CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:55

Lên với hoa ban mùa này

 

Câu chuyện về đôi trai gái con nhà khó yêu nhau say đắm mà không lấy được nhau đã phải tìm đến cái chết để chứng tỏ sự trinh trắng của mình chỉ còn là truyền thuyết, song hình ảnh những cánh ban phô diễn vẻ đẹp khác thường của nó bằng một màu trắng tinh khiết thì lại là sự thật bền vững luôn có sức hấp dẫn du khách. Loại cây cao, họ muồng thường vươn những cành khẳng khiu khô mốc trên những triền núi đá hoang vu, gặp tiết xuân ẩm ướt là nhất loạt đâm chồi, nảy lộc và xòe nở những bông hoa năm cánh hình bướm, riêng cánh chủ (cánh chúa) có thêm những kẻ sọc xanh tím uyển chuyển.

Đôi ta yêu nhau không tính mùa ban nở 

Không thấy ngày ban tàn 

Không tính tháng, tính năm 

Mãi mãi như mùa ban đầu đôi ta yêu nhau.

Khúc tình ca trên do một người già ở Chiềng An lưu giữ. Ông già đã ngoại lục tuần quen mặc bộ đồ chàm đen này đã xếp cho tôi chỗ ngủ qua đêm ở một góc sàn, gần chỗ cầu thang 7 bậc chắc nịch cùng một cái đệm dầy hăng nồng mùi cỏ với chiếc chăn thổ cẩm mỏng, đủ ấm. Đọc tờ giấy khen thành tích phát triển bông luồi gắn trên vách thấy ghi tên Sinh, họ Trần, lại nghe giọng nói đặc chất Kinh của ông tôi cứ ngờ ngợ..

- Tôi là dân Thái Bình - Chủ nhà chủ động vào chuyện...

Bố tôi nguyên là lính Vệ quốc đoàn. Năm 1952, ông đóng quân ở bản Vắt, gần thị trấn Mộc Châu. Thế... đã đến cái bản của người Thái đen ấy lần nào chưa? Con gái bản Vắt khéo tay dệt thổ cẩm tương truyền có bùa dải yếm trói chân bao chàng trai si tình. Cái bùa mê mẩn đó được mang tên một con thác kỳ thú - thác Dải Yếm. Ông bà chủ nhà, tức họ ngoại tôi sau này, có cô con gái cực xinh đang tuổi "biết may áo che vú", phải cái tật (hay là thích thế không biết nữa) "kẻ xuộng xựa", nghĩa là đêm ngủ cứ thoải mái phô hết cái "tòa thiên nhiên" quý hóa ra ngoài. Quay đi thì tiếc mà nhìn thì... Bố tôi, chàng "vệ túm" chỉ có bộ đồ lính vá chằng vá đụp khác nào con cá ngẩn ngơ mắc lưới.

Rõ ràng, tôi đang được tiếp xúc với một con người am hiểu sự đời. Người này đã kể chuyện thì con dúi trốn trong hang cũng phải mò ra. Dường như ông quên phắt mình là rể Thái đen. Được biết, ông quyết định chuyển cư lên bản Chiềng Lề lúc đó còn lèo tèo vài mươi nóc nhà sàn lợp gianh tre, nứa gỗ, đục đẽo đơn giản, không ngăn buồng, thuộc ngoại vi thị xã Sơn La. Ngôi nhà sàn của ông tọa lạc theo thế đầu gối đất, chân đạp nước. Vẫn còn kia cái hình trăng lưỡi liềm nơi cửa sổ và đặc biệt là cái khau cút - hoa nhà gắn trên đòn nóc gồm hai thanh gỗ đóng chéo chữ X, đó chính là tín hiệu nhận dòng tộc khi lưu lạc, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí về nghệ thuật kiến trúc nhà sàn Thái. Nhà có máu mặt thì đặt khau cút hình hoa sen. Nhà sàn tôi đang tá túc đây làm số gian lẻ, hai đầu hồi khum khum như mai rùa, chưa kể phần sàn được nối dài ra ngoài trời, gọi là chan, dành cho đàn bà, con gái ngồi trò chuyện, thêu thùa. Cầu thang phía này có chín bậc (chín vía). Phần nội thất được bố trí rất ngăn nắp, phân chia rành rẽ nơi ngủ của bố mẹ, của con dâu, con rể, con gái, con trai và gian riêng dành cho khách. Ôi, giấc ngủ đêm ở bản! Tôi đã bị thức dậy nhiều lần vì những tiếng gậy chọc sàn của mấy chàng trai đi chơi đêm kiếm vợ cùng tiếng khèn nỉ non gọi bạn tình bên cầu thang gỗ chín bậc.

Mới tơ mơ sáng, tôi đã cảm nhận được hương vị man mác của hạt nếp thoang thoảng đâu đó nơi đầu sàn. Hóa ra gia chủ muốn đãi khách quý bằng cơm gạo ma tứn đặc sản mà dân gian thuận miệng gọi là gạo chó dậy - cơm xôi thơm đến nỗi con chó đang ngủ cũng phải vùng dậy. Cơm Thái, gái Kinh là khoảnh khắc này ư? Cơm Thái ngon miệng hết chê. Con trai Thái thì mê gái Kinh quên cả lối về bản. Tôi trộm nghĩ, sẽ chẳng ai nhận ra chủ nhân nhà này gốc gác dưới xuôi nếu ông không tự thú hoặc bật mí nói tiếng phổ thông. Ông nửa đùa nửa thật bảo, ông đã giẫm lầm vết chân của thân phụ mình "xin làm gà gô, cun cút cổ trơn", ngoan ngoãn ở rể quản đến sáu năm ròng rã, vợ mình bằng thực mà đêm đến không được ôm ấp trong vòng tay, mới cực! Thế mà khi về ở với nhau, tâm chẳng khi nào cong, đũa đôi thì lúc nào cũng thẳng, gần đất, xa giời vẫn cứ như gốc cải xanh, như tàu dong mượt, mới lạ.

* * *

Câu phương ngôn "nước Sơn La, ma Tạ Bú" chỉ còn trong hoài niệm. Từ Sơn La tỉnh lỵ "núi khuất trong sương mù" đến thành phố Sơn La nhộn nhịp hôm nay là cả một sự đổi thay ngoài mong đợi. Dù tách nhập kiểu gì rừng ban vẫn không bị cuốn chiếu theo, vẫn rộn ràng khoe sắc trắng mỗi mùa xuân đến, cái thị tứ miền rừng xa lắc này nhờ vậy mà dịu nhẹ đi phần nhiều cái khắc nghiệt của gió Lào và bụi đỏ. Tại đồi Khau Cả, năm 1908, người Pháp cho xây nhà tù Sơn La. Tờ báo Suối reo, cơ quan ngôn luận của các chính trị phạm đã cất tiếng reo trong ngần giữa bốn bức tường đá lạnh lẽo bên cạnh tiếng reo ngời sắc đỏ của những cánh hoa đào Tô Hiệu. Năm 1945, xây Dinh công xứ (tỉnh trưởng). Sau 1954, là bản doanh của UBHC Khu tự trị Thái Mèo, nay là trụ sở UBND tỉnh. Đài phát thanh Khu Tây Bắc nằm cuối chân dốc giáp ranh con đường lên đèo Sơn La, nổi đình đám một dạo với những buổi phát thanh tiếng Kinh, tiếng Thái, tiếng H'Mông, có các nhà văn người dưới xuôi nặng lòng với Tây Bắc như Đặng Quang Tình, Đỗ Vĩnh Bảo, Sa Viết Sọi, Nguyễn Văn Lụa.

Hướng dẫn viên đưa khách tham quan khu đồi Khau Cả và nhà tù Sơn La là một cô gái còn rất trẻ thuyết minh lịch sử với những lời đề dẫn ngọt ngào và rành rẽ. Dường như tạo hóa sinh ra cô để thích nghi với bộ váy áo Thái đen. Chiếc áo ngắn (xửa cỏm) màu chàm vừa là thường phục vừa là lễ phục, cổ tròn đứng, bó sát người, tay áo rộng khâu hẹp dần từ nách xuống; gấu áo khâu lót thêm hai lần vải thít chặt lấy vòng eo thắt lưng, phần trên đủ ôm lấy vồng ngực nở nang, mỗi khi cúi xuống thì phần eo lưng "nuy" ra đến là gợi cảm. Nhìn hai hàng cúc bạc (mắc pém) 11 cặp - số lẻ tượng trưng cho sự vận động, đi lên, chạy dọc trước ngực cô gái mà ngỡ như đàn bướm trắng đang vờn nhau trên hai nẹp tà áo. Tấm váy sa tanh đen nền nã may kiểu ống, cạp trắng, dài sát gót với bộ xà tích bạc võng bên hông mới cách điệu làm sao! Còn cái thắt lưng lụa tơ tằm thêu chìm mấy bông ban trắng dài gấp hai lần rưỡi vòng eo, rộng chừng năm phân, khi thắt tạo dáng lưng eo con tò vò, vừa điệu đàng vừa kiêu sa. Không phải ngẫu nhiên có nhà thơ đã hạ bút:

Gái Thái tóc thơm, da trắng, thịt mềm 

Đôi bầu nhật nguyệt như mộng ước 

Ru hồn trai lên cõi trời tiên... 

Tôi đang phấn chấn tự hào thấy con em các dân tộc ngày một phương trưởng, cứng cáp, có thể tự cáng đáng được không ít công việc cần đến vốn kiến thức văn hóa sâu rộng thì chính cô hướng dẫn viên trí tuệ và duyên dáng kia đã vô tình làm cho cuộc trò chuyện thêm sinh động qua mấy lời đối thoại vu vơ:

- Cháu là giáo viên dạy văn cấp hai mới được điều chuyển sang nhà tù này ạ.

- Còn trẻ thế này mà...

- Ồ, không... cháu đã có hai con rồi!

- Vậy... sao không "tằng cẩu"?

"Tằng cẩu" là búi tóc ngược lên đỉnh đầu để chứng tỏ mình là gái đã có chồng, theo phong tục của người Thái đen. Câu hỏi của tôi chẳng hiểu có đúng chỗ không khi mà thói quen nghề nghiệp đã xúi dại tôi, còn cô gái phải nghe một câu hỏi sát sườn kia thì chỉ biết đỏ mặt cười.

Bên cạnh một số em gái người dân tộc thích mặc theo lối Kinh thì có khá nhiều các em gái người miền xuôi lại rất chuộng trang phục dân tộc, hoặc là do sở thích hoặc cũng có thể do yêu cầu công việc. Rõ ràng các em rất có ý thức tận dụng thế mạnh của phái đẹp về thể hình cao ráo và làn da như trứng gà bóc để tạo nên một sắc màu rất riêng cho núi rừng Tây Bắc, đủ làm xiêu lòng du khách.

Tôi cứ canh cánh bên lòng khi đặt chân lên cầu Trắng và nhìn xuống dòng Nậm La quen thuộc. Hỡi ôi, con suối mà hồi nào các chính trị phạm nhà tù Sơn La thường xuống đội nước về cho cả trại dùng, một công việc vô cùng nặng nhọc nhưng ai cũng mong được cai tù cắt cử đi chỉ cốt được tranh thủ tắm rửa, trút bớt những dơ bẩn sau nhiều ngày đằng đẵng bị cầm cố trong ngục tối, giờ đã trở nên cộm mắt thế này sao? Đích thực là dòng thoát nước thải cho cả thành phố đông dân đang cựa quậy trong một thung lũng chật hẹp! Còn đâu hình ảnh nên thơ các cô gái Thái chiều hè đi nương về gặp suối thì rối rít nâng váy lội qua cùng những tiếng cười rúc rích; khi tắm thường lựa chỗ nước hơi sâu để ngồi xổm xuống, váy cất lên đỉnh đầu, đùi khép lại, khiến con chim bay qua giật mình rơi tiếng hót? Những lệ tục của người Thái đang được lớp trẻ ngày nay ứng xử khá linh hoạt. Hủ tục phải bớt đi, bỏ đi là chuyện bình thường, song mấy ai để ý trong cái bị đào thải kia thì có bao nhiêu phần trăm hàm lượng văn hóa cổ của dân tộc bị mất theo và để lộ ra một khoảng trống không dễ bù lấp cho cái mới còn èo uột hoặc chưa kịp định hình?

Ông ý tứ bày ra trước mặt tôi cóm khẩu đầy chặt cơm gạo ma tứn thơm ngậy, ít thịt thú rừng. Ông cắm vào lọ hoa bên cửa sổ chùm hoa ban tươi ròng, toát ra một thứ hương mơ hồ ngọt dịu. Hoa ban lúc nào cũng ngời trắng một vẻ đẹp tự nhiên, chẳng khớp chút nào với cái màu trắng bất đắc dĩ trên mái đầu của một kẻ cao niên như tôi, cho dù cả hai cùng là sản phẩm của tạo hóa!

- Đây là rau ban "đồ",- ông Sinh nói và mở gói lá chuối ra,- món khoái khẩu đó.

Tôi trộm nghĩ: Chính ông già này đang chấm phá cho hoa ban một nét điệu đà đáng yêu, góp thêm một ví dụ sinh động về sự làm đẹp, làm sang cho cuộc sống của con người nhờ tự nhiên. Ông kể rằng, cái ngày vợ chồng ông về ở với nhau dưới một mái sàn thì chỉ có hai bàn tay trắng, nhiều bữa phải ăn rau ban "đồ" thay cơm. Ai biết, hoa ban còn là một thứ thuốc chữa được đủ các thứ bệnh?

Bạn đời của ông, người có nước da trắng hơn cả hoa ban trắng, đã từng bỏ bản, bỏ mường theo gã trai người Kinh mà mình yêu từ lúc biết dành tóc làm độn chỉ vì chàng "thấy tiền không màng, thấy vàng không tận", tiết lộ: Ông đã từng có ý đổi họ Trần của mình sang họ Cầm của vợ cho thêm tình cảm thì không ngờ lại bị bà chất vấn: "Ông lấy tôi hay là lấy cái họ Cầm danh giá của tôi?"

Ông Sinh còn nhiều điều muốn giãi bày lắm. Chuyện cô con gái rượu của ông cũng là một đề tài nóng hổi.

- Cô cháu gái Trần Cầm Dước của ông sắp ra trường rồi nhỉ?- Tôi hỏi.

- Cháu chuẩn bị bảo vệ luận án tốt nghiệp về tác phẩm Xống chụ xôn xao, một truyện thơ tình nổi tiếng của dân tộc Thái chúng tôi.- Một lần nữa ông Sinh lại chứng tỏ mình là người có tầm hiểu biết rộng. Số cử nhân là nữ người dân tộc thiểu số chưa nhiều lắm đâu.

- Khá khen cháu đã chọn được một đề tài thiết thực và cái chính là nó phù hợp với chỗ đứng của cháu.

- Tôi đang động viên cháu học xong thì xin về phục vụ tỉnh nhà.

Nhà văn Nguyễn Văn Toại

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh