Đã tìm ra kháng thể đặc hiệu ngăn chặn sự tấn công của SARS-CoV-2
- Tây Y
- 16:47 - 15/05/2020
Đó là một kháng thể đơn dòng của cơ thể người có khả năng trung hòa SARS-CoV-2 và SARS-CoV trong nuôi cấy tế bào. Kháng thể trung hòa chéo này nhắm vào một epitope chung (vùng kháng nguyên nằm trên vi-rút tương tác với kháng thể) của loại vi-rút này. Kháng thể này có thể mang lại tiềm năng phòng ngừa và điều trị COVID-19.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Berend-Jan Bosch - Trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Utrecht cho biết kết quả của công trình nghiên cứu này là dựa trên một công trình nghiên cứu khác mà chính các các tác giả đã thực hiện trong quá khứ tìm các kháng thể có thể ngăn chặn vi-rút SARS-CoV xuất hiện vào năm 2002-2003.
Nhóm nghiên cứu sử dụng bộ sưu tập kháng thể chống SARS-CoV này và đã xác định được một loại kháng thể cũng có khả năng vô hiệu hóa sự lây nhiễm của vi-rút SARS-CoV-2 trong các tế bào nuôi cấy. Một kháng thể trung hòa như vậy có khả năng làm thay đổi quá trình lây nhiễm ở vật chủ bị nhiễm bệnh, không cho vi-rút tấn công vào các tế bào của cơ thể hoặc bảo vệ một cá thể không bị nhiễm khi tiếp xúc với vi-rút.
Tiến sĩ Bosch lưu ý rằng kháng thể này liên kết với epitope trong cả SARS-CoV và SARS-CoV-2, sự liên kết này đã giải thích khả năng vô hiệu hóa cả hai loại vi-rút. Tính năng trung hòa chéo của kháng thể này rất thú vị và cho thấy nó có thể có khả năng làm giảm thiểu các bệnh gây ra bởi các coronavirus có liên quan trong tương lai. Kháng thể trung hòa này được tạo ra bằng công nghệ chuột biến đổi gen Harbor BioMed H2L2. Đây là một nghiên cứu đột phá, cần nhiều thời gian và công việc hơn nữa để đánh giá xem kháng thể này có thể bảo vệ hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh ở người hay không.
Nhóm nghiên cứu công trình này bao gồm: Tiến sĩ Bosch và Grosveld, Chunyan Wang, Wentao Li và Frank van Kuppeveld của Đại học Utrecht; Nisreen Okba và Bart Haagmans thuộc Trung tâm y tế Erasmus (Rotterdam); Dubravka Drabek và Rien van Haperen thuộc Trung tâm y tế Erasmus và Kháng thể Harbor; và Albert Osterhaus thuộc Đại học Thú y (Hannover, Đức).
Trong bản báo cáo đưa ra chiều 14/05, Giám đốc Văn phòng châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới – WHO, ông Hans Kluge cho biết, tính đến hiện tại, châu Âu đã có 1,78 triệu ca nhiễm bệnh, hơn 160.000 ca tử vong vì Covid-19, chiếm 43% số ca nhiễm và 56% số ca tử vong vì đại dịch này trên toàn thế giới.
Hiện tại, hầu hết các nước châu Âu đã nới lỏng hoặc gỡ bỏ các biện pháp phong tỏa để đưa cuộc sống dần trở lại bình thường, kể cả tại các nước có dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất như Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Đức.
Tuy nhiên, các nước đều chưa có các chiến lược chắc chắn để tránh nguy cơ dịch tái bùng phát, ngoài các chỉ dẫn về giữ khoảng cách nơi công cộng hay đeo khẩu trang.
Một số nước bắt đầu tiến hành các chiến dịch xét nghiệm truy tìm kháng thể để đánh giá chính xác mức độ nhiễm bệnh trong dân chúng. Tại Tây Ban Nha, chiến dịch này cho thấy, mới chỉ có 5% dân số Tây Ban Nha, tương đương khoảng 2,3 triệu người nhiễm bệnh. Tại Pháp, số người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 được ước tính vào khoảng 3,7 triệu người.
Giới chức Italy trong ngày 14/05 cũng cho biết, từ tuần sau nước này sẽ tiến hành chiến dịch xét nghiệm kháng thể cho 150.000 người tại 2.000 thành phố trên khắp đất nước.
Chính quyền các nước châu Âu hy vọng, thông qua các chiến dịch này có thể tìm ra những người đã có kháng thể với virus SARS-CoV-2 để từ đó cấp “hộ chiếu miễn dịch”, cho phép nhiều người đi làm hơn để khởi động lại nền kinh tế.