Lee Nguyễn: 'Việt Nam xem cầu thủ như trẻ con'
- Văn hóa - Giải trí
- 19:37 - 13/11/2015
Lee Nguyễn hứa có ngày trở về Việt Nam. Ảnh: Đức Đồng.
- Quãng thời gian thi đấu ở V-League trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai rồi Bình Dương để lại cho anh những nghĩ suy gì?
- Lúc mới đến Việt Nam đầu năm 2009, tôi cũng không hình dung được mức độ săn đón mọi người dành cho mình. Đi đâu và làm gì cũng là tâm điểm chú ý. Và sự quan tâm quá mức đó cũng được thể hiện ngay trong sân cỏ, khi tôi luôn được các đối thủ "chăm sóc" đặc biệt.
Khi chơi bóng ở Hà Lan rồi Đan Mạch, do kỹ năng cá nhân của cầu thủ chuyên nghiệp bên đó đã thành chuẩn mực nên yêu cầu tuân thủ chiến thuật được đặt lên hàng đầu. Ở Mỹ, vấn đề thể lực, tranh chấp lại quan trọng. Còn ở Việt Nam, cầu thủ có thiên hướng chơi bóng kỹ thuật nhưng nói thật là tôi gần như không có chút không gian trống nào cả, cứ hết cầu thủ này đến cầu thủ khác ập đến. Vì vậy, tôi buộc phải quan sát và xử lý rất nhanh các tình huống trên sân.
Tuy nhiên tôi vẫn tâm niệm rằng thời gian đá bóng ở Việt Nam rất hữu ích cho mình khi quay lại Mỹ. Ở đó tôi học được cách trở thành thủ lĩnh của đội bóng, biết chịu nhiều áp lực khi cả đội trông chờ vào mình. Không bao giờ có sự trải nghiệm thực tế nào là vô nghĩa, tôi đã học và biết cách dẫn dắt đồng đội vượt qua những khó khăn nhờ thời gian thi đấu ở Việt Nam.
- Được trải nghiệm ở nhiều nền bóng đá khác nhau, đỉnh cao như Hà Lan hoặc tầm trung như Đan Mạch và hiện tại là Mỹ, anh so sánh thế nào về trình độ bóng đá ở Việt Nam?
- Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn, báo chí Mỹ có tỏ ý nghi ngờ năng lực cầu thủ Việt Nam. Ngay lập tức tôi cảnh báo rằng cầu thủ Việt Nam rất nhanh nhẹn, tinh quái và đa số đều có đôi chân khéo léo. Đá bóng ở V-League không phải là chuyện dễ dàng, và phải là những cầu thủ ngoại quốc từng trải nghiệm thì mới biết được. Nói chung ở Việt Nam, người ta khá chuộng các cầu thủ chơi bóng kiểu Brazil.
Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề chiến thuật của các cầu thủ Việt Nam cũng như giải V-League còn lạc hậu nên các HLV ngoại quốc khó thành công khi đến đây. Ví dụ như HLV Ricardo Formosinho (Bồ Đào Nha) - từng huấn luyện Đồng Tâm Long An và Bình Dương. Ông ấy có phương pháp và giáo án hiện đại hơn hẳn những HLV nội mà tôi từng làm việc như HLV Đặng Trần Chỉnh, nhưng không thể tìm được thành công.
Lee Nguyễn không cho rằng ,V-League là sân chơi bạo lực, nhưng không hài lòng về công tác trọng tài.
- Đối với đa phần người hâm mộ bóng đá Việt Nam, V-League rất xấu xí, cầu thủ thi đấu bạo lực, trọng tài yếu kém. Cá nhân anh thấy nhận xét này thế nào?
- Đúng là thời còn đá ở Việt Nam, tôi nghĩ trọng tài là vấn đề lớn nhất. Họ bắt khá khó hiểu và thường xuyên bỏ qua các pha phạm lỗi thô bạo nên rất khó khăn cho những cầu thủ tấn công như tôi. Tôi luôn nghĩ rằng một giải đấu muốn tốt thì trọng tài phải tốt.
