THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:14

Lên Điện Biên ăn rau ban, uống rượu sâu

 

Hoa ban- bản sắc văn hóa ẩm thực Điện Biên

Hoa ban, loài hoa trắng xinh là biểu tượng cho vùng đất Tây Bắc và là đặc trưng cho mảnh đất Điện Biên. Ai lên Điện Biên tháng 2, tháng 3 đều say mê sự mỏng manh, yêu kiều và quyến rũ của hoa ban. Với người dân Tây Bắc, hoa ban không chỉ là một loài hoa đẹp, có vai trò quan trọng trong đời sống vật chất, tinh thần của họ mà còn là loài hoa thể hiện độc đáo bản sắc văn hóa ẩm thực dân tộc.

 

Những bông hoa ban trắng ngần hay phơn phớt tím hồng dịu dàng, e ấp ấy qua tay người phụ nữ dân tộc Thái lại trở thành những món ngon đến lạ kì.

Hoa ban ở Ðiện Biên có nhiều loại: ban tím, ban trắng, nhưng nhiều nhất vẫn là ban trắng. Những người phụ nữ Thái thường hái hoa đem bán ở chợ như một thứ rau sạch hoặc mang về nhà chế biến thành những món ăn độc đáo, rất ngon và dễ ăn.

Sau khi hái hoa ban về, người ta nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa thật nhẹ nhàng. Sau đó chần qua nước nóng, để thật ráo nước rồi vò nát và chế biến thành các món xôi, món hoa ban hầm móng giò, hoa ban nộm củ riềng,…

Trong những món ăn được chế biến từ hoa ban, món hoa ban đồ chõ xôi là một món ăn thông dụng, thường thấy trong gia đình người Thái. Người ta thường chọn những bông hoa mới nở, rửa sạch, sau đó cho vào chõ đồ xôi đã chín.

 

Hoa ban là món ăn quen thuộc với người Tây Bắc.

Hoa ban đồ khi ăn chấm kèm với chẩm chéo (một gia vị truyền thống của dân tộc Thái). Nước chấm được chế biến từ quả nhót chín. Mùa ban nở rộ cũng là mùa nhót chín đỏ trên cây, người Thái hái quả nhót chín giã lấy nước trộn với một chút muối, ớt, mì chính, tỏi làm thành thứ nước chấm hoa ban đồ.

Hoa ban cũng là nguyên liệu chính để làm nên món nộm riềng độc đáo. Nộm riềng hoa ban không giống nộm vùng miền khác thường có lạc, chanh và vị chua mà gia vị trộn nộm hoa ban nhất thiết phải có một loại tương ủ lên men của dân tộc Thái và riềng giã nhỏ.

Hoa ban trong công đoạn sơ chế.

Hoa ban sau khi luộc kĩ cho hết chát, để nguội sẽ trộn với tương, riềng, các gia vị và thịt cá suối nướng, nêm cho vừa miệng. Với cách chế biến cầu kì, nộm hoa ban thường được làm khi nhà có khách quý.

Măng nộm hoa ban cũng là một món ăn không thể bỏ qua nếu du khách có cơ hội ghé qua Tây Bắc.

Đây là một món ăn có chứa đủ vị: đắng, chua, cay, mặn, ngọt, bùi.

Măng đắng xắt nhỏ ngâm nước muối 30 phút sau đó luộc 2 lần rồi vớt ra để ráo. Hoa ban cần chọn những bông tươi, ngắt lấy những cánh hoa dày để dùng. Tiếp theo cần chọn được một con cá suối tươi ngon, mình dày, đem nướng trên than củi, gỡ lấy thịt.

Sau đó pha hỗn hợp nước trộn chanh, tỏi, ớt, rau húng và rau mùi đã thái nhỏ. Cuối cùng trộn nhẹ nhàng đều tay măng, hoa ban, cá và nước trộn. Tất cả hòa quyện tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng.

Gắp từng miếng nộm, du khách cảm nhận được vị đậm đà, thơm nồng của cá nướng, vị bùi bùi, ngậy ngậy của hoa ban, và vị đăng đắng của măng tươi.

Cũng như các loại rau khác, trong hoa ban và lá ban non chứa rất nhiều chất vi-ta-min, chất xơ và một số chất khác có ích cho cơ thể con người. Các món ăn được chế biến từ hoa ban không chỉ là những món ăn ngon mà nó còn có tác dụng điều trị bệnh đường ruột và giúp giải nhiệt cơ thể.

Rượu sâu chít

Sâu chít là ấu trùng sống trong thân cây chít hay cây đót, cây le vào mùa đông. Sâu dài khoảng 35mm. Để biết cây nào có sâu chít , người thu hái sẽ lựa chọn những cây có dấu hiệu bệnh, không thể ra hoa.

Người dân bắt sâu chít bằng cách “chẻ” đôi ngọn chít để moi sâu ra. Những con sâu chít tươi rói có màu trắng sữa, căng mọng sau khi được lấy ra thường được thả trong chậu rượu nhạt. Thứ rượu ấy sẽ giữ cho sâu không bị biến chất.

Ngoài cách sử dụng phổ biến nhất là ngâm rượu uống, sâu chít có thể sao khô, nấu cháo.

Thường người dân thu hoạch sâu chít vào tháng 11 – 12 hàng năm. Tuy nhiên, các tháng khác không phải mùa thu hoạch chính nhưng cũng có nhiều sâu chít, bởi chúng hợp với vùng đất này và sinh trưởng tự nhiên, phát triển tốt…

Người Điện Biên ngâm rượu sâu chít tương đối đơn giản. Sâu sau khi làm sạch các tạp vật, cho sâu vào bình rồi đổ rượu lên, thế là xong. Sau một thời gian, rượu sâu chít lên màu vàng đục, không đẹp như nước rượu rắn nhưng trông cũng bắt mắt vô cùng. Rượu sâu chít mới nhìn thì thấy cũng bình thường như các thứ rượu gạo vốn có.

Đặc sản rượu sâu chít Tây Bắc.

Đối với người dân Tây Bắc, sâu chít là niềm tự hào về sản vật đặc biệt của địa phương mình. Sâu chít chính là một trong những đặc sản thiên nhiên “có một không hai” chỉ có ở một số vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La.

Số liệu khảo cứu cho thấy, sâu chít có hàm lượng protein cao, cùng thành phần axit amin được xác định lên đến 17/20 loại cần cho cơ thể con người. Vì vậy, ở Điện Biện và các vùng Tây Bắc hiện nay rượu sâu chít và thịt sâu chít là những thứ được tiêu thụ mạnh cho khách miền xuôi.

Rượu sâu chít có tác dụng tốt với cả nam giới lẫn nữ... Thịt sâu chít vốn là món tăng cường sinh lực không chỉ dành cho cánh đàn ông mà với cách chế biến phù hợp, sâu chít còn giúp cải thiện da và sức khỏe phụ nữ, cho những người thể trạng yếu.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh