CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:52

Lễ săn “ông Lang”

 

Tương truyền, vị thần được thờ trong Nghè có tên là Hoàng Phó Lang, là viên quan thời Lê và cũng là người tri thức đầu tiên của làng nên trong lễ tế, rước nhất định phải chọn lợn đen tuyền (không có sợi lông trắng). Làng Tân Phượng đại bộ phận mang họ Hoàng, đây cũng chính là quê hương của viên Quận công Hoàng Ngũ Phúc - một võ tướng giỏi. Năm 1743, ông được cử làm thống lĩnh quân cơ đạo, ông đã dâng lên chúa Trịnh 12 điều quân pháp, được chúa chấp nhận và cho thi hành. Năm 1767 ông được tiến phong tước Công, năm 1770 tham gia việc đánh dẹp khởi nghĩa Lê Duy Mật ở Thanh Hoá.

Số lượng "ông Lang" tùy vào từng năm, nếu trong năm các gia đình trong làng làm ăn khấm khá, gặp may sẽ công đức nhiều. Năm 2014, có tới 7 "ông Lang" được người dân cung tiến. Để có "ông Lang" như ý, các gia đình tự nuôi từ lúc nhỏ, hoặc mua khi đã lớn nhưng được tuyển chọn kỹ lưỡng, cầu kỳ và phải là lợn đực đen tuyền mới được làng chấp nhận. Cụ Dương Ngọc Luyện, 86 tuổi, kể: Khi 17 tuổi cụ đã vinh dự được làng cử vào đội "xứ dốt" (chuyên đi săn lợn). Trước ngày lễ, làng cử ra một ban có trách nhiệm tìm lợn, có năm phải đi bộ cả tháng xuống Móng Cái, Hà Cối (Quảng Ninh) mua lợn nặng từ 1 đến 2 tạ chở bằng đường thủy về giao cho một gia đình chăm sóc trong cái cũi được sơn son thếp vàng, hàng tuần phải tắm nước gừng với rượu cho lợn, chờ đến ngày mở việc làng. Trước kia di chuyển lợn không được trói hoặc đưa vào cũi mà phải săn bộ. Ngày tế lễ làng mở hội hát ống, hát ví, chọi gà rộn ràng làng trên xóm dưới. Trước đây, làng có 2 giáp Đông và Đoài, mỗi giáp sẽ dâng một “ông Lang” tế ở nghè, khi đến nghè thì lợn của giáp nào sẽ chầu về giáp ấy. Dân làng đứng xung quanh, kèn thờ, trống hội thi nhau nổi lên cả ngày lẫn đêm. Thời kỳ chiến tranh tục lệ này bị mai một và đến những năm 90 thì được khôi phục, duy trì đến nay.

Ảnh trong bài: Lễ săn “ông Lang” của làng Tân Phượng.

Ngay từ sáng sớm ngày 12, những chú lợn đen được tắm rửa sạch sẽ, trang điểm rực rỡ đeo nơ và quàng dải lụa đỏ tập kết trước cổng làng. Đến giờ đẹp, ông chủ tế phát lệnh rước, nhạc lưu thủy nổi lên, trống dong, cờ mở, trai tráng khiêng kiệu và bát biểu, đoàn người già, trẻ nhỏ, nam thanh, nữ tú ăn vận rực rỡ, chỉnh tề xếp hàng rước các "ông Lang" tiến về nghè. Sau khi đến sân nghè, các cụ ông thực hiện tế lễ khoảng hơn một tiếng đồng hồ, các “ông Lang” sẽ được tắm nước gừng và rượu thơm một lần nữa để tiến vào cửa đền. Có điều lạ là những chú lợn khi vào đến cửa hậu cung đều nằm phủ phục một cách hiền lành, ngoan ngoãn. Chủ tế lại tiếp tục bài văn cúng dài đại ý mong thần thánh phù hộ độ trì cho dân làng bình an, mạnh khỏe, làm ăn sinh sôi nảy nở... Qua đó cũng để khuyên dạy lớp trẻ chăm lo học hành, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương. Không biết thực hư ra sao nhưng người dân trong làng đều khẳng định ngôi đền rất linh thiêng và gia đình nào có tâm công đức “ông Lang” đều gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống. Cộng thêm trước những mùa thi, các sĩ tử và các gia đình trong làng thường chuẩn bị một lễ ra làng để dâng thánh, cầu mong việc thi cử thuận lợi, may mắn.    

NGUYỄN HƯỞNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh