Lên với đồng bào Ma Coong và A Rem
- Dược liệu
- 14:21 - 20/03/2016
Gặp lại ông Đinh Hợp, người Ma Coong là Chủ tịch xã Thượng Trạch khi ông vừa đi kiểm tra tình hình đời sống ở các bản trở về. Ông cho biết từ sau Tết Bính Thân đời sống bà con khá ổn định, cả xã không có hộ nào thiếu đói.
Với diện tích tự nhiên lên đến 70 nghìn cây số vuông, nhưng dân số xã Thượng Trạch chỉ 535 hộ với 2.488 khẩu, đều là người Ma Coong. Họ quần tụ, định canh định cư tại 18 bản trải khắp một vùng núi rừng rộng lớn dọc biên giới Việt-Lào. Trong số đó có một số bản nằm cạnh tuyến đường 20 đi lại khá thuận lợi, đời sống cũng khá hơn các bản xa.
Thế hệ trẻ người A Rem.
Ông Đinh Hợp tâm sự, những năm qua nhờ sự đầu tư của Nhà nước, người Ma Coong Thượng Trạch không còn lo đi lại khó khăn như trước đây nữa, ốm đau đã có trạm xá gần nhà. Trong năm 2015, cả xã làm được 280ha lúa rẫy, 0,8ha lúa nước và các loại cây khác như ngô, sắn 60ha...
Về chăn nuôi, đàn trâu, bò 1.421 con, đàn lợn 1.357 con và 3.500 con gia cầm. Nhìn chung, sản xuất năm 2015 không thuận lợi, tổng diện tích và năng suất đều giảm so với các năm trước do thời tiết hạn hán kéo dài. Chăn nuôi cũng khó khăn, trâu bò thả rông bị bệnh chết tương đối nhiều. Hai năm nay bà con ở đây không được hỗ trợ bò giống để nuôi nên tổng đàn có chiều hướng giảm mạnh.
Với tôi và nhiều người biết đến ông Đinh Hợp, không phải do ông làm 3 nhiệm kỳ Chủ tịch UBND xã mà ông là một điển hình làm kinh tế giỏi được lên nhiều diễn đàn ở tỉnh, ở huyện. Ông là người nuôi nhiều trâu bò, trồng nhiều cao su và keo lai nhất trong các hộ dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn. Hiện tại gia đình ông có đàn trâu bò 45 con, được tiêm phòng chu đáo nên không bị chết bệnh, chết rét như các hộ trong bản.
Qua tìm hiểu được biết, mấy năm qua bà con trong xã được sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, đã tiến hành giao đất, giao khoán bảo vệ rừng cộng đồng cho 7 bản với 1.300 ha và gần 200ha rừng khoanh nuôi tái sinh, nhờ vậy người dân có nguồn thu nhập đáng kể, ổn định cuộc sống quanh năm.
Đại úy Trương Tấn Hợp, Bộ đội biên phòng cắm bản Cà Roòng 2 cho chúng tôi biết thêm, bà con Ma Coong đã loại bỏ nhiều tập tục lạc hậu, đời sống văn hóa tinh thần đang từng ngày khởi sắc. Năm nào bà con cũng tổ chức đều đặn Lễ Hội đập trống và duy trì phong trào bóng đá giao lưu các bản rất sôi nổi. Tại trung tâm xã có một sân bóng đá có thể nói là "khá lý tưởng" so với vùng miền núi. Thời điểm chúng tôi có mặt ở đây vào giữa trưa mà vẫn có rất đông thanh thiếu niên say sưa đá bóng, trong tiếng reo hò cổ vũ của bà con dân bản.
Rời Thượng Trạch, sau gần 40 phút ô tô đã đưa chúng tôi xuôi về đến trung tâm Tân Trạch. Dân số xã Tân Trạch chỉ khoảng 1/3 so với Thượng Trạch và chủ yếu là người A Rem, quần tụ tại 2 bản (bản 39 và bản Đoòng).
Qua câu chuyện với Bí thư chi bộ xã Nguyễn Chí Sỹ, là cán bộ luân chuyển được biết, xã Tân Trạch nằm trọn trong vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, diện tích canh tác ít ỏi, điều kiện sản xuất rất khó khăn, đời sống bà con dân tộc thiểu số còn nghèo nàn, lạc hậuBí thư Sỹ phác qua bức tranh kinh tế, xã hội của xã: hiện tại xã có 98 hộ với 365 nhân khẩu sinh sống ở bản Arem (88 hộ) và bản Đoòng (10 hộ).
Năm 2015, tổng diện tích cây trồng toàn xã 50ha; trong đó, lúa rẫy 30ha, ngô 10ha và các loại cây trồng khác 10ha. Tuy nhiên, do tình hình hạn hán kéo dài nên người dân chỉ thu hoạch được 30% diện tích.Tổng đàn gia súc có 200 con bò và 150 con lợn. Bà con hợp đồng với Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng nhận chăm sóc 4.000 ha rừng với số tiền trên 400 triệu đồng, UBND xã mua gạo cất trữ, hàng tháng cấp phát định kỳ cho đồng bào. Hàng quý các hộ được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ và gạo bảo vệ rừng, nên không có hộ nào thiếu đói. Tài sản lớn nhất của xã là 7 ha huê trồng gần 15 năm nay đang được chăm sóc bảo vệ tốt.
Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ngành, xã làm thêm 16 nhà diện 167, trị giá 43 triệu đồng/nhà; bê tông hóa trên 1km đường giao thông; công trình nước sạch hơn 1 tỷ đồng và hệ thống điện mặt trời do Hàn Quốc hỗ trợ đã đưa vào sử dụng. Đặc biệt, thầy và trò nhà trường Tân Trạch được Nhà nước đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng khu nhà 2 tầng khang trang với 8 phòng học hiện đại, thu hút trên 90% học sinh trong độ tuổi đến trường.
Một góc bản Arem (bản 39).
Chúng tôi thăm bản đồng bào A Rem (còn gọi là bản 39) nằm ngay trung tâm xã. Đời sống bản A Rem đã lật sang một trang mới, khi toàn bộ 42 ngôi nhà sàn kiên cố mái tôn đỏ thắm của bản được thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây tặng năm 2004. Nhờ vậy mà bản 39 đã trở thành một bản dân tộc thiểu số kiểu mẫu trên dãy Trường Sơn.
Theo ông Chủ tịch UBND xã Đinh Lầu thì nhà ở, đường sá, trường học đã hoàn thiện rồi, nhưng cuộc sống của bà con còn vất vả nhiều lắm!. Ông tâm sự: tất cả bà con dân bản đều trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước. Tập quán canh tác dựa hoàn toàn vào rừng nhưng giờ rừng đã là của di sản. Nhiều hộ dân đi xa tìm đất phát rẫy trồng sắn, trồng ngô. Cây lúa rẫy, cây ngô, cây sắn cũng nhờ trời, năm vừa rồi hạn nặng nên thu hoạch chỉ được một nửa. Riêng cây ngô bị các đàn khỉ kéo về phá hoại gần hết, không thu được gì.
Gợi ý về hướng đi lên của bà con A Rem, có lần ông Nguyễn Châu Á, Tổng giám đốc Công ty lữ hành quốc tế Oxalis (Chua Me Đất) đơn vị khai thác các hang động ở đây cho hay, sự hấp dẫn của người A Rem đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia và đơn vị ông bước đầu đã có khảo sát để xin phép xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm cuộc sống của tộc người này. Người A Rem cần cù, thật thà, những giá trị mà họ giữ lại trong cách sinh hoạt xa xưa được làm du lịch bền vững, chắc chắn bà con sẽ có cuộc sống tốt hơn.
Đối với 10 hộ ở bản Đoòng, chính quyền cần vận động bà con ra khỏi vùng lõi là cách tốt nhất để giúp họ phát triển sản xuất, vừa bảo vệ tốt di sản. Nếu không được, thì có thể vận động các doanh nghiệp du lịch đầu tư mô hình du lịch trải nghiệm cuộc sống của tộc người này. Xây dựng ở bản này các ngôi nhà sàn, bảo tồn nét sinh hoạt, văn hóa các tộc người trên dãy Trường Sơn để thu hút du khách.