THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 03:47

Liên đoàn lao động vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho người lao động

 

Cán bộ công đoàn làm luật sư kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Theo báo cáo, của Liên đoàn lao động 5 thành phố trực thuộc Trung ương  tính đến 31/10/2016, tại 5 thành phố có 25.081 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên 3 tháng, với số tiền nợ lên đến gần 4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tại TP. Hồ Chí Minh có 10.743 doanh nghiệp, nợ 1.111 tỷ đồng. Tại Hà Nội có 12.235 doanh nghiệp nợ: 2.382 tỷ đồng. Địa bàn TP. Đà Nẵng có 552 doanh nghiệp nợ 115 tỷ đồng. Tại TP. Cần thơ: 795 doanh nghiệp nợ 128,691 tỷ đồng và TP. Hải Phòng có 756 doanh nghiệp, nợ 223 tỷ đồng.

Công đoàn luôn sát cánh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

 

Liên đoàn lao động 5 thành phố nhận định, nguyên nhân củ việc nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp là do các cơ quan quan lý nhà nước chưa cương quyết xử ký kịp thời các doanh nghiệp vi phạm nợ bảo hiểm xã hội; việc thi hành án các bản án đã có hiệu lực đối với các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội còn nhiều khó khăn làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ chính sách cho người lao động, từ đó phát sinh các vụ khiếu nại dẫn đến tranh chấp tập thể xảy ra trên địa bàn.

Trước thực trạng trên, Liên đoàn lao động 5 thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân viên chức, người lao động. Theo đó, Liên đoàn lao động 5 thành phố đã thí điểm khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra Tòa. Liên đoàn lao động TP. Hồ Chí Minh khởi kiện thí điểm 4 trường hợp. Liên đoàn lao động TP. Hà Nội đã chuẩn bị các điều kiện hồ sơ chuyển Tòa án khởi kiến thí điểm 7 trường hợp. TP. Đà Nẵng cũng rà soát, hoàn thiện các thủ tục khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn.

Tuy nhiên, Liên đoàn lao động 5 thành phố cũng nhìn nhận, việc khởi kiện các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội còn bị động, trình tự, thủ tục có nhiều khó khăn, phức tạp, chưa thống nhất. Để nhiệm vụ này được thực hiện hiệu quả, Liên đoàn 5 thành phố đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ cho phép cán bộ công chức Công đoàn được phép làm Luật sư để có điều kiện thực hiện chức năng bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại các phiên tòa do tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam làm việc với tòa án nhân dân tối cao để có hướng đơn giản hóa thủ tục khởi kiện ra tòa không thông qua bước thanh tra hòa giải.

Tư vấn pháp luật miễn phí cho người lao động

Cũng theo số liệu từ Liên đoàn lao động 5 thành phố trực thuộc trung ương, tình hình tranh chấp lao động tập thể dẫn đến ngừng việc tại 5 thành phố có xu hướng giảm.

Theo đó, trong năm qua, tại 5 Thành phố xảy ra 77 vụ tranh chấp lao động tập thể, với 28.388 công nhân tham gia. Nguyên nhân dẫn đến những vụ tranh chấp lao động tập thể tại các địa phương trên là do người sử dụng lao động không chấp hành tốt pháp luật lao động như: Doanh nghiệp cắt, giảm các khoản phụ cấp, trợ cấp khi thực thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng; nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, cách tính tiền lương, thưởng tết không hợp lý cho người lao động… Sở dĩ tranh chấp lao động giảm do Liên đoàn lao động các thành phố đã thực hiện tốt việc chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, qua đó góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa. Liên đoàn lao động 5 thành phố đã chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh tổ chức các hội nghị dân chủ như hội nghị cán bộ công chức viên chức, hội nghị người lao động. Thông qua Hội nghị người lao động, nhiều thỏa ước lao động tập thể đã được ký kết mới, hoặc sửa đổi, bổ sung với những nội dung cao hơn Luật có lợi hơn cho người lao động như: Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề,...

Đồng thời, Liên đoàn lao động 5 thành phố đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho người lao động, với nhiều hình thức đa dạng như: Tổ chức ngày hội tư vấn pháp luật, Chương trình “Phát thanh công nhân”, tư vấn qua điện thoại, tư vấn trực tiếp khi người lao động có yêu cầu. Bằng những hình thức tư vấn trên, các Trung tâm tư vấn pháp luật, tổ tư vấn pháp luật đã tư vấn 15.784 trường hợp, qua đó giúp người lao động nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong quan hệ lao động.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh