Liên tiếp lọt Top điểm đến Thế giới, hành trình nào đưa Đà Nẵng đến thành công?
- Huyệt vị
- 19:38 - 06/03/2020
Mở lối tư duy
Sở hữu bãi biển quyến rũ nhất hành tinh, nhưng hơn 10 năm trước đây, nhiều người chỉ biết đến Đà Nẵng với vài ba bãi tắm hoang sơ chưa được quy hoạch, các dịch vụ du lịch chưa phát triển. Khách tới Đà Nẵng chỉ lưu trú một đêm rồi đi Hội An, Huế... Vẻ đẹp thiên tạo của sông nước, biển cả, núi non Đà Nẵng vẫn chỉ dừng ở mức tiềm năng.
Kể từ những năm 2000, sau Nghị quyết số 33/QĐ/TW của Bộ Chính Trị về nhiệm vụ xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ, Đà Nẵng xác định phải đẩy mạnh quy hoạch hạ tầng đô thị, xây dựng hệ thống tuyến đường ven biển, các trục giao thông kết nối các cực của thành phố. Và chìa khóa để đưa thành phố phát triển là sử dụng sức mạnh của các nhà đầu tư, thu hút nguồn lực kinh tế tư nhân, tận dụng lợi thế du lịch.
Các nút thắt thể chế được cởi bỏ, tư duy quản lý cục bộ thay đổi, nền hành chính phục vụ được xây dựng… Kết quả, Đà Nẵng luôn nằm trong top 5 các địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu cả nước. Các doanh nghiệp tư nhân được tạo điều kiện để xây dựng nhiều công trình thế kỷ góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo của Đà Nẵng. Nguồn vốn đầu tư FDI tăng trưởng ngoạn mục. Trong hơn 10 năm, số vốn đầu tư vào Đà Nẵng không ngừng tăng trưởng, từ 121,18 triệu USD vốn FDI năm 2010, đã lên tới gần 660 triệu USD vào năm 2019. Thu ngân sách năm 2019 là khoảng 28.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm 2010. Du lịch từ chỗ tiềm năng đã dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò chủ lực.
Tiến bước "thần tốc"
Nhờ cơ chế và tâm huyết thu hút đầu tư của chính quyền thành phố, nhiều tập đoàn lớn đã lựa chọn đầu tư vào Đà Nẵng, đặc biệt là khai thác du lịch. Sun Group, Vingroup… là một trong những nhà đầu tư chiến lược đã góp phần thay đổi hoàn toàn diện mạo của du lịch Đà Nẵng.
Hệ thống các khách sạn, khu nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn 5 sao do các tập đoàn này đầu tư, trong đó có những khách sạn liên tục giữ ngôi "sang trọng hàng đầu thế giới" như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort... đã nâng hạng Đà Nẵng trở thành điểm đến sang trọng dành cho giới thượng lưu.
Không khó để thấy hơn một thập kỷ qua, Đà Nẵng đã từng bước vươn mình trỗi dậy trở thành thủ phủ du lịch của Việt Nam. Hàng loạt sự kiện lớn như Đại hội Thể thao Bãi biển châu Á lần thứ 5 (ABG5), Cuộc thi Thuyền buồm quốc tế Clipper, Lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF… đã tổ chức thành công. Giới xê dịch giờ đây còn gọi tên Đà Nẵng như một vùng đất của lễ hội.
Các tổ chức có uy tín của thế giới và châu Á như Forbes, WTA, Travel&Leisure… đã xếp hạng và gọi tên Đà Nẵng cùng những sản phẩm du lịch của thành phố sông Hàn ở vô số các hạng mục giải thưởng danh giá về du lịch. Hình ảnh và vị thế của thành phố trong mắt người dân và du khách gần xa đã ngày một được cải thiện và nâng cao.
Từ năm 2009 đến 2018, tức là tròn 10 năm, lượng khách tới Đà Nẵng tăng trưởng tới 463%. Doanh thu từ du lịch tăng 15 lần. Riêng năm 2019, Đà Nẵng thu hút hơn 8,6 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế là 3,52 triệu lượt, tăng 22,5% so với năm 2018, doanh thu gần 31.000 tỷ đồng. Chỉ nhìn vào những con số đó có thể thấy tốc độ phát triển của Đà Nẵng là "thần tốc".
Giữ vững "ngôi vương" bằng đa dạng sản phẩm
Để chinh phục được khách hàng ở mọi độ tuổi, mọi quốc tịch, Đà Nẵng không ngừng xây dựng thương hiệu du lịch đa dạng, hấp dẫn, độc đáo.
Biểu tượng của du lịch Đà Nẵng phải kể tới Sun World Ba Na Hills. Không chỉ sở hữu hệ thống cáp treo 4 kỷ lục thế giới, khách sạn dành cho giới thượng lưu Mercure Danang French Village Bana Hills, Top 5 công viên trong nhà lớn nhất Đông Nam Á - Fantasy, những lâu đài cổ lộng lẫy như Châu Âu,… Sun World Ba Na Hills còn tạo nên kỳ tích cho du lịch thành phố sông Hàn với hiện tượng Cầu Vàng nổi tiếng toàn cầu. Như bà Trần Thị Minh Đức - Trưởng phòng Inbound Vietrantour khẳng định: "Hiện nay, không chỉ khách quốc tế mà ngay cả người Việt Nam cũng đều chọn Đà Nẵng đầu tiên vì hạ tầng, dịch vụ ở đây rất tốt và đặc biệt là khu Bà Nà Hills có thể chiều lòng tất cả mọi người".
Đặc biệt, Đà Nẵng còn đang nghiên cứu đưa ra các giải pháp để "đánh thức" kinh tế đêm. Theo ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam để phát triển mạnh kinh tế đêm, Đà Nẵng cần phải quan tâm đặc biệt đến những vấn đề: "Cần chỉ đạo cho các nhà đầu tư lớn, những khu du lịch trọng điểm của Đà Nẵng nghiên cứu và phát triển sản phẩm du lịch về đêm, từ đó tăng thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt, mua sắm chi tiêu của du khách khi đến nghỉ, tham quan tại các khu du lịch trọng điểm này. Bên cạnh đó cần phải có những cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích về thuế, về phí, về mặt bằng, về sử dụng đất, để từ đó cho các nhà đầu tư đầu tư về kinh tế đêm, hình thành nên những sản phẩm kinh tế đêm. Thứ tư là xây dựng những chính sách để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn cho du khách khi tham gia vào kinh tế đêm".
Hành trình hơn 1 thập kỷ của phép màu du lịch Đà Nẵng đã kết trái ngọt bằng vị trí số 1 trong danh sách điểm đến toàn cầu năm 2020 theo thống kê của Google. Với những sản phẩm du lịch hàng đầu khu vực, những lễ hội được tổ chức ngày một rực rỡ mỗi năm… cùng sự chung tay, đồng lòng giữa doanh nghiệp và chính quyền, không khó để tin rằng nhiều năm tới, ngôi vương du lịch sẽ tiếp tục thuộc về Đà Nẵng.