Tuy nhiên tôi không cho rằng cầu thủ Việt Nam đá quá bạo lực. Bạo lực hay không là do cách trọng tài điều hành. Nếu so về độ mạnh của các pha vào bóng thì các hậu vệ ở Mỹ còn dữ dội hơn, đau hơn ở Việt Nam, nhưng chỉ cần họ ác ý thì trọng tài sẽ trừng phạt ngay. Bản thân tôi cũng từng bị thẻ đỏ ở MLS chỉ vì trọng tài nhận định rằng tôi có ý định trả đũa đối phương.
- Cuộc sống ở Việt Nam thì sao?
- Các CLB ở Việt Nam đa phần quản lý cầu thủ tập trung cả ngày theo kiểu trại lính. Tôi từng rất ngạc nhiên về điều này. Hồi tôi còn đá cho HAGL, ngay cả việc cầu thủ đi ngủ giờ nào, phải thức dậy lúc nào và bước vào bàn ăn sáng cũng đều có Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Vinh nhắc nhở như "gọi đò". Vì buồn cười với cách xem cầu thủ như trẻ con này nên có lần tôi xuống ăn sáng nhưng giả vờ ngáp lên ngáp xuống trên bàn ăn để trêu đùa. Nhưng không ngờ sau đó ông ấy đem chuyện này mách với lãnh đạo HAGL rằng: "Lee Nguyễn ham chơi đêm nên ăn sáng mà vẫn ngủ gật".
Tuy nhiên sau một thời gian dài sống tại Pleiku rồi chuyển xuống chơi cho Bình Dương, tôi nhận ra rằng việc quản lý cầu thủ kiểu trại lính là điều cần được thông cảm với hoàn cảnh bóng đá Việt Nam. Lãnh đạo đội Bình Dương từng bật đèn xanh để cầu thủ sinh hoạt tự túc ở nhà sau giờ tập luyện, nhưng kiểu "chuyên nghiệp giống Tây" này đã thất bại nên họ đành trở lại với cách "nhốt quân".
- Điều gì khiến anh cảm thấy chưa hài lòng khi thi đấu ở Việt Nam?
- Tôi tiếc là chưa có danh hiệu vô địch dù đã có thời điểm HAGL và Bình Dương chơi rất hay. Chúng tôi không duy trì được phong độ cao cho đến khi mùa giải kết thúc.
Với Lee Nguyễn, V-League vẫn là một bài học và là nơi lưu dấu nhiều kỷ niệm đẹp với anh dù không thành công về mặt danh hiệu.
- Anh cảm nhận thế nào về tình yêu bóng đá của người dân quê cha đất mẹ?
- Tôi luôn xúc động khi nghĩ về tình yêu bóng đá của người dân nơi đây. Hồi còn đá ở HAGL, có lúc trận đấu vừa kết thúc, tôi chưa kịp làm gì thì cả chục em nhỏ đã nhảy vào sờ khắp người rồi giành nhau xin áo, lấy túi xách và miếng bịt ống quyển để làm kỷ niệm. Từ cổng sân đi đến xe búyt chở đội bóng chỉ có 20 mét thôi nhưng các anh bảo vệ phải mất đến chục phút dọn đường tôi mới lên được xe.
Nếu được nói gì đó, thông qua VnExpress, tôi muốn nhắn rằng tôi rất nhớ các CĐV ở Việt Nam. Họ thật dễ thương, say mê bóng đá. Thật hạnh phúc cho những cầu thủ nào nhận được tình yêu bóng đá cuồng nhiệt như vậy. Tôi luôn kể cho các đồng nghiệp của tôi tại MLS về các CĐV ở Việt Nam. Chính vì vậy, tôi luôn có ý nghĩ rồi một ngày nào đó sẽ quay trở lại nơi này.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?
Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc