THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:47

Loa phường: Vấn đề là sử dụng sao cho phù hợp

 

Kẻ muốn bỏ, người bảo giữ

Trên diễn đàn mạng xã hội, ý kiến “phản đối” chủ yếu phàn nàn về việc loa phường “Ngày nào cũng mấy bài phát thanh cũ, mở đầu và kết thúc luôn là 2 bài hát. Sáng từ 7 giờ 15, chiều từ 16 giờ 45, sáng thứ 7 có hôm 6 giờ 30 đã "lên sóng". Cả tuần đi làm, những ngày nghỉ gia đình tôi muốn ngủ muộn một tí mà không được”, bạn đọc ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội phàn nàn. Đồng quan điểm này, một số ý kiến cho rằng, đã đến lúc nên dẹp bỏ hệ thống loa phường vì thực sự không cần thiết trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Sự tồn tại của hệ thống này thực sự gây phiền toái, gây ô nhiễm tiếng ồn trong các khu dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống của người già và trẻ nhỏ...

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều ý kIến phản đối thì rất nhiều ý kiến lại cho rằng, loa phường thật sự vẫn rất cần thiết, sở dĩ một số nơi loa phường phản tác dụng vì nội dung chưa tốt, giọng người đọc chưa hay, thời điểm phát sóng không phù hợp, ảnh hưởng sự nghỉ ngơi của người dân.

 

Loa phường vốn được cọi là kênh thông tin gần dân nhất

 

Bác Nguyễn Thanh Hải, một cán bộ hưu trí ở phường Giảng Võ đặt câu hỏi: “Sao lại bỏ? Tôi thấy loa phường cũng có ích. Tìm trẻ lạc, người già lạc, thông báo lịch cắt điện, lịch tổng vệ sinh, lịch tiêm chủng, lịch cho các cháu uống vitamin A, ngày trả lương hưu... Những người lớn tuổi như tôi làm sao lướt mạng được như đám trẻ. Nếu có lên mạng thì cũng chỉ có thông tin chung của cả nước, của thành phố chứ làm sao có được những thông tin cũng như hoạt động trên địa bàn khu dân cư mình sinh sống…”.

Bác Nguyễn Văn Tiến, cán bộ hưu trí tại phường Ngọc Hà hiện là bí thư một khu dân cư ở phường thì cho rằng: “Nếu không có loa phường, trong những hoạt động lớn như kỳ bầu cử vừa qua, liệu chúng ta có đủ người để tuyên truyền từng nhà, vận động người dân đi bầu cử đầy đủ, đúng giờ không? Tôi biết, không phải là loa phường nào cũng mới mẻ, sáng tạo, mang tính thời sự... nhưng có được điều đó hay không cũng là do người lãnh đạo, người làm chương trình, chương trình còn hạn chế do sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền còn chưa sâu sát, chưa cụ thể, chưa đổi mới. Đừng vì lý do chủ quan mà xóa hệ thống loa công cộng…”.

 Cần đổi mới, nâng cao tính hiệu quả

Trong khi Hà Nội đặt vấn đề xem xét lại hiệu quả của hệ thống loa phường thì nhiều địa phương khác lại cho rằng hệ thống loa truyền thanh "đang hoạt động rất tốt", thậm chí đề nghị đầu tư thêm cho hệ thống loa phát thanh của của các phường, xã đang xuống cấp. Lãnh đạo các tỉnh như Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam... đều đánh giá tích cực về hiệu quả của loa phường, bởi bên cạnh việc tuyên truyền chủ trương, hệ thống truyền thanh cơ sở đã phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai (lũ lụt, cháy rừng), dịch bệnh....

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó phòng quản lý báo chí xuất bản (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh) khẳng định: “Đây là kênh thông tin nhanh nhất, trực tiếp nhất đến với người dân". Còn tại Đà Nẵng, Sở Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị xây dựng đề án đổi mới hoạt động truyền thanh cơ sở, trong đó việc phát triển số lượng cụm thu phát sẽ dựa trên đánh giá về dân cư, yếu tố đặc thù địa hình, kinh tế xã hội. Mức âm thanh tại các khu vực sẽ được nghiên cứu một cách bài bản, qua đó tăng sự ủng hộ của nhân dân. 

 

Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng, ở thời điểm hiện tại, loa phường vẫn có vai trò, chỗ đứng riêng

 

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, không nên chỉ bằng một mệnh lệnh hành chính để “khai tử” một loại hình, một công cụ truyền thông có từ lâu, rất phổ biến, ngay cả các nước phát triển trên thế giới hiện nay…

Theo ông Nguyễn Thế Kỷ, loa phường/xã đã có từ lâu, phát huy tác dụng nhiều mặt. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, nó có vị trí, vai trò, tác dụng, cách thức hoạt động khác nhau. Ngay cả bây giờ, khi mà các phương tiện truyền thông hiện tại phát triển mạnh: Phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng xã hội,… thì loa phường vẫn có vai trò, có chỗ đứng riêng. Vấn đề là sử dụng thế nào cho phù hợp và vẫn phát huy hiệu quả; đặt ở đâu, phát nội dung nào, thời lượng ra sao mới là điều đáng bàn.

“Tôi cho rằng, các đồng chí là cán bộ quản lý, điều hành; các biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên ở trạm truyền thanh cơ sở xã, phường, thị trấn cần được đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức, kĩ năng cơ bản để vận hành các trạm truyền thanh này tốt hơn, hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn, để có một chương trình truyền thanh ở cơ sở, trước hết, cần xác định thời lượng là bao nhiêu phút; nội dung cần phản ảnh những vấn đề, sự việc nào; sắp xếp trước sau ra sao; cách viết tin, bài phải ngắn gọn, chính xác, câu cú mạch lạc, từ ngữ được sử dụng đúng; đọc phải rõ ràng, truyền cảm… Đài Tiếng nói Việt Nam sẵn sang phối hợp với các tỉnh, thành, quận, huyện để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ truyền thanh cơ sở”, ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh. 

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh