Tìm kiếm cơ hội mưu sinh nơi phố thị
Trước đây chỉ những lúc nông nhàn vợ chồng anh Nguyễn Văn Mạnh ở Thanh Sơn, Phú Thọ mới rời quê ra Hà Nội làm thêm nghề thợ xây để tăng thêm thu nhập. Nhưng 5 năm trở lại đây vợ chồng anh đã “định cư” luôn ở Thủ đô chỉ những lúc gia đình có việc mới tranh thủ về nhà, 2 con nhỏ gửi cho ông bà nội đã ngoài 60 tuổi. Anh Mạnh cho biết mặc dù điều kiện ăn, ở của thợ xây xa nhà rất tạm bợ, quanh năm trong những lều bạt mùa đông gió rét, mùa hè nắng nóng nhưng công việc này cho thu nhập tốt hơn nhiều so với làm ruộng ở quê. Trung bình mỗi ngày công thợ xây của anh là 500.000 đồng còn vợ anh làm phụ hồ cũng được 350.000 đồng/ ngày. Trừ các chi phí, mỗi tháng cũng dành dụm tiết kiệm được khoảng 15 đến 17 triệu đồng/ tháng. Đó thực sự là nguồn thu nhập mơ ước của người nông dân. Nếu ở nhà cấy lúa trồng rau tính ra mỗi tháng chưa được nổi 5.000.000 đồng bởi biết bao chi phí từ phân bón, thuốc trừ sâu song lại còn nỗi lo được mùa rớt giá.
Việt Nam hiện có gần 99,45 triệu người, số dân sống ở nông thôn vẫn chiếm tới 62,7%. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2022 đạt 51,7 triệu người, trong đó khu vực thành thị chiếm 37,1%, nông thôn chiếm 62,9%, lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27,5%. Số người thiếu việc làm ở khu vực nông thôn cao hơn thành thị (tương ứng 2,51% và 1,70%). Ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tỷ lệ này còn cao hơn (có thể lên đến 20%). Còn theo lĩnh vực kinh tế thì nông nghiệp có số lao động bị thiếu việc làm cao nhất (4,03%), tiếp đến là dịch vụ (1,79%), công nghiệp và xây dựng (1,79%).
Người nông dân Việt Nam vốn quen với lối sống thuần nông gắn với những sản phẩm độc canh và kỹ thuật canh tác ít có sự đổi mới. Do đó, đại bộ phận lao động nông thôn chỉ thạo duy nhất nghề nông, không có hoặc có rất ít sự hiểu biết về các lĩnh vực kinh doanh phi nông nghiệp. Trong khi khu vực nông thôn thuộc vùng đồng bằng, trung du thì hầu hết đều ở vào tình trạng đất chật, người đông, diện tích đất canh tác tính theo đầu người rất thấp. Còn tại vùng miền núi, điều kiện giao thông khó khăn, đất đai khô cằn, độ dốc cao, thiếu nước cho sản xuất... Kết quả khảo sát được nêu trong một báo cáo khoa học của Trường Đại học Thương mại cho thấy, tại huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) thời kỳ nông nhàn chiếm gần 60%, ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) chiếm 52%, ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chiếm 55,4%, ở huyện Đô Lương (Nghệ An) chiếm 51,7%, ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) chiếm 62%...
Chính vì vậy dòng người di cư ra các thành phố lớn tìm kiếm việc làm ngày càng gia tăng. Báo cáo trích dẫn kết quả cuộc điều tra Tiếp cận nguồn lực nông thôn (VARHS) tại 12 tỉnh cho thấy, xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị diễn ra rất nhanh. Khoảng 20% số hộ điều tra cho biết, có ít nhất 1 thành viên di cư và 48% số đó ra đi tìm việc làm (những người khác đi học, đoàn tụ gia đình, thực hiện nghĩa vụ quân sự).
Để nông dân không cần "ly hương"
Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng để người nông dân không cần ly hương mà vẫn có cuộc sống ổn định thu nhập cao cần phải đặt vấn đề tri thức hóa nông dân trong lúc này.
Ông Thịnh nhấn mạnh, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần trở thành ngành kinh doanh hiện đại, thay vì chỉ dựa trên kinh nghiệm. Do đó, những người sản xuất nông nghiệp phải cập nhật tri thức mới, kỹ năng mới để làm giàu trí tuệ của mình, để nghĩ sâu hơn, nhìn xa hơn, trông rộng hơn. Tri thức hóa người nông dân, nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh, thương mại nông sản và các vấn đề kinh tế - xã hội.
Đại diện Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng nêu ra các giải pháp đẩy mạnh "tri thức hóa nông dân" là: Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trí thức hóa nông dân gắn với quá trình tổ chức lại sản xuất, phát triển các tổ chức nông dân; phân loại các hộ nông dân để có các giải pháp hỗ trợ đào tạo, tư vấn, cung cấp các dịch vụ thông tin, phát triển nông nghiệp khác nhau; xây dựng một số mô hình "sáng tạo đổi mới" trong nông nghiệp phù hợp với các nhóm hộ nông dân; nâng cao năng lực của các tổ chức dịch vụ công nhà nước và đa dạng hình thức cung cấp thông tin cho người nông dân…
Ông Thịnh cho biết thêm, trong 5 năm qua, số hộ là tỷ phú nông dân tăng gấp đôi. Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2022, chất lượng phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng nâng cao, tiếp tục xuất hiện nhiều hộ có quy mô lớn. Số hộ nông dân giỏi có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2012 - 2017. Đó là những thành tựu của các mô hình nông nghiệp hiện đại, các sản nông nghiệp có hàm lượng tri thức cao.
Làm thế nào để người nông dân “ly nông” nhưng bất “ly hương” các chuyên gia cho rằng, cần phải có sự quyết tâm cao độ và các giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả của các ngành, các cấp, các địa phương trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế công nghiệp trong nông nghiệp, tạo nên những việc làm phi nông nghiệp... Thực hiện tái cơ cấu trong nông nghiệp phải thật sự có sự “liên kết” chặt chẽ với thực trạng đời sống của nông dân, với hiện trạng cơ sở hạ tầng nông thôn hiện nay. Khi những người nông dân thật sự là “công nhân” trên chính thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình họ, thì họ sẽ “ly nông” nhưng sẽ bất “ly hương”, để quê nhà thực sự là nơi bình yên, hạnh phúc chứ không phải là nơi nương náu khi không còn chỗ trú chân, thì bắt buộc mới trở về.