Một thời cao su "phát triển nóng", những người có trách nhiệm đang làm gì?
- Huyệt vị
- 16:35 - 24/12/2015
Khoảng 20 năm nay, cao su đã mấy bận lên xuống thất thường như vậy. Quy luật chăng? Chẳng phải! Chỉ tiếc là những nhà quản lý, hoạch định chính sách về cao su của chúng ta vẫn chưa thấm đòn, rút ra bài học xương máu, sau những lần “khủng hoảng” để tìm hướng đi thích hợp cho cây, cho người trồng cao su.
Mấy năm trước, thừa thắng xông tới, cao su trở thành cây trồng “nóng, hót”, vùn vụt lan tỏa. Được trồng thêm ở Hà Tĩnh, tới Thanh Hóa, mở mang lên Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, nhiều người còn mộng mơ về các rừng cao su bạt ngàn, về nguồn “vàng trắng” tuôn chảy làm giàu cho Tổ quốc từ các triền núi của Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh,...
Khai thác mủ cao su. (Nguồn: Internet).
Ở nhiều địa phương, cây cao su được phong là một trong những cây xóa đói giảm nghèo. Nhiều vùng trồng cao su đã được quy hoạch, xây dựng công phu và khoa học, hướng về một thị trấn, một thị xã, một thành phố của tương lai. Rất nhiều người đã ngợi ca, đã hy vọng một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp cho những người trồng cao su, ở những vùng đất xưa nay bị ví “chó ăn đá, gà ăn sỏi”.
Đứng trước thực trạng, nhiều doanh nghiệp cao su đang lao đao, khốn đốn, vì sản phẩm giá thấp, bán chậm, mong các nhà chiến lược của ngành cao su hãy ngày đêm “lao tâm, khổ tứ”, phải quyết giải bài toán cho cao su Sơn La, Lai Châu, Điện Biên... sáng lạn. Để nó thực sự là cây xóa nghèo như họ đã từng tuyên bố, từng khẳng định, từng hô hào người dân tích cực tham gia trồng cao su.
Xin đừng “nước đến chân mới nhảy”. Có thể cuộc “khủng hoảng” hiện nay chỉ kéo dài vài năm, rồi giá cao su lại tăng vùn vụt hơn cả mấy năm trước. Nhưng đó chỉ là phỏng đoán, cầu may, còn thực tế khó khăn đang hiển hiện hàng ngày. Nếu không có các sách lược, chiến lược, kế hoạch chu đáo cụ thể, thì người dân tại các vùng mới trồng cao su chưa kịp nhìn thấy “vàng trắng” đã trắng mắt vì đói!
Được biết, hiện có doanh nghiệp cao su do làm ăn thất bát, có nguy cơ nhiều khu rừng cao su bị phá, để chuyển thành trang trại... nuôi bò. Đó cũng là một lối thoát. Nhưng không phải vùng nào cũng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, được các doanh nghiệp khác đầu tư, góp vốn chuyển sang nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây khác, hay xây các nhà máy, khu du lịch.