THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 08:55

Liên tiếp những vụ đuối nước thương tâm xẩy ra ở Nghệ An

 

Nguyên nhân của những nỗi đau không đáng có

Theo thống kê, Nghệ An vẫn là một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ đuối nước nhất trong cả nước. Năm 2014, Nghệ An đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước, làm 76 trẻ em tử vong, đa số ở độ tuổi học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Năm 2015, dư luận lại càng vô cùng lo lắng hơn, khi mới đầu mùa hè đã liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước khiến hằng chục học sinh mất mạng.

Nghỉ hè trẻ em không được sự quan tâm đúng mức của gia đình, cho mẹ, thường ra các bờ sông chơi đùa, câu cá, tắm.

Ngày 10/5, tại xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, một tốp nữ  học sinh lớp 6 trường THCS Đồng Tường, do trời nắng nóng nên các em rủ nhau ra sông Lam tắm. Trong lúc các em khác đang tắm thì hai em Nguyễn Thị Cẩm Tú và Lê Nguyễn Hà My đã bị nước cuốn trôi, dẫn đến tử vong. Cho đến nay thi thể của em Cẩm Tú vẫn chưa tìm thấy.

          Ngày 16/5, 3 em học sinh lớp 5, trường tiểu học Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu), rủ nhau ra biển tắm, không may cả ba em đã bị sóng đánh chìm dẫn đến tử vong. Ba nạn nhân xấu số là Bùi Quang Thành, Vũ Văn Huynh, Vũ Văn Đệ. Huynh và Đệ là hai anh em sinh đôi trong một gia đình. Sau nửa ngày tìm kiếm, lực lượng cứu nạn cùng gia đình mới tìm thấy thi thể các em.

 Chị Phan Thị Thanh (mẹ em Hoa), đờ đẫn nhìn di ảnh con.

Những thông tin như vậy cứ nối dài vào dịp đầu hè. Khiến dư luận vô cùng lo lắng. Từ đầu năm 2015 đến nay, riêng Nghệ An đã có tới 13 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của gần 30 học sinh. Nhiều nhất là các huyện Quỳnh Lưu, TP. Vinh, Thanh Chương, Anh Sơn, Diễn Châu,…

Dịp hè. Học sinh có nhiều thời gian vui chơi hoặc phụ giúp gia đình, nhất là ở các vùng nông thôn, trẻ em thường ra sông, suối để tắm hoặc mò cua, bắt ốc, chăn trâu, bò… Mặt khác, nhiều gia đình lơ là sự quản lý, để con em tự ý đi chơi gần các ao, hồ, sông, suối hoặc tắm. 

Khoảng 10h sáng 29/5, sau lễ tổng kết năm học, một nhóm gồm 8 em học sinh nữ trường THCS Vân Diên không về nhà ngay mà rủ nhau ra khu vực khe Dài thuộc xã Nam Lộc (Nam Đàn) tắm. Trong lúc tắm 2 em Thái Thị Huế (2002) và Trần Thị Hoa (2002) trú xóm Nhật Quang xã Vân Diên, đang chụp ảnh thì bị trượt chân sau đó được mọi người đến cứu nhưng cả hai đã tử vong.

“Cứ nghĩ như mọi năm cứ nhận giấy khen sau lễ tổng kết là cháu vội chạy về nhà khoe với bà với mẹ. Ai ngờ năm ni lại cùng bạn bè rủ nhau đi tắm. Khổ lắm ni chú nà”. Chị Phan Thị Thanh (mẹ em Hoa) khóc tức tưởi. Được biết Huế là con thứ 2 trong gia đình, luôn là học sinh giỏi của trường và đang là lớp trưởng.

Di ảnh em Trần Thị Hoa, ở xã Vân Diên, (huyện Nam Đàn, Nghệ An)

          Gia đình chị Thanh khá vất vả, chồng chị là anh Thái Văn Chung, đang đi lao động ở Angola. Vì cuộc sống khó khăn, gia đình chị đã bàn nhau vay mượn được 120 triệu đồng để chồng đi lao động ở Angola, chỉ thời gian đầu là chồng chị còn liên lạc về nhưng từ lâu lắm không có tin tức gì, con gái tử vong đến nay anh Chung chưa hề hay biết. Gia đình chị đang rất vô cùng đau đớn và lo lắng. Chồng đi làm ăn xa một mình chị ở nhà làm lụng nuôi con nên việc quan tâm thường xuyên đến con là vô cùng khó khăn.

Bên cạnh gia đình em Hoa, bố mẹ và người thân của em Huế cũng không còn nước mắt để khóc thương con.

 

Giải pháp căn bản là phải biết bơi

Trong muôn vàn nguyên nhân và dẫn đến những cái chết không đáng có. Ngoài nguyên nhân chủ quan của các bậc cha mẹ, người thân quan tâm không đúng mức thì một nguyên nhân cơ bản là trẻ em không được trang bị kỹ năng bơi lội và xử lý tình huống dưới nước.

