Linh hoạt trong thực hiện và giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT
- Dược liệu
- 16:09 - 12/06/2022
Thông tin về công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu- Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, mặc dù số người tham gia BHXH, nhất là BHXH bắt buộc có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm cũng như so với cuối năm 2021, song vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Qua khảo sát của các địa phương, nhu cầu sử dụng lao động là gần 2 triệu người, trong đó các tỉnh như TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương sử dụng khoảng 530.000 người. Thế nhưng, số lao động quay trở lại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương vẫn ít do NLĐ có sự so sánh thu nhập tại đây với địa phương cư trú, đặc biệt các địa bàn này chưa thực sự thu hút được NLĐ an tâm lập nghiệp.
Cũng theo ông Hào, công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện có sự tăng trưởng so tháng trước khoảng 22.000 người (đặc biệt trong lễ ra quân đã vận động được 30.000 người tham gia BHXH tự nguyện và 70.000 người tham gia BHYT) nhưng hiện vẫn giảm so với 2021. Số người tham gia BHXH tự nguyện giảm 150.000 người, trong đó chủ yếu ở các tỉnh miền Tây Nam bộ (giảm khoảng 1/3).
Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến tình trạng chây ì, trốn tránh trách nhiệm đóng BHXH, BHYT, nợ số tiền lớn với thời gian kéo dài. Trong khi đó công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra tại một số địa phương chưa thực sự quyết liệt, hiệu quả. Việc thu hồi số tiền hưởng BHXH, trợ cấp thất nghiệp sai quy định gặp nhiều khó khăn, vướng mắc… Vì vậy, để hoàn thành chỉ tiêu phát triển BHXH thì đến cuối năm còn phải phát triển 2.443.082 người (trong đó, 1.463.173 người tham gia BHXH bắt buộc; 979.909 người tham gia BHXH tự nguyện). Đáng chú ý, tỷ lệ BHYT tăng trưởng chậm, nhất là BHYT vẫn giảm sâu so với thời điểm hết năm 2021. Đến hết tháng 5/2022 tỷ lệ bao phủ BHYT mới đạt khoảng trên 88% dân số và so với chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao năm 2022 là 92% thì vẫn còn khoảng cách khá xa, rất khó khăn để hoàn thành.
Bên cạnh đó, tình trạng “mượn” hồ sơ tư pháp để đi làm, tham gia BHXH tiếp tục phát sinh những hệ lụy phức tạp nhưng chưa có hướng dẫn giải quyết của cơ quan có thẩm quyền... Việc thanh toán chi phí dịch vụ kỹ thuật thực hiện từ máy mượn, máy đặt của các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất trong thực tiễn đã phát sinh vướng mắc, bất cập, thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Ông Nguyễn Văn Cường- Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Việt Nam cho biết, vừa qua HĐQL đã họp và có 2 Nghị quyết (nhân sự và chuyên môn nghiệp vụ). Đặc biệt, trong cuộc họp, các ủy viên đã nêu một số căn cứ pháp lý thực hiện chính sách BHXH, BHYT chưa rõ cần kiến nghị sửa đổi. Về công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, HĐQL cũng nhận thấy nếu theo tốc độ đang phát triển hiện nay thì đến năm 2025 sẽ khó đạt chỉ tiêu về độ bao phủ như Nghị quyết số 28 đề ra. Do đó, BHXH Việt Nam cần có biện pháp, kế hoạch nhằm đáp ứng mục tiêu Nghị quyết, nhất là hiện nay dư địa phát triển người tham gia còn lớn…
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam đã phối hợp tốt với các bộ, ngành; BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp tốt với các sở, ban, ngành tại địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ và đã được đánh giá cao, mang lại hiệu quả tích cực. Điều này thể hiện ở việc các Tỉnh ủy ra Nghị quyết chỉ đạo Ban Cán sự đảng đưa ra các giải pháp thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT; giao các chỉ tiêu này đến tận UBND các xã để cùng vào cuộc; nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ thêm người dân tham gia BHXH, BHYT… “Các gói hỗ trợ chính sách về an sinh được Chính phủ đánh giá tốt, nhất là gói hỗ trợ của ngành BHXH với thủ tục nhanh chóng, cải cách, chi trả kịp thời cho NLĐ bị ảnh hưởng dịch Covid-19”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.
Trong tháng 6 và những tháng còn lại của năm 2022, BHXH các địa phương cần bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ý kiến các ĐBQH, các chỉ đạo của Thủ tướng thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, phối hợp cấp uỷ, chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; rà soát lại các địa phương đã ban hành Nghị quyết hoặc chưa về giao phát triển BHXH, BHYT đến các xã; công tác hỗ trợ BHXH, BHYT của các địa phương thế nào, mức hỗ trợ. Đặc biệt, rà soát, đánh giá nguyên nhân chủ quan trong phát triển, thực hiện BHXH, BHYT; giải quyết kịp thời chế độ cho người dân với tinh thần cải cách tốt nhất đi đôi với việc quản lý; đẩy mạnh công tác thanh tra; chấp hành nghiêm kỷ cương kỷ luật, gắn thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị…