CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:04

Liên đoàn bóng đá Trung Quốc lỗ nặng sau khi sa thải HLV Guus Hiddink

Việc U22 Trung Quốc thua đội tuyển U22 Việt Nam 0-2 ở tỉnh Hồ Bắc cách nay khoảng chục ngày dù có là cú sốc đi chăng nữa, thì đấy vẫn chỉ là một trận giao hữu.

Giới bóng đá thừa hiểu tính chất của một trận giao hữu khác xa với các giải đấu chính thức, khác về lực lượng sử dụng trong trận giao hữu đấy, so với khi bước vào trận đấu chính thức, khác về điểm rơi thể lực, điểm rơi phong độ, khác hẳn về thái độ thi đấu cũng như quyết tâm của các cầu thủ trên sân.

Nói như thế không có nghĩa là khi đá giao hữu, người ta không muốn thắng. Tuy nhiên, với tính chất của một trận giao hữu, nếu chẳng may không thắng, các cầu thủ không nhất thiết phải rượt đuổi chiến thắng bằng mọi giá.

Liên đoàn bóng đá Trung Quốc lỗ nặng sau khi sa thải HLV Guus Hiddink - Ảnh 1.

Nghỉ sớm ở đội tuyển U22 Trung Quốc, HLV Hiddink có khi vừa đỡ nặng đầu, vừa lãnh đủ tiền đền bù hợp đồng

Vì tính chất đấy và vì đặc thù tâm lý đấy của các trận giao hữu, mà có không ít đội bóng, thậm chí là ngay cả các đội hàng đầu thế giới, tầm Italia hay Đức, không hiếm trường hợp họ thua te tua trong các trận giao hữu, nhưng khi bước vào giải chính thức, dạng VCK World Cup hay Euro, cũng đội bóng đấy, dưới sự dẫn dắt của chính HLV đấy, lại đá cực hay.

Ngược lại, có một số trường hợp thường đá rất hay trong các trận giao hữu, như đội tuyển Anh và cả đội Hà Lan quê hương của ông Guus Hiddink trong các năm trước, nhưng vào các giải chính thức thường chẳng làm nên cơm cháo gì, cũng chẳng phải là dạng các đội mạnh đến mức khiến ai gặp cũng ngán.

Còn ở Việt Nam, đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng trước SEA Games năm 2017 là một ví dụ: Đá giao hữu thắng như chẻ tre “nhờ” đối phương giấu bài, nhưng vào đến giải chính thức lại bị loại thê thảm. Đấy là hiện tượng mà giới bóng đá hay nói vui với nhau rằng đá giao hữu hay quá, sung quá, đến lúc vào giải chính thức thì “điểm rơi thành điểm… rụng”.

Thành ra, chuyện một HLV bị sa thải vì thành tích… đá giao hữu bết bát là chuyện xưa nay hiếm, xét trên bình diện bóng đá thế giới.

Liên đoàn bóng đá Trung Quốc lỗ nặng sau khi sa thải HLV Guus Hiddink - Ảnh 2.

Đồng nghiệp của ông Hiddink, đang dẫn dắt đội tuyền quốc gia Trung Quốc, ông Lippi, là bậc thầy trong việc khiêu khích giới chủ sa thải mình, nếu cảm thấy "khó ở", rồi nhận tiền đền bù hợp đồng ở mức cao

Và với quyết định sa thải HLV Guus Hiddink chỉ vì kết quả của 1 trận giao hữu (thua U22 Việt Nam 0-2), Liên đoàn bóng đá Trung Quốc CFA vừa chính thức mang tiếng cạn tình với nhà chuyên môn của mình.

Chưa hết, đuổi HLV Guus Hiddink trước thời hạn, CFA vừa mất người, vừa mất… tiền. Lương của vị HLV người Hà Lan ở đội tuyển U22 Trung Quốc không hề thấp: Ở mức 4,7 triệu USD/năm (hơn 110 tỷ đồng/năm).

Hợp đồng giữa Hiddink với CFA kéo dài đến hết Olympic Tokyo năm 2020. Tức là làm hay nghỉ, ông Hiddink vẫn “ẵm” 5 – 7 triệu USD cho hơn 1 năm hợp đồng với CFA. Mà có khi, với ông Hiddink, tầm tuổi của ông Hiddink, nghỉ và lãnh đủ tiền còn khoẻ hơn là tiếp tục làm việc cho một trong những cơ quan điều hành bóng đá thuộc vào hàng khó chiều nhất thế giới, như CFA.

Đấy cũng có thể là kinh nghiệm mà HLV Guus Hiddink từng học hỏi từ chính đồng nghiệp của mình đang dẫn dắt đội tuyển quốc gia Trung Quốc, ông Marcello Lippi (người Italia).

Năm 1999, tự ái với Juventus, Lippi tuyên bố từ chức. Nhưng ngay lập tức, ông nhận ra sai lầm của mình, vì tức chức cũng đồng nghĩa với việc không được đền hợp đồng.

1 năm sau, Lippi ở Inter Milan. Ông không thành công ở đây, nhưng nhất quyết không từ chức, dù rất muốn nghỉ cho nhanh. Lippi khiêu khích chủ tịch của CLB Inter Milan khi đó là tỷ phú Massimo Moratti, hòng sớm “ĐƯỢC” người khác đuổi, với phát biểu đại loại rằng: “Nếu tôi là ông chủ CLB, tôi sẽ đá đít các cầu thủ, rồi tống cổ HLV”.

Không lâu sau đó, Lippi bị Moratti sa thải, nhưng ông chẳng buồn vì điều đó, bởi ông nhận được khoản đền bù hợp đồng kết sù, khác hẳn với lần ông chủ động từ chức tại Juventus trước đó 1 năm.

Giờ đây, CFA sau quyết định sa thải HLV Guus Hiddink có khi lại tạo ra tiền lệ xấu cho các HLV làm việc với CFA trong tương lai, rằng nếu chán hợp tác với bóng đá Trung Quốc, các HLV này cứ việc để thua ở các trận giao hữu, vừa không bị mất tiếng (vì… giao hữu mà!), vừa lãnh đủ tiền, với khả năng CFA sẽ sa thải họ!


Theo Kim Điền/ Dân Trí

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh