THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 01:55

Lênh đênh tìm chữ

 

Tuy còn nhỏ nhưng những học sinh này phải tự chèo thuyền đến trường.


Chông chênh đến trường 

Trò chuyện về học sinh ở địa phương đến lớp, thầy Mai Văn Long, Hiệu trưởng trường THCS Phúc An (xã Phúc An, huyện Yên Bình, Yên Bái) ngậm ngùi: Hồ thủy điện Thác Bà đã biến các bản như Đất Đỏ, Bến Đò, Đồng Tý, Đồng Tha, Lâm Sinh... thành đảo và bán đảo nên việc học sinh đến trường tìm chữ chẳng khác là bao so với miền Tây nước nổi. Gần trăm học sinh phải chèo thuyền cả tiếng mới đến được lớp, có đứa đi bộ thì cũng 15km.

Sống dưới hồ, chông chênh trên mặt nước, mưu sinh theo lối nay đây mai đó, chỗ nào thuận lợi thì thả neo trú ngụ nên cái gọi là “tiềm năng thoát nghèo” với người dân nơi đây hãy còn lạ lẫm lắm. Mà nếu có thì cũng chỉ là con cá, con tôm dưới nước nhưng phải bỏ nhà vài ba ngày, thậm chí có khi cả tuần mới bắt được. Cũng bởi thế, lũ trẻ sinh ra đã thiệt thòi, buộc phải thích nghi để tồn tại với muôn vàn gian truân. Ngay như cái việc cắp sách đến trường cũng vậy.

Thực ra nhà trường cũng có hỗ trợ cho các em học sinh bằng việc thuê nhà dân ở gần trường, với giá mỗi tháng 50.000 đồng/một học sinh để các em bám trường. Nhưng cách này đã không giữ được các em. Khi mà phụ huynh học sinh cho rằng: Nó còn thằng em, còn con em, còn cái bè lênh đênh ở nhà cần phải có người trông nom nên cho nó về, học hay không học có mang lại cuộc sống khá hơn đâu, học đi rồi cũng về nhà đánh bắt cá như chúng tôi thôi. Nhưng cũng có người kiệm lời, con muốn đi học thì cứ đi, nhưng phải tự lo liệu, tức tự chèo thuyền đi chứ không ai đưa đi đón về.

Học sinh tiểu học mới độ mươi tuổi lấy đâu ra sức mà chèo thuyền, lại càng không được trang bị kiến thức bơi lội, cứu vớt nên việc để các em chông chênh với chiếc thuyền con trên mặt hồ mới thực sự là điều đáng lo. Vậy mà, từ tinh mơ lũ trẻ đã dắt díu nhau lên thuyền. Người chèo thuyền không ai khác chính là những học sinh mới độ mươi tuổi đầu, thậm chí mới 8 tuổi.

Một số học sinh gần trường được phụ huynh đưa đón.

Nhìn cảnh ba chị em Lương Thị Nguyệt lớp 8 (dân tộc Thái, Lương Thị Nga học lớp 7, Lương Thị Kiều học lớp 5) thay nhau chèo thuyền khiến ai cũng ái ngại. Chẳng may gặp sóng dữ hay mưa lớn thì sao? Trả lời tâm tư này, em Tướng Văn Quyền (lớp 6), thật thà: “Hôm nào mưa to quá là chúng em nghỉ học. Còn đến trường mới mưa thì dù mưa to bọn em phải về. Ra giữa dòng mới gặp mưa thì cũng kệ chứ sao, vừa mặc áo mưa vừa chèo thuyền. Khi đó, một người chèo, một người tát nước trong thuyền ra kẻo thuyền bị chìm. Có hôm ngược gió, chèo đến mệt lử người mới đến nơi, đến nơi mệt quá, ngồi trong lớp là ngủ luôn. Đấy là mùa hè chứ mùa đông rét mướt căm căm, hơi nước lạnh cóng các em cũng phải chèo mới theo được các bạn.

Những lần đuối nước

Thuyền của học sinh được đan bằng cây nứa, được bọc bên ngoài bằng một lớp xi măng nên thuyền rất nặng so với sức của người lớn chứ chưa nói đến sức trẻ con. Và cũng có ý ngụy biện, dẫu biết rằng để con cái mình lênh đênh giữa mặt hồ như vậy là không được, nhưng thấy cô giáo vận động mãi, không muốn cô giáo buồn nên cứ cho con đi học. Còn bố mẹ phải đi kiếm cái ăn nên không có thời gian đưa các con đến trường. Người lớn bảo, chèo thuyền thì cứ chèo, nhưng trên thuyền tuyệt đối không nói đến chuyện chết đuối, bởi sợ chết đuối. Kể ra mấy năm qua có không ít học sinh chết đuối thương tâm, mà cái chết của em Đặng Thị Mừng, học sinh lớp 2 là một ví dụ.

Hôm đó, Mừng được anh trai là Đặng Văn Viện (học sinh lớp 4) chở đi học trên một chiếc thuyền nan do bố mẹ đan bằng nứa. Đang lúc ra giữa sông thì mưa to, không kịp tát nước ra khỏi thuyền nên bị chìm. Người đánh cá đi ngang qua chỉ vớt được Viện, còn Mừng thì không thấy đâu. Và cũng từ cái chết của Mừng, Viện không được đến trường nữa, phần vì gia đình còn mải mưu sinh, phần vì họ sợ mất con.

Học sinh lên thuyền đến trường nhưng không mang theo áo phao nên nguy cơ đuối nước rất cao.

Lại một học sinh khác, học lớp 6, ở xóm Bến Đò. Nhà nghèo, cái thuyền theo em đến trường mấy năm đã bị bục cạp nhưng chưa có điều kiện làm lại thuyền. Rồi em cũng liều, sáng sớm tinh mơ chèo thuyền đi học, đến tối về, thuyền ra giữa dòng bị nước tràn vào, thuyền chìm và em mãi mãi không trở về. Và trường hợp khác cũng thương tâm, sống ở ngoài đảo, bố mẹ ham bắt con cá nên để lại hai anh em tự lo việc học hành. Thế rồi khi ra giữa dòng, con em chẳng may rơi xuống nước, thằng anh thấy vậy liền lao xuống cứu, nhưng cuối cùng cả hai cùng chết đuối...

Nhà trường có phát cho học sinh áo phao để đảm bảo an toàn cho việc đến trường, nhưng chả em nào chịu mặc. Phụ huynh cũng chẳng để ý để mà nhắc nhở.

Cần có giải pháp hữu hiệu

Số trẻ trong độ tuổi đến trường sống ở vùng lòng hồ không nhiều nhưng lại gây nhiều khó khăn cho công tác giáo dục ở đây. Một cô giáo từng gắn bó nhiều năm với nơi này tâm sự: Vận động bà con thuộc các hộ dân vùng hồ cực kỳ vất vả. Sống dưới hồ, khả năng giao thương giao lưu còn hạn chế như kiểu sống nhà nào biết nhà nấy, nên tính phong trào cũng chưa thực sự cao, mà chính cách sống nay đây mai đó của họ tạo nên. Có khi giáo viên phải lặn lội 5 lần 7 lượt mới tìm thấy chiếc thuyền của gia đình họ. Gặp rồi, thuyết phục hết lời, họ đồng ý cho con đến trường nhưng khi giáo viên về lại chẳng thấy một học sinh nào đến lớp theo. Có khi vận động, dân bảo: “Phải chài lưới mới nuôi nổi mấy miệng ăn, nếu hàng ngày phải đưa chúng đến trường thì làm gì có thời gian kiếm sống nữa. Đành kệ thôi!”. Và cũng có lúc cô giáo phải mất nửa ngày trời cùng ngồi trên chiếc thuyền nan rong ruổi khắp lòng hồ, nói đủ thứ chuyện về nỗi nhọc nhằn của cuộc sống thì họ đồng ý cho con đến trường. Vẫn biết cái gật đầu của người dân chài đó sẽ mở đường cho hành trình của một đứa trẻ đến trường, nhưng sau đó là biết bao nhọc nhằn, gian khó.

Nhưng theo cô giáo Hà Thị Tố Hoa, nơi này vẫn còn một khó khăn khác nữa, là sự chênh lệch tuổi học và việc lớp mở tận thôn bản. Có thôn bản cách nhau 5- 6km.

Đối với mầm non như 5 năm trước chưa khoán chỉ tiêu còn dễ tổ chức hơn vì chỉ 6 - 7 cháu cũng mở được lớp. Giờ các trường được giao quyền tự chủ nhưng theo quy định dưới 10 cháu thì không cho mở lớp, thành ra rất khó trong việc huy động trẻ ra lớp. Ví dụ như ở một xã, một năm chỉ có 4 đứa trẻ ra đời thì không thể thành lập nhóm lớp được do không đủ sĩ số. Còn các xã khác thì chỉ có hai nhóm lớp, chưa đủ điều kiện thành lập trường, buộc phải gom về khu trường chính. Chính vì thế, có trẻ nhà cách trường học từ 8-10km, việc đi lại rất khó khăn, không thể đi học. Nếu chọn giải pháp mở lớp ghép chung cho 3-5 tuổi để đạt sĩ số, thì lại nảy sinh vấn đề không bảo đảm được chương trình của lớp ghép, không bảo đảm về chất lượng. Kế hoạch đưa ra nhưng không sát với điều kiện thực tế của địa phương sẽ rất khó thực hiện, khiến chúng tôi lâm vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

Ông Nguyễn Văn Vấn, Chủ tịch UBND xã Phúc An cho biết: “Mực nước sâu nhất ở khu vực hồ nơi các em thường xuyên đi học hơn chục mét, dòng nước chảy mạnh. Cũng có ý kiến là làm một chiếc thuyền to rồi tập hợp học sinh đưa các em đi về cùng một lúc. Nhưng ngặt nỗi, xã không có kinh phí. Hiện tại chúng tôi chỉ biết cùng nhà trường tuyên truyền, hướng dẫn các em phải cẩn thận khi chèo thuyền qua hồ. Nhưng cũng đang bế tắc trước những tai nạn có thể xảy ra khi các em chèo thuyền”.

MAI THÊM/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh