THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:27

“Lệ Rơi”, con rối thảm hại của làng giải trí Việt

Thú thực cái nghệ danh Lệ Rơi quá ầm ĩ, ồn ào một thời, đã làm cho không chỉ người viết bài này, mà rất nhiều người cũng chẳng biết, chẳng còn nhớ họ tên khai sinh của anh ta là gì. Từ những cái được gọi là bài hát dở dở, ương ương, chua hơn dấm của anh nông dân chân lấm, tay bùn, buồn đời nghêu ngao, rồi nghịch ngợm tung lên mạng. Cái âm thanh lè nhè, loét nhoét nghe như nước tương thối hắt vào tai ấy, không ngờ làm cho nhiều con tim rung động, tìm được những tiếng lòng đồng điệu của nhiều người vỗ ngực