơn khi chính cô đã kéo em gái của mình vào con đường tù tội. 

“Mùa đông của đời tôi đến nhanh làm sao”

Trần Hà Duy bị tòa tuyên án chung thân, em gái Trần Hạ Tiên bị 20 năm. Bước chân lên chiếc xe đặc chủng về trại giam, Duy không dám ngước mặt lên nhìn em gái của mình. Cô thấy xấu hổ, tội lỗi không thể tha thứ. Vì cô mà Hạ Tiên phải khép lại quãng đời sinh viên tươi sáng, chôn chặt tuổi trẻ phía sau song sắt. Những tưởng bản án đã an bài, Hà Duy yên phận cả đời trong trại giam, thì không lâu sau, Duy nhận được kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị tăng mức hình phạt lên thành tử hình. Trước đêm đưa đi xét xử, hai chị em vẫn ở cạnh buồng giam. Để xoa dịu tinh thần cho chị, Hạ Tiên đã trườn mình đến thật gần bức tường, gọi khẽ: “Chị hai ơi, hát cho em nghe đi”. Nghe giọng em gái, như có ai đó bóp thắt trái tim Hà Duy, cô gắng kiềm nén cảm xúc trả lời: “Chị sẽ hát, đây có lẽ là bài hát cuối cùng chị hát cho em nghe”. Trong đêm vắng, bốn bức tường trại giam như giãn nở để lời ca của Hà Duy nhè nhẹ rơi vào không trung, rồi len lỏi sang phòng giam của em. Duy hát bài tiếng Anh có tựa đề “Forever”, nghĩa là mãi mãi. Lời bài hát là lời của trái tim đang rỉ máu, lời của sự hối tiếc và nỗi đau chia lìa. Tôi đứng một mình trong màn đêm lạnh lẽo/ Mùa đông của đời tôi đến nhanh làm sao/ Và ký ức ngày thơ ấu lại hiện về trong tôi/ Không có muộn phiền, không đớn đau/ Tôi vẫn luôn bên em dù bất cứ nơi đâu/ Tôi là một hạt bụi bay trong gió/ Tôi là ngôi sao trên bầu trời phương Bắc/ Tôi không bao giờ dừng chân ở bất cứ nơi đâu/ Tôi là ngọn gió trên những tán cây/ Em sẽ mãi đợi tôi chứ? Đêm hôm ấy, Hà Duy không chợp mắt chút nào, cô ngồi thu mình vào góc tường, hít thở thật sau để nghe âm thành từ phía em gái, dù đó chỉ là tiếng khóc. 

Hà Duy gặp mẹ.

Ngày tòa xét xử phúc thẩm, gia đình, thầy cô, bạn bè của Hà Duy đều có mặt. Dù đã tiên lượng trước tình huống xấu nhất, nhưng khi nghe chủ tọa đanh thép tuyên án: Bị cáo Trần Hà Duy mức án tử hình, Duy đã không thể khóc nổi nữa, trước mắt cô là màu trắng chói lóa, mọi thứ trống rỗng. Sau lưng cô là tiếng khóc nghẹn không biết của ai, nhưng Duy nghe rõ tiếng gào khô khan của mẹ: “Ai cứu con tôi”. Rồi cha Duy cào cấu vào hàng cảnh sát bảo vệ, cố gắng với lấy bàn tay của con. Ký ức giờ phút biệt ly ấy chỉ có nước mắt và tiếng gọi, ám ảnh Hà Duy trong từng đêm ngủ. Gần một năm ở trong phòng biệt giam dành cho tử tù, chưa đêm nào Hà Duy ngủ tròn giấc, bởi ám ảnh về quá khứ tội lỗi, về cả cái chết đang treo trên đầu, nó sẽ bất lình lình ập đến. Một tiếng ho, một tiếng bước chân hay chỉ là âm thanh sột soạt thật khẽ của chiếc lá rơi ngoài sân cũng làm nữ tử tù choàng tỉnh. Những lúc mệt quá thiếp đi, Duy mơ thấy mình mặc bộ lễ phục cử nhân, lấp lánh nụ cười ngày ra trường. Tỉnh dậy, cô hoang mang, sợ hãi và lại khao khát được sống. Chuỗi ngày đó quả thật đã quá sức chịu đựng với một cô gái còn quá trẻ như Duy và cô đã hơn một lần nghĩ đến việc tự kết liễu đời mình, để chấm dứt nỗi đau hiện tại.

Bỗng một ngày, cánh cửa buồng biệt giam mở toang, Duy được đưa ra ngoài. Trên tay vị cán bộ cầm một tờ giấy, vừa đọc đến hàng đầu tiên, Hà Duy ôm mặt bật khóc thật to, vì quá sung sướng, quá hạnh phúc.

Chủ tịch nước đã quyết định ân giảm án tử hình cho Trần Hà Duy xuống chung thân. Hà Duy thụ án tại trại giam Thủ Đức (Z30D, Bình Thuận). Được sống, được nhìn thấy ánh mặt trời và được nuôi dưỡng ước mơ đã vực dậy tinh thần Trần Hà Duy. Cô không còn mơ màng thảng thốt hàng đêm và càng không phải sợ hãi tiếng bước chân ngoài song sắt. Tuy nhiên vẫn còn một nỗi ân hận, day dứt, giằng xé không gì xóa bỏ được với em gái Trần Hạ Tiên đang thụ án tại trại giam An Phước (Bình Dương). Duy hiểu rằng, có nói ngàn lời xin lỗi, có phải chịu hình phạt gì đi chăng nữa cũng không thể kéo tuổi trẻ về cho em gái, không thể giúp em lấy lại được danh dự, tương lai. 5 năm rồi, sau đêm hát cho em nghe phía sau cánh cửa buồng giam, nỗi nhớ em gái lúc nào cũng da diết, bỏng cháy trong cô.  

Được sống, được nhìn thấy ánh mặt trời và được nuôi dưỡng ước mơ đã vực dậy tinh thần Trần Hà Duy. Cô không còn mơ màng thảng thốt hàng đêm và càng không phải sợ hãi tiếng bước chân ngoài song sắt. Tuy nhiên vẫn còn một nỗi ân hận, day dứt, giằng xé không gì xóa bỏ được với em gái Trần Hạ Tiên đang thụ án tại trại giam An Phước (Bình Dương). Duy hiểu rằng, có nói ngàn lời xin lỗi, có phải chịu hình phạt gì đi chăng nữa cũng không thể kéo tuổi trẻ về cho em gái, không thể giúp em lấy lại được danh dự, tương lai.

BÌNH NGHI/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh