CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 12:16

Lo “vỡ trận”, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương siết chặt làm OCOP

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Lo “vỡ trận”, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương siết chặt làm OCOP - Ảnh 1.

Giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các địa phương.

Trong vòng 1,5 năm triển khai thực hiện, đến nay 19 tỉnh, thành đã đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận cho 900 sản phẩm OCOP, đạt 33,16% so với kế hoạch đến hết năm 2020 có 2.400 sản phẩm được công nhận. Trong đó, có 16 sản phẩm đề xuất 5 sao, 275 sản phẩm đạt 4 sao và 585 sản phẩm đạt 3 sao. Đặc biệt, đã có gần 3.300 tổ chức kinh tế đăng ký tham gia sản xuất sản phẩm OCOP với nguồn lực trên 10.000 tỷ đồng. Trong năm 2020, các địa phương phải tiếp tục công nhận cho khoảng 1.500 sản phẩm nữa. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề. Trong khi đó, thống kế của 61 tỉnh thành phố đã phê duyệt đề án, kế hoạch thực hiện chương trình OCOP (còn tỉnh Tây Ninh và Kiên Giang chưa thực hiện), tổng số sản phẩm dự kiến chuẩn hóa OCOP đến hết năm 2020 là 3.843 sản phẩm. 500 phương án, dự án sản xuất kinh doanh được đề xuất và được Nhà nước hỗ trợ triển khai.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn phải đặt ra lúc này là phải làm gì để phát triển các sản phẩm OCOP đúng hướng, thực chất và đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng vàng thau lẫn lộn, hay cách làm hình thức tiêu tốn tiền của của nhà nước và xã hội. Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh: "Bản chất sản phẩm OCOP là gì? Hay bây giờ chỉ là thương hiệu để trưng bày các gian hàng hay là chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng? Bởi sản phẩm OCOP có 2 tiêu chuẩn cơ bản, đó là sức mạnh cộng đồng và tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa".

PGS. TS Trần Văn Ơn, Trưởng bộ môn Thực vật (Đại học Dược Hà Nội) - Tư vấn trưởng Chương trình OCOP quốc gia cho rằng, với nguồn lực rất lớn đến hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng chúng ta chưa nhận thức tầm quan trọng trong phát triển sản phẩm OCOP. "Nhiều địa phương có xu hướng tập trung vào sản phẩm chủ lực của mình. Có nghĩa là đã đi ngược lại quy tắc OCOP - chúng ta đã chỉ định sẵn phải làm cái này, cái kia và xác định phải lớn, ra tấm, ra món. Điều này có thể đẩy người dân vào thế khó khăn khi chưa đủ khả năng quản lý và cũng chưa biết có bán được sản phẩm hay không".

Theo PGS. TS Trần Văn Ơn, chúng ta phải quán triệt 3 trục sản phẩm của Bộ NN&PTNT, trong đó sản phẩm OCOP thuộc trục thứ ba là sản phẩm cấp cộng đồng. "Việc chỉ định người dân làm thì chúng ta nên hạn chế và đừng làm vấn đề này trong năm 2020. Chúng ta cần tuân thủ nghiêm túc chu trình OCOP để cho người dân tự nguyện đăng ký tham gia. Chúng ta có thể gợi ý, nhưng chúng ta không ép buộc người dân phải lựa chọn cái này, cái kia".

Tại Quảng Nam, hiện có rất nhiều loại trà như: trà lá sen, trà khổ qua, trà giảo cổ nam… Nhưng, để phân định, xếp vào ngành hàng nào thì gặp rất nhiều khó khăn. Lãnh đạo Sở NN&PTNT phải "mất nửa buổi để cãi nhau" mới ngã ngũ, quyết định đó là sản phẩm trà chứ không phải thực phẩm chức năng. Theo kinh nghiệm của PGS. TS Trần Văn Ơn, giả sử có 100 HTX, doanh nghiệp, người dân đăng ký tham gia OCOP, sau một thời gian 3-5 năm thì sẽ có 30% sẽ phải phá sản do không hòa vốn, không bán được sản phẩm, do quản lý kém, do mất đoàn kết… Còn lại 70% qua được hòa vốn vì không đầu tư quá lớn. Những kẻ sống sót này sẽ đi theo hai hướng: Thứ nhất, duy trì sản xuất đặc sản "làm ít mà bán đắt". Lúc này người dân sẽ là doanh nghiệp, HTX nhỏ, siêu nhỏ và trung bình; Thứ hai, chỉ có khoảng 20% mở rộng quy mô, diện tích… mà không ảnh hưởng chất lượng thì đi theo hướng làm nhiều nhưng phải bán rẻ. Lúc này, họ sẽ gặp phải đối thủ cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp lớn. Người dân rất khó có thể đi theo hướng này.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho hay: Trong thời gian tới, công tác xúc tiến thương mại cấp quốc gia cần được đặc biệt chú trọng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các bộ, ngành liên quan tổ chức Festival/Hội chợ OCOP quốc gia lần thứ nhất vào quý IV-2020; tổ chức ba hội chợ OCOP cấp vùng. Đối với hoạt động xúc tiến thương mại các địa phương, 100% các tỉnh, thành phố tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cấp tỉnh; triển khai phát triển trung tâm, điểm bán hàng, cửa hàng OCOP của các địa phương nơi có đủ điều kiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Công thương. Thực hiện xúc tiến thương mại điện tử bán sản phẩm OCOP.


ĐỨC THỌ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh