THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:52

Lễ thiêng giữ rừng của người Mông nơi đại ngàn Si Ma Cai

 

Ở rẻo cao Si Ma Cai, nơi “mở mắt đã thấy mây đong đầy trong mắt”, người Mông rất có ý thức bảo vệ rừng thông qua lễ cúng rừng hằng năm hay còn gọi là “nào nồng” hoặc “nồng sang”. Đồng bào quan niệm, thần rừng có vai trò quan trọng trong đời sống của họ, là nơi che chở cho cuộc sống con người. Do vậy, muốn có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tránh được tai ương, vận hạn thì phải làm lễ cúng thần rừng.

 

 

Tại khu rừng “cấm” của thôn Lùng Sán, nghi lễ cúng rừng được tổ chức vào ngày Thìn đầu tiên của tháng 6 âm lịch hàng năm vì đồng bào quan niệm ngày Thìn là ngày đẹp nhất, vượng khí tốt nhất, cúng vào ngày này sẽ đảm bảo “cầu được, ước thấy”.

Người Mông tổ chức nghi lễ cúng rừng với mong muốn cầu cho làng bản được bình yên, mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc. Các giống vật nuôi được sinh sôi phát triển, mùa màng bội thu, nguồn nước đủ cho sinh hoạt và sản xuất. Tưởng nhớ công lao những người có công giữ gìn sự bình yên của thôn bản, tri ân rừng thiêng, các vị thần linh, thần rừng phù hộ cho dân bản.

 

 

Theo các già làng, trưởng bản và lãnh đạo xã, lễ cúng rừng được tổ chức từ thời vua Tự Đức, do hai vị Tộc trưởng là Giàng Chẩn Mìn, Giàng Chẩn Hùng đứng lên làm lễ ăn thề tại khu rừng thôn Lùng Sán, nguyện chung sức cùng nhân dân đứng lên khởi nghĩa, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ làng bản, quê hương

Sau này, khi thực dân Pháp xâm chiếm Bắc Hà và Si Ma Cai, nghĩa quân của Tộc trưởng Giàng Chẩn Hùng đã liên kết với quân của các tộc trưởng khác đứng lên đánh giặc. Sau 8 năm, nghĩa quân đã làm chủ cả vùng Bắc Hà, Lùng Phình, Si Ma Cai.

 

 

Nghi lễ thiêng liêng giữ rừng

Khi mặt trời lên lúc sương chưa tan, các già làng, thanh niên, trai tráng trong thôn đã có mặt tại cây đa cổ thụ cạnh bìa rừng cấm, chuẩn bị cho nghi lễ thiêng liêng. Sau lễ cúng bằng gà, lợn, trâu còn sống, người dân sẽ hóa kiếp những con vật đó tại chỗ, lấy giấy tiền vàng nhúng tiết các con vật hiến tế để lên bàn thờ, rồi thực hiện nghi lễ cúng thịt chín, đây là lễ cúng chính.

Già làng Ly Seo Chùa cho biết, người Mông ở đây quan niệm, hóa kiếp con vật tại chỗ như vậy thì thần rừng và các vị thần linh mới nhận được linh hồn của vật hiến sinh. Sau khi mổ và cúng, sừng trâu, hàm lợn sẽ được đóng chặt lên gốc cây đa cổ thụ, nơi đặt bàn thờ thần rừng.

Khi làm lễ xong, các già làng, trưởng bản họp nhau lại để thực hiện một nghi thức đặc biệt quan trọng khác, đó là chọn ra số ngày cấm bản. Lúc này, trong căn lán nghi ngút khói hương dưới bóng đa cổ thụ, những trai tráng trong thôn được sự cho phép của thầy cúng đã nhanh tay rút 4 chiếc lưỡi gà và 4 cặp xương đùi gà từ những con gà luộc được hiến tế thần linh, sau đó dùng những chiếc tăm nhỏ cắm vào xương đùi gà. Các già làng, trưởng bản, người có uy tín cùng chụm đầu bàn bạc xem những dấu hiệu đặc biệt trên xương đùi gà, lưỡi gà để dự đoán điềm tốt – xấu, chuyện lành – dữ của thôn trong thời gian tới.

 

Ông Hảng Seo Toán, Chủ tịch UBND xã Lùng Sui cho biết, theo quy ước từ xa xưa, ai vi phạm, vào rừng chặt cây xanh thì căn cứ vào độ lớn của cây hay của người đó mà phải mua lợn tương ứng cùng rượu, gạo, rồi mời thầy cúng làm lễ tạ tội với thần linh vào ngày cúng rừng năm sau. Trong đời sống tâm linh của đồng bào Mông ở xã Lùng Sui luôn tồn tại những truyền thuyết cổ xưa, những câu chuyện huyền bí về sự linh thiêng của khu rừng cấm. Người dân luôn tin tưởng có thần rừng cai quản và che chở, phù hộ nên đã từ rất lâu, những khu rừng cấm linh thiêng không ai dám vào chặt cây, lấy củi.

Điều đặc biệt của lễ cúng rừng là dịp họp thôn và bàn bạc thống nhất quy ước bảo vệ rừng và gắn kết cộng đồng các dân tộc trong thôn; vận động nhân dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn; các hộ dân trong thôn không được thả rông gia súc phá hoại hoa màu; không vi phạm các quy ước thôn bản như không vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, không tổ chức cưới tảo hôn; đặc biệt là hương ước bảo vệ rừng. Sau phần lễ cúng và lễ dâng hương trang trọng, trưởng 8 thôn, bản trên địa bàn xã Lùng Sui đã cùng ký cam kết bảo vệ rừng, sau đó, lãnh đạo huyện Si Ma Cai và đông đảo bà con trong thôn, bản cùng nhau trồng cây mới để rừng mãi thêm xanh.

Nhờ tập tục “trọng rừng” nên đến nay nhiều cánh rừng của người Mông ở thôn Lùng Sán hầu như còn nguyên vẹn. Già làng Ly Seo Chùa còn cho biết thêm, rừng cấm thôn Lùng Sán là khu rừng cổ xưa nhất ở khu vực Si Ma Cai còn lại đến bây giờ. Đây chính là nơi hai Tộc trưởng Giàng Chẩn Mìn và Giàng Chẩn Hùng đứng lên làm lễ ăn thề đánh giặc ngoại xâm bảo vệ dân làng, cũng là nơi có những cây đa, cây nghiến hàng trăm năm tuổi.

Hiện nay, tại khu rừng cấm thôn Lùng Sán vẫn còn 4 cây nghiến cổ thụ, có tuổi đời từ 500 - 600 năm, thân cây mấy người ôm mới xuể, cao vượt hẳn so với các cây khác trong khu rừng, tỏa tán xanh tốt quanh năm, được bảo vệ nghiêm ngặt. Đó là nét đẹp trong văn hóa truyền thống ngàn đời của đồng bào Mông nơi đại ngàn Si Ma Cai cần được bảo tồn và phát huy.

Đức Long

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh