Liêm chính trong kinh doanh: Điều không dễ!
- Huyệt vị
- 16:45 - 14/01/2016
Cuối tháng 12/2015, một cuộc hội thảo nhằm công bố báo cáo khảo sát Hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp được tổ chức tại Hà Nội. Tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Vinh, Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định: “Nếu chỉ tìm những cơ hội săn tìm lợi nhuận ở “vùng nước đục”, đó là cách đã lâu rồi và chỉ mang tính ngắn hạn. Giờ đây, nền kinh tế phát triển đến mức, cơ hội thực sự chỉ dành cho những doanh nghiệp có cái nhìn dài hạn theo đuổi giá trị bền vững”.
Những nhận định tại hội thảo công bố những số liệu gây sốc về hiện trạng thực hành liêm chính trong kinh doanh và nhu cầu hỗ trợ xây dựng năng lực của doanh nghiệp của ông Nguyễn Quang Vinh quả rất sâu sát, có tính định hướng cao. Đồng tình với quan điểm của ông Vinh, ông Florian Beranek, chuyên gia cao cấp về trách nhiệm xã hội, UNIDO cho biết, liêm chính là nền tảng của một doanh nghiệp hiện đại có khả năng thành công trên thị trường toàn cầu, là yếu tố phải có đối với những doanh nghiệp muốn tăng vị thế trong chuỗi sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng.
Bà Trần Thị Kim Thu, nguyên Trưởng khoa Thống kê - ĐH Kinh tế quốc dân: “Nhiều DN chưa có đồng thuận cao để thực hiện sự liêm chính trong kinh doanh”.
Một cuộc khảo sát được thực hiện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với 180 doanh nghiệp, gồm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, da giày, dệt may, ngành công nghiệp lắp ráp, điện – điện tử, ngân hàng. Theo kết quả khảo sát, việc doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và hiểu đúng về liêm chính trong kinh doanh chiếm 55% và họ đồng ý cho rằng, liêm chính phải gắn liền với các nguyên tắc, chuẩn mực về đạo đức và quy phạm pháp luật nhằm tạo ra rào cản đối với nạn tham nhũng, hối lộ.
Về tình hình thực hiện, triển khai các chính sách về liêm chính trong doanh nghiệp nói chung mới chỉ có 29% doanh nghiệp, tức hơn một nửa cho biết đã triển khai các chính sách về liêm chính.
Tuy nhiên, khi thực hiện khảo sát, một số doanh nghiệp cho biết, họ chưa thực hiện triển khai chương trình liêm chính tổng thể trong doanh nghiệp nhưng đã triển khai các chính sách và quy định trong nội bộ doanh nghiệp. Bao gồm kiểm soát chi tiêu với nhiều cấp độ đánh giá, giới hạn chi tiêu và yêu cầu tài liệu hóa, thực hiện cơ chế báo cáo (chiếm trên 60%). Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, tỉ lệ này chiếm tới 80%, bởi đặc thù ngành này có giao dịch tài chính nên việc áp dụng các biện pháp kiểm soát gian lận thực hiện khá bài bản, quy mô. Các quy định khác như mua sắm - đấu thầu, luân chuyển cán bộ, tặng quà và nhận quà, khiếu nại, tố cáo vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp thực hiện, số các doanh nghiệp đã chú trọng triển khai tới các quy định như kiểm soát nội bộ, tuyển dụng đào tạo, đề bạt, chế độ đãi ngộ, tiếp khách chiếm trên 50%.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Kim Thu, nguyên Trưởng khoa Thống kê - ĐH Kinh tế quốc dân, hiện là giảng viên và là chuyên gia thống kê cho Cty tư vấn OCD cho rằng, nhiều DN Việt Nam chưa thực hiện, hoặc chưa thành công chương trình liêm chính trong doanh nghiệp so với các Cty đa quốc gia. Nguyên nhân do chưa có đủ khả năng kiểm soát hết các quy định về hoạt động của doanh nghiệp, thiếu nhân lực, khó khăn trong việc xác định giá trị cốt lõi, và nếu có triển khai thì việc phổ biến, đào tạo thường xuyên còn hạn chế, chưa có sự đồng thuận cao trong doanh nghiệp. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố tác động khác như sự đồng thuận và tính cam kết cao, tăng cường vai trò của các nhà lãnh đạo và tính trách nhiệm trong cộng đồng kinh doanh, thường xuyên nâng cao yêu cầu về các chuẩn mực liên quan đến tính nhất quán, tính tuân thủ phải là một công việc có tính bắt buộc...
Vì thế, sự liêm chính trong kinh doanh là điều thực sự quá cần thiết nhưng cũng là quá khó để thực hiện !