Không phải đi chơi hay đi tắm như những trường hợp khác mà em Đinh Chỉ Minh (SN 2004), trú tại xóm Yên Bình, xã Thanh Yên (Thanh Chương). Hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, bố bị tâm thần, một mình mẹ nuôi 5 miệng ăn. Những lúc không đến trường Minh thường tranh thủ mò cua bắt ốc phụ giúp mẹ. Chiều 2/6, trong lúc mò hến ở bến sông Lam Minh đã bị nước cuốn trôi, đến 18 giờ cùng ngày gia đình mới tìm thấy thi thể của em.

Gia cảnh khốn khó của em Đinh Chỉ Minh 

Chị Nguyễn Thị Phong, mẹ em Minh, đờ đẫn nhìn di ảnh con: “Khổ quá chú ạ, nhà được một sào ruộng mà năm miệng ăn, anh lại bị bệnh tâm thần. Thương con quá con ơi…”. Chị Phong đổ gục bên bàn thờ con gào thét.     

Bên cạnh sự chủ quan, lơ là của các bậc phụ huynh thì nguyên nhân khác khiến tình trạng trẻ bị đuối nước là do các em không biết bơi.  

          Ông Trình Văn Nhã, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước đa số do học sinh rủ nhau tắm sông, hồ thiếu sự giám sát của người lớn dẫn đến tai nạn. Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, cảnh báo nguyên nhân đuối nước bằng nhiều hình thức; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên và người chăm sóc trẻ... Vào dịp nghỉ hè thì tạo nhiều sân chơi hơn cho trẻ, nhưng về cơ bản vẫn phải là gia đình”. 

Hầu hết số học sinh bị chết đuối đều là học sinh vùng nông thôn, miền núi và đều không biết bơi. Đại đa số các em không được học bơi trong nhà trường. Vì vậy giải pháp cơ bản là phải phổ cập bơi lội cho các em khi còn ở ghế nhà trường, ngay từ tiểu học, không thì ít nhất cũng là cấp trung học cơ sở. Ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, nói: “Đã không biết bơi thì dù tình huống có đơn giản cũng dễ chết, chỉ có biết bơi mới hạn chế được tình trạng đó”.

Năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn số 664/BGDĐT-CTHSSV về “Triển khai công tác phòng, chống đuối nước và thí điểm dạy bơi trong trường tiểu học giai đoạn 2010 - 2015”, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An đã chủ động cử các giáo viên có chuyên môn về bơi lội tham gia các lớp tập huấn chương trình phổ cập bơi phòng, chống tai nạn thương tích và chỉ đạo các trường chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện để đưa môn bơi vào dạy học trong các tiết giáo dục thể chất. Một số địa phương trong tỉnh tổ chức dạy bơi cho học sinh như Anh Sơn, Nam Đàn nhưng chỉ được 1, 2 năm và hiệu quả chưa cao. Hiện nay, việc dạy bơi trong các trường học trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa thực hiện được. Chưa có trường học nào có bể bơi để đảm bảo cho việc dạy học bơi lội nên việc đưa môn bội lội vào dạy ngoại khóa cho học sinh còn khó, chưa nói đến học chính khóa. Các trường cũng không mặn mà trong việc đầu tư cơ sở vật chất cũng như tổ chức các khóa học bơi cho học sinh, do phần lớn thời gian năm học diễn ra trong thời tiết lạnh, không thích hợp cho việc học bơi… Chính vì thế, cơ hội học bơi cho học sinh lứa tuổi tiểu học, THCS còn rất khó khăn.

Mẹ và anh của em Thái Thị Huế, đau đớn kể về việc em Huế ra đi

Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Văn phòng, người phát ngôn Sở GD&ĐT Nghệ An, khẳng định: “Việc dạy bơi trong trường học là rất khó khăn, khó thứ nhất là không có cơ sở vật chất như bể bơi đạt yêu cầu, không có diện tích đất…nhân lực thì không thiếu nhưng kinh phí lại thiếu”. 

Khi chúng tôi đặt vấn đề, nếu mỗi xã có một chiếc hồ nước an toàn và đủ rộng để học sinh các trường thay nhau tập bơi mỗi tuần vài buổi thì có thể xem là giải pháp tạm thời trước mắt? Ông Hoàn trả lời: “Cái đó thì ngành giáo dục, chịu”

Việc trẻ em bị đuối nước thương tâm hàng loạt rất đau lòng, và giải pháp về tuyên truyền, cảnh báo, quản lí…đều rất khó khăn. Thiết nghĩ, mỗi xã, địa phương cần có một chiaacs hồ đủ rộng mực nước vừa phải để học sinh thay nhau tập bơi mỗi tuần 1-2 buổi, như là giải pháp tạm thời để giảm thiểu được tình trạng đuối nước hiện nay./. 

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh