Liên tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công
- Tra cứu phẫu thuật
- 13:13 - 27/07/2015
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp thăm, tặng quà Trung tâm điều dưỡng thương binh Kim Bảng Ảnh AT.
* Xin Thứ trưởng cho biết kết quả thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC trong thời gian qua?
Hoàn thiện Chính sách ưu đãi NCC được khẳng định trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề về chính sách xã hội trong giai đoạn 2012 - 2015; được thể chế hóa bằng hai Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, và các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư và Thông tư liên tịch của các bộ, ngành. Hàng loạt nội dung mới trong chính sách NCC đã được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện như nâng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi để đảm bảo mức sống tốt hơn cho NCC; mở rộng chế độ ưu đãi phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước cũng như quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về NCC; huy động sự tham gia của xã hội trong chăm sóc, phụng dưỡng NCC.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã có chính sách ưu đãi NCC trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cụ thể: Về kinh tế có các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng, lao động, việc làm, sản xuất, kinh doanh; về y tế có chế độ bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe; về giáo dục – đào tạo, có chế độ ưu đãi trong giáo dục – đào tạo như chế độ miễn giảm học phí, trợ cấp mỗi năm một lần mua sách vở, đồ dùng học tập, trợ cấp hàng tháng nếu học nghề, học đại học; về nhà ở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 ngày 18/5/2012 về việc cải thiện nhà ở cho gia đình NCC gặp khó khăn về nhà ở; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về việc hỗ trợ NCC cải thiện nhà ở, đồng thời bố trí nguồn ngân sách Nhà nước cải thiện nhà ở cho khoảng 80.000 hộ gia đình NCC. Hiện nay, có gần 300.000 con của NCC đang hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục với ngân sách hỗ trợ khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp trao chứng nhận kết quả ADN cho thân nhân gia đình liệt sĩ ảnh AT.
Cả nước có khoảng 3.000 nghĩa trang liệt sĩ, nhiều đài tưởng niệm, nhà bia, công trình ghi công liệt sĩ. Các công trình này thường xuyên được chăm sóc, tu bổ thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh, biết ơn các anh hùng liệt sĩ. Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD&ĐT ký kết chương trình phối hợp, đảm bảo mỗi nghĩa trang liệt sĩ, mỗi công trình liệt sĩ đều được các trường học thường xuyên chăm sóc, đảm bảo sạch, đẹp, tôn nghiêm. Chính những hoạt động này đã làm “ấm lòng người ra đi, an lòng người ở lại”.
Đảng và Nhà nước ta cũng hết sức quan tâm đến công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin. Hai đề án đã triển khai trong giai đoạn 2010 - 2015 là Đề án tìm kiếm, cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ do Bộ Quốc phòng chủ trì và Đề án xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, đã thu được nhiều kết quả. Các đề án này còn tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới.
* Những kết quả này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay, thưa Thứ trưởng?
Những kết quả đạt được trong việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC có ý nghĩa lớn lao về nhiều mặt. Trước hết, đây là sự khẳng định trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, trách nhiệm của đất nước và dân tộc đối với những người con ưu tú của đất nước đã cống hiến đóng góp, hy sinh sức lực, trí tuệ, công sức, máu xương cho sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng, của dân tộc.
Thứ hai, đó là sự khẳng định bằng hệ thống luật pháp, chính sách, từ hiến pháp, luật, pháp lệnh và các văn bản dưới luật. Đây là sự vinh danh chính thức bằng luật pháp, quy định ưu đãi bằng luật pháp, là sự động viên to lớn đối với NCC cũng như giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, quyết tâm xây dựng và bảo vệ đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, sự toàn vẹn về chủ quyền của đất nước đứng trước những thách thức mới.
Thứ ba, đó là sự khẳng định Tổ quốc và nhân dân không bao giờ quên những đóng góp lớn lao của những người con ưu tú; trách nhiệm chăm sóc NCC là trách nhiệm đầu tiên; đối tượng NCC là đối tượng ưu tiên hàng đầu. Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, nhiều công việc cần phải làm, nhưng một nguồn ngân sách lớn, bảo đảm cho trợ cấp, phụ cấp ưu đãi xã hội NCC đã được bố trí; năm 2015 con số này là gần 40.000 tỷ đồng. Không chỉ bằng tiền, nhiều hoạt động chăm sóc NCC như phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, sửa chữa nhà ở, tặng sổ tiết kiệm, bố trí việc làm, điều dưỡng NCC, vinh danh NCC… với sự tham gia của toàn xã hội đã thể hiện rất rõ tình cảm, trách nhiệm và niềm tự hào của nhân dân đối với NCC.
Thứ tư, đó là sự tiếp nối liên tục của truyền thống văn hóa, truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây; nuôi dưỡng lòng yêu nước, sẵn sàng bằng xương máu, bằng mồ hôi công sức để xây đắp con đường cho dân tộc ta đi tới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Chăm sóc y tế cho NCC điều dưỡng tại Trung tâm đều dưỡng luân phiên NCC tỉnh Quảng Bình ảnh QD.
* Chỉ tiêu năm 2015 - 2016 phấn đấu đảm bảo 98% gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú. Trong thời gian tới, việc huy động các nguồn lực chăm lo cho gia đình chính sách sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Với chỉ tiêu đảm bảo 98% gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi đối tượng cư trú năm 2015 -2016, tôi tin là sẽ đạt được, bởi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” vốn rất tốt đẹp và ý nghĩa trong nhiều năm qua.
Nguồn đóng góp về tiền chắc chắn sẽ không có sự khác biệt so với các năm trước, đó là sự bố trí của ngân sách Nhà nước - bao giờ cũng là mục chi ưu tiên; sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; sự đóng góp của cả xã hội thông qua Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và nhiều hoạt động tri ân khác. Tuy nhiên, tôi có niềm tin rằng, quy mô của nguồn lực bằng tiền sẽ lớn hơn cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế, sự mạnh lên của các doanh nghiệp, và sự cải thiện mức sống của người dân.
Bên cạnh đó là các nguồn lực khác thông qua các hoạt động hỗ trợ, chăm sóc NCC của cơ quan, doanh nghiệp và xã hội; thực hiện đầy đủ và có trách nhiệm chính sách ưu đãi NCC; các ưu tiên trong giáo dục, đào tạo, việc làm v.v… cũng sẽ giúp gia đình NCC tự vươn lên trong nỗ lực có được cuộc sống khá giả, không thua kém mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.