"Liệt sĩ" trở về
- Tra cứu phẫu thuật
- 15:09 - 23/07/2015
Bà Ngô Thị Phán bên tấm bằng Tổ quốc ghi công của “liệt sĩ” Nguyễn Thị Ân.
Tưởng như trong mơ
Ngôi nhà nhỏ của bà Ngô Thị Phán (73 tuổi), chị dâu của bà Ân, rộn ràng người vào ra. “Nó đây chứ còn ai nữa, chỉ ốm đi thôi”, bà Nguyễn Thị Sum (73 tuổi) reo lên khi cầm cánh tay gầy guộc của bà Ân, người bạn từ thuở nhỏ ở cạnh nhà. Bà Ân nằm thiêm thiếp trên chiếc giường được người chị dâu cẩn thận lót bằng tấm đệm cách nhiệt.
Một lúc sau, bà mở mắt và cử động nhẹ. “Nó (bà Ân) đói rồi đấy”, bà Phán hiểu ý người em chồng mà từ lâu bà coi như em gái ruột thịt của mình và đi lấy cháo cho em ăn. Bà Ân nhai chầm chậm, vất vả và khá lâu nhưng bà Phán vẫn kiên nhẫn bón từng thìa cháo.
Bà Phán kể, ngày đó, khi tham gia cách mạng, bà Ân mới hơn 20 tuổi. “Nó (bà Ân) xinh lắm, tóc dài đến ngang lưng, gò má cao và đặc biệt là môi luôn đỏ như tô son. Tính tình nó thật thà, hiền hậu nên nhiều người quý mến”, bà Phán nhớ lại.
Bà Ân tham gia cách mạng năm 1965, làm ở Ban lương thực K600 tỉnh Quảng Đà và đóng quân ở Đồng Xanh, Đồng Nghệ (Quảng Nam). Sau đó, vì nhiệm vụ nên bà phải theo đơn vị di chuyển đến nơi khác và từ đó mất liên lạc với gia đình. Cũng đôi lần gia đình nhận được thông tin từ người quen rằng gặp bà Ân đang điều trị do bị sức ép của bom ở ngoài Bắc. Bà Phán cũng đã nhiều lần gửi thư ra Bắc theo địa chỉ đơn vị của bà Ân nhưng không có hồi âm.
Bà Phán và con trai là anh Nguyễn Nhì (lúc còn sống) đã đi tìm bà Ân ở nhiều nơi nhưng không có manh mối. Mọi hy vọng tìm thấy bà Ân đã không còn. Đến cuối năm 2006, gia đình bà nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” ghi nhận liệt sĩ Nguyễn Thị Ân đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Và ngày 27/7, được chọn là ngày giỗ hằng năm cho liệt sĩ Ân.
Thế nhưng, bỗng một ngày, ông Nguyễn Ba, người quen của gia đình bà Phán, đi tìm người thân ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và bất ngờ có thông tin về bà Ân. Ông Ba tìm hiểu thì biết được bà Ân được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất, ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. “Ông Ba điện về báo tin nó còn sống mà tui cứ tưởng mình đang nằm mơ. Mừng quá!”, bà Phán nói. Sau đó, bà gọi điện ngay cho con trai là anh Nguyễn Nhứt đang làm việc ở Lào để đưa bà Ân về quê nhà.
Bà Phán đang chăm sóc bà Ân.
Dù thế nào cũng phải đưa được em về
Giây phút gặp người cô ruột đối với anh Nhứt thật xúc động. “Tui chưa biết mặt mà chỉ hình dung cô Ân qua lời kể của má. Má tui thương cô Ân lắm”, anh Nhứt nói. Bà Ân lúc này sống đời sống thực vật, sức khỏe rất yếu, không tự chủ được trong sinh hoạt thường ngày, tiểu tiện tại chỗ.
Nhận được điện thoại con trai báo tin với những lo lắng về tình hình sức khỏe của bà, nhất là khi đường về khá xa, bà Phán quả quyết nói với con: “Mấy chục năm má đã đi tìm cô con. Giờ tìm được rồi thì không thể để cô ở đó được. Dù có khó khăn thế nào cũng phải đưa cô về bằng mọi cách. Có khổ thế nào má cũng chịu được, miễn là đưa cô về nhà”.
Vào một ngày tháng 7, chiếc xe chuyên dụng của Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất đã đưa bà Ân về quê nhà. Vậy là sau nửa thế kỷ xa cách, bà đã được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình và bà con xóm giềng. Bà về đúng vào dịp 27/7, ngày giỗ hằng năm của bà.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Tiến Trinh, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Hòa Vang, cho biết:"Bà Ân đang được hưởng chế độ bệnh binh 1/3 và người bị nhiễm chất độc hóa học. “Trung tâm Điều dưỡng thương binh và người có công Long Đất hiện vẫn nhận tiền và chuyển trực tiếp cho gia đình hằng tháng, trong khi chờ hoàn thành thủ tục chuyển chế độ cho bà. Chúng tôi sẽ cố gắng phối hợp để giải quyết một cách nhanh nhất”.