THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:16

Lê Thánh Tông với công cuộc chống tham nhũng

Thấu hiểu được vấn đề tham nhũng tồn tại trong chốn quan trường, nên trong 37 năm trị vì đất nước, để giải quyết vấn nạn quan tham, ông  đã đặt tiêu chí thực tài và liêm khiết hàng đầu trong khi bổ nhiệm các chức vụ từ thấp đến cao, đặc biệt là chức cao và chức giữ việc hình án. Trong cuốn “Sử di biên” có đoạn: “Dụ các quan trấn, huyện lựa chọn huyện lại trong nha môn của mình xem người nào tài giỏi, liêm khiết, quen thạo việc tấu sớ thì đặt mỗi nha một người thường xuyên để tiện làm việc”. (năm 1465).

Một điều đáng quan tâm nữa mà vị vua này áp dụng trong “đầu vào quan chức” thời ông là “Sai triều thần tiến cử quan cương trực biết trị kẻ gian tà” (năm 1467).  Ở những năm đầu trị vì, việc luân chuyển, bố trí quan lại được dựa vào sự liêm khiết và cương trực như “Phàm quan viên giữ việc biên viễn lam chướng, người nào biết hết lòng vỗ về thương yêu nhân dân, không nhũng nhiễu về việc thúc giục tô thuế mà thuế khóa vẫn được đủ số thì mãn hạn 6 năm chuẩn cho được đổi về chỗ thủy thổ lành”. (năm 1468)  hay  “Tháng 5 ra sắc chỉ rằng  những điển nào thanh liêm, cần mẫn thì được thanh chức bổ chức phó nhị” (năm 1472).

Điểm này thời nay trong ngành tư pháp vẫn áp dụng luân chuyển công tác thường xuyên để tránh tham nhũng và quen biết.Để tăng hiệu lực xử lý tội tham ô, hối lộ, thì ngoài sắc, Lê Thánh Tông đã đưa ra nhiều chỉ dụ, thể chế hóa thành luật, thành văn để quan lại và nhân dân tuân theo thi hành. Trong cuốn “Quốc triều luật” (hay còn gọi là Lê triều hình luật) Điều 42 có ghi: “Người dấu những đồ vật của công từ một quan tiền trở lên bị xử tội biếm, từ 10 quan tiền trở lên bị xử tội đồ, 20 quan tiền trở lên bị xử tội lưu, 50 quan tiền trở lên bị xử tội tử”. Khi luật được ban hành, không ít lần vua đã sa thải quan ăn hối lộ từ 10 quan tiền trở lên, có những quan viên bị pháp ty trị tội vì hạch sách tiền của dân chỉ  với 5 đồng trở lên...

Trong những vị quan đã từng bị vua Lê Thánh Tông xử phạt có vị Binh bộ Thượng thư Nguyễn Vĩnh Tích bị tịch thu thẻ bài vì nhận bạc đút lót và xin bậy bổng lộc cho một viên tổng tri.  Ở chế độ nào thì vấn đề bè phái luôn là vấn đề nan giải. Ở thời Lê Thánh Tông chuyện bè phái trong triều cũng là vấn đề lớn và là mối quan tâm nhất của ông. Để tìm giải pháp cho vấn đề này, vua  luôn chú ý đến đó là tránh bè phái, tránh dùng tình thâm che đậy và đề bạt kẻ bất tài mà bỏ sót người tài đức trong giới quan trường. Năm  1484 vua có sắc chỉ “Kể từ nay, quan các nha môn trong ngoài có bị khuyết, khi vâng mệnh bảo cử, người nào đã từng biết rõ người nào đó quả có tài năng, kiến thức, thanh liêm có thể bổ làm chức gì thì các quan khoa, đài cùng biên chép sổ rõ ràng. Sau này người được bảo cử có kẻ bỉ ổi, tham nhũng không làm được việc, làm quan không công trạng gì, thì phải tra xét xem viên quan nào đã bảo cử bậy kẻ ấy, tâu hặc lên để tra xét”. Đến năm 1489, vua ra một chiếu dụ mạnh hơn cho người bảo cử nâng cao trách nhiệm đồng thời tránh tiến cử trá hình, dựa vào để trục lợi cá nhân hoặc đưa người thân thích, kẻ tay chân bất tài... “Người nào dám vì tình riêng hay tiền bạc mà bảo cử không đúng thì Lục khoa và  giám sát ngự sử điều tra và tâu hoặc lên sẽ theo đúng luật trị tội”.

Bên cạnh đó, áp dụng chặt chẽ các quy chiếu năm 1488  “Nếu anh em ruột, anh em con chú, con bác, cô cậu ruột  thì chỉ cho một người làm xã trưởng,  anh em họ hàng không được cùng làm với nhau để tránh nạn đồng đảng phe cánh”...Ngoài việc xử phạt cũng như chế tài chống tham nhũng, bè phái thì những người có công lao đóng góp cho dân cho nước được Lê Thánh Tông quan tâm và ban phát bổng lộc, chế độ đãi ngộ rất lớn và tùy theo cấp bậc, chức vụ, vị trí đảm nhiệm. Vào năm 1477 vua đã định lệ cấp ruộng cho quan viên để có được nguồn hoa lợi  lo cho bản thân và gia đình, cách thức này nhằm các quan yên tâm về kinh tế gia đình mà chú tâm hơn đến phục vụ dân.

Song song đó, vua luôn dành ngân sách cho khen thưởng những tấm gương liêm khiết, ngay thẳng cương trực sống vì dân.Trong suốt 37 năm trị vì, Lê Thánh Tông đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để làm trong sạch đội ngũ quan lại dưới quyền, xây dựng chế độ chính trị vững chắc, đời sống người dân được bình yên và phát triển. Tất nhiên sự hiện diện của nạn “sâu dân, mọt nước” vẫn tồn tại. Nhưng việc chống tham nhũng của Lê Thánh Tông đã giảm thiểu, khống chế được vấn nạn đó, góp phần làm nên một thời Lê hưng thịnh. 

Thiên Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh