Lợi nhuận ngân hàng có thực sự cao?
- Huyệt vị
- 23:12 - 17/07/2021
Ngân hàng chưa phải là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, do ảnh hưởng của đại dịch COVID- 19, số doanh nghiệp rời bỏ thị trường và số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2021 tăng cao, lần lượt tăng 24,9% và 22,1%. Trong bối cảnh như vậy, một số ý kiến trên thị trường đã đặt ra câu hỏi về tính hợp lý của việc ngân hàng báo lãi nghìn tỷ đồng trong cả năm 2020 và đầu năm 2021, trong khi doanh nghiệp phá sản, nền kinh tế đang khó khăn?
Trước những luồng ý kiến như vậy, đại diện lãnh đạo một NHTM cho rằng, khi đề cập đến ngân hàng lãi "khủng" hay không phải dựa trên nhiều tiêu chí để xác định, ví như: Quy mô tài sản, vốn điều lệ… Còn từ thực tế hoạt động ngân hàng, vị lãnh đạo trên cho biết, không phải ngân hàng nào cũng kinh doanh tốt, thậm chí trong quá khứ đã có những ngân hàng làm ăn thua lỗ. Xét bình quân, lợi nhuận toàn ngành Ngân hàng thì cũng không phải quá cao so với nhiều ngành lĩnh vực khác.
Cụ thể, theo bảng VNR 500 vừa được Công ty Vietnam Report công bố, ngành Ngân hàng chỉ có hai đại diện là Agribank và BIDV đứng trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam, lần lượt xếp ở vị trí thứ 8 và 9 trong bảng xếp hạng. Năm 2020, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9.026 tỷ đồng, còn Agribank ghi nhận lợi nhuận ở mức 12.869 tỷ đồng.
Dẫu các ngân hàng trên đều ghi nhận lợi nhuận bằng con số nghìn tỷ đồng nhưng so với các đại diện trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo Vietnam Report ghi nhận như Viettel (vị trí thứ 4), Vingroup (vị trí thứ 6), thì lợi nhuận của các ngân hàng trên vẫn còn thua xa. Cụ thể, năm 2020 Viettel báo lợi nhuận trước thuế đạt 39.800 tỷ đồng; Vingroup báo lợi nhuận trước thuế đạt 13.962 tỷ đồng.
Trong Top 10 Bảng xếp hạng Profit500 – Top 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020 do Vietnam Report công bố, có 3 ngân hàng trong Top 10 là: Vietcombank, Agribank, Techcombank. Trong đó, Vietcombank là đơn vị có lợi nhuận tốt nhất ngành Ngân hàng năm 2020 cũng chỉ đứng ở vị trí thứ 4 và xếp sau: Tập đoàn dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH Samsung electronics Thái Nguyên và Viettel. Hai ngân hàng còn lại là Agribank và Techcombank, xếp lần lượt ở vị trí thứ 8 và 9 trong bảng xếp hạng.
Nhìn vào thực tế báo cáo kết quả kinh doanh được các ngân hàng công bố, thì lợi nhuận cao chỉ xuất hiện ở những ngân hàng trong Top dẫn đầu hệ thống ngân hàng (điển hình là 3 ngân hàng trên). Còn nhiều ngân hàng khác có vốn điều lệ thấp nhất là hơn 3.000 tỷ đồng, cũng chỉ ghi nhận lợi nhuận năm 2020 khá khiêm tốn ở mức vài trăm tỷ đồng, ví như: Saigonbank (vốn điều lệ 3.080 tỷ đồng) ghi nhận lợi nhuận năm ở mức 121 tỷ đồng; PGBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 212 tỷ đồng; hay VietABank (vốn điều lệ 4.449 tỷ đồng) ghi nhận lợi nhuận năm 2020 đạt 421 tỷ đồng… Trong khi đó, một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành nghề khác có quy mô vốn điều lệ tương đồng, ví như: Công ty CP thế giới di động (vốn điều lệ hơn 4.754 tỷ đồng) ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt 3.920 tỷ đồng; hay Công ty CP Chứng khoán SSI (vốn điều lệ 6.029 tỷ đồng) ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2020 là 1.256 tỷ đồng…
Lợi nhuận ngân hàng cao có phải do "ăn dày" chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra?
Từ thực tế trên cho thấy, việc thị trường có quan điểm cho rằng, lợi nhuận ngân hàng cao là "phản cảm" hay "ăn trên lưng" doanh nghiệp… trong khi nhiều doanh nghiệp đang điêu đứng bởi đại dịch COVID-19 là chưa có cái nhìn khách quan, thấu đáo và đầy đủ về hoạt động ngân hàng.
Để có được kết quả lợi nhuận như các ngân hàng công bố, đó là tổng hòa của nhiều yếu tố và là thành quả mà ngành Ngân hàng đã "gieo trồng" trong nhiều năm qua, đó là: Hiệu quả từ quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu giúp tăng thu nhập bất thường; ngân hàng đầu tư vào công nghệ, gia tăng dịch vụ tiện ích giúp nguồn thu từ dịch vụ tăng lên (ví như tại Vietcombank, thu từ dịch vụ đóng góp trên 36% lợi nhuận của ngân hàng…); ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động; và trong hơn 1 năm qua, các ngân hàng cũng chưa phải trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN…
Một trong những yếu tố được thị trường nhắc đến khi đề cập đến lợi nhuận của ngân hàng tăng cao là do ngân hàng không giảm lãi suất đầu ra, trong khi lãi suất đầu vào giảm, điều này khiến Tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM), hay còn gọi là chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra, doãng rộng hơn so với trước đây. Dưới góc độ NHTM, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết, từ năm 2020 đến nay, ngân hàng đã liên tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó: Lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ dưới 4,5%/năm; lãi suất cho vay các lĩnh vực kinh tế thiết yếu trong khoảng từ 6-7%/năm, thậm chí có khách hàng thấp hơn; còn một số lĩnh vực rủi ro cao có lãi suất cao hơn… Vậy nên, chênh lệch lãi suất đầu vào đầu ra mà thị trường nhìn thấy chỉ là chênh lệch thô, mà chưa trừ đi chi phí hoạt động và chi phí rủi ro, trong đó tùy từng khách hàng mà chi phí rủi ro có thể chiếm từ 2-3%. Vì vậy, nếu trừ đi các chi phí, bao gồm chi phí rủi ro thì chênh lệch giữa lãi suất đầu vào đầu ra không tạo ra lợi nhuận cao cho ngân hàng.
"Nếu nhìn vào NIM lớn mà bảo ngân hàng ăn dày quá là không đầy đủ", ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng giám đốc Sacombank chia sẻ. Thực tế tại Sacombank cho thấy, đa phần lợi nhuận trong năm 2020 có sự đóng góp của việc ngân hàng tích cực trong việc xử lý tài sản tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu.
Còn theo bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB, khi xét đến lợi nhuận ngân hàng cần có cái nhìn chính xác chỉ tiêu về doanh thu. Bởi trong doanh thu của ngân hàng, có 2 chỉ tiêu rất quan trọng là tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập hoạt động (CIR) và tỷ lệ dự phòng trên doanh thu (PIR). Hiện tại, CIR của các ngân hàng đang giảm rất mạnh, với mức giảm 2-3 điểm % mỗi năm, trong khi đó PIR tăng theo từng năm. Do vậy, mức lợi nhuận có được hiện nay là do các ngân hàng tiết kiệm chi phí hoạt động…
Cần hiểu lợi nhuận ngân hàng thế nào cho đúng?
Dưới góc nhìn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội cho rằng, ngân hàng là ngành kinh doanh đặc biệt nên cũng cần phải được ứng xử đặc biệt. Do đó, để đánh giá ngân hàng lãi cao hay không, cần có cái nhìn tổng thể. Còn từ thực tiễn hoạt động của các ngân hàng, ông Hùng cho biết, việc có những ngân hàng lãi nghìn tỷ trong đại dịch COVID-19 chính là kết quả của những nỗ lực từ những năm trước, có thể kể đến như: Thành công trong quá trình tái cơ cấu, gắn với xử lý nợ xấu, giúp kéo giảm tỷ lệ nợ xấu và tăng nguồn thu nhập bất thường; đẩy mạnh đầu tư công nghệ, góp phần tăng nguồn thu từ dịch vụ; chi phí huy động vốn giảm do nguồn thu CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng; tiết giảm chi phí hoạt động…
Vậy lợi nhuận ngân hàng có xứng đáng hay không? Theo ông Hùng, điều đó hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực của cả hệ thống trong những năm qua. Việc ngân hàng có được lợi nhuận cao là điều đáng mừng, bởi đây là cơ sở để các ngân hàng quay trở lại hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển, qua đó giúp kinh tế tăng trưởng và phát triển ổn định. Nếu không có nguồn lực đủ mạnh, ngân hàng không thể liên tục giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế từ năm 2020 đến nay. Nếu không đủ nguồn lực, làm sao ngành Ngân hàng có thể ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 lên tới gần 1.400 tỷ đồng… Từ những phân tích trên, ông Hùng cho rằng: "Chỉ khi ngân hàng mạnh, nền kinh tế mới mạnh".
Dưới góc nhìn chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng vẫn ghi nhận khả quan là nhờ cắt giảm chi phí và đa dạng hóa nguồn thu, không phụ thuộc quá mức vào nghiệp vụ tín dụng. Tuy nhiên, với những văn bản về đánh giá nhóm nợ cùng việc gia hạn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 khiến cho tình trạng nợ xấu của các ngân hàng chưa được đánh giá chính xác trên các báo cáo tài chính gần nhất. "Một khi con số nợ xấu lộ rõ, các khoản chi phí dự phòng tăng mạnh sẽ ăn mòn lợi nhuận ngân hàng trong thời gian tới", ông Hiếu nhấn mạnh.