THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:11

Lễ Xên mường - Điềm lành ngày xuân mong đợi

Dần dần, Xên mường trở thành một lễ hội độc đáo của tộc người Thái đen, diễn ra liên tục trong 5 ngày, vào tiết xuân, tức khoảng tháng 2-3 theo lịch âm của người Kinh.

Lễ Xên mường càng ngày càng phát triển theo hướng ổn định và được tổ chức đều đặn với 7 đông xên ở 4 chiềng (bản trung tâm) là Chiềng Lề, Chiềng Chăn, Chiềng On, Chiềng Xôm.

 Đây không chỉ là hội chơi theo nghĩa đen mà cao hơn thế, nó thể hiện sự tri ân, đạo lý ăn ở có trước có sau của con người với đất - trời, của thế hệ cháu con đối với cha ông họ trong việc xây dựng bản mường và gìn giữ cuộc sống lao động bình yên.

Lễ hội có 2 phần. Phần lễ được hình thành theo năm bước và phần hai, phần chính, gồm nhiều tiết mục văn hóa, văn nghệ in đậm những nét đẹp tiềm ẩn của núi rừng Tây Bắc. Trong năm bước hành lễ thì bước thứ ba, bước quan trọng, được tiến hành tại đông xên (rừng cúng).

Đông xên lấy gốc cây to làm chuẩn, sạp dựng hướng tây. Việc chọn hướng hành lễ này có ý nghĩa sâu xa về mặt tâm linh: Con dân sống bằng nghề làm lúa nước phải luôn được sống bằng an, làm ăn thì găp mưa thuận, gió hòa.

Đến đây, thầy mo xuất hiện. Thầy là nhân vật chính xướng bài “khún khuông” đuổi lũ tà ma cuốn xéo khỏi nơi hành lễ.

Sau đó, thầy vảy nước thơm vào đám người chuẩn bị lễ, miệng lẩm nhẩm khấn, trong đó có những lời nhắc nhở khéo: "Bỏ luật, bản sẽ lụi - Bỏ lệ, mường sẽ úa - Đừng biến đông xên thành đất gieo trồng, đất ở - Người thực bụng sẽ sống lâu, thọ lâu". Rồi, thầy cùng chủ lễ tay vãi hạt thóc, vãi hạt bông, miệng xướng:

Vãi hạt thóc, hạt bông cho nảy mầm lá xanh mượt

Thóc gạo theo về chất đầy bồ

Làm nương thành nương lúa bông to

Làm ruộng thành ruộng lúa bông dày nặng trĩu

Làm nương bông nở trắng sao trời.Lễ Xên mường - điềm lành ngày xuân mong đợi

Bài xướng của thầy mo mời các thần linh Mường trời về hưởng lộc khác nào bản trường ca đầy chất trữ tình với những nội dung cầu chúc tốt lành vô cùng phong phú khiến người nghe cứ muốn nghe mãi: "Ăn cả miếng cau khô khéo bổ - Miếng trầu ngon khéo têm".

Đông xên sau khi đã làm lễ thì nghiễm nhiên trở thành nơi linh thiêng của bản mường, không ai dám lai vãng tới.

Cần lưu ý rằng, trong lễ đánh trống khai hội, bên cạnh các trò chơi dân gian như kéo co (bằng dây mây), trèo cây trơn (trò leo cột mỡ), đi cà kheo, đánh quay, đẩy gậy, bắn nỏ... còn có trò ném còn của nam thanh nữ tú vô cùng cuốn hút.

Không chơi ném còn bất thành lễ hội. Khi chủ lễ tung 12 quả còn (tượng trưng 12 tháng) vào giữa đám đông, ai nấy nhanh tay nhặt lấy một quả (bằng vải thổ cẩm, bọc những hạt bông lèn chặt) rồi tản về hai phía của cây còn để chọn khoảng cách thích hợp ném sao cho còn bay qua vòng tròn trên cột cao đến 11 mét.

Thật không dễ! Không ít người phải bỏ cuộc. Giải thưởng cho người ném trúng đích không lớn nhưng rất có ý nghĩa về mặt tinh thần: Bản thân và gia đình sẽ được thần linh phù trợ vạn sự tốt lành.

Còn lời nào đẹp hơn khi cô gái Thái nổi bật với bộ váy lụa dài nhuộm chàm, trang phục áo ngắn (xửa cỏm) có hàng cúc bạc lóng lánh tạo eo lưng con tò vò thêm tấm thổ cẩm rộng chừng ba bốn mươi phân quàng hơi lệch chéo sang một bên, tình tứ khoe:

 "Em úp tay trái nở hoa đào - Ngửa tay phải thành hoa Mường Hỏ". Tiếp theo là những lời ca đắm đuối của chàng trai có gương mặt thanh tú nhảy theo điệu khèn không ngớt vang lên:

Còn rơi khỏi tay em, anh xin khăn piêu

Còn tụt khỏi tay em, anh xin áo

Yêu nhau cùng cây còn của bản đừng lụi

Thương nhau cùng cây còn của mường đừng tàn

Cho thành duyên khăng khít qua lại, em hỡi!

Những người cao tuổi bỗng rơm rớm nước mắt khi chợt thấy quả còn như được tiếp sức bay cao hơn, lượn xa hơn. Kết thúc tiếng trống, mọi người kéo lên nhà ông chủ lễ cùng nâng bát rượu đầy cầu ngày vui đông xên mãi mãi trường tồn, mừng dân Mường mỗi năm một làm ăn tấn tới.

Lễ hội Xên mường là một lệ tục đẹp hiếm gặp của người Thái đen ở khu vực Mường Then - Mường của các Then = Thượng đế, thần linh, thuộc huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên ngày nay.

Hàng năm, mỗi mùa xuân đến, tộc người ở vùng đất lịch sử này lại được đắm mình trong không khí lễ hội tâm linh, một lễ hội truyền thống chứa đựng những triết lý nhân sinh về đời sống, về văn hóa, phong tục, về nghi lễ.

Hy vọng, trong một tương lai không xa, lễ hội Xên mường sẽ được khôi phục với một quy mô lớn hơn, quy củ hơn và có sức hấp dẫn cả với du khách đường xa.

Nhà văn Nguyễn Văn Toại

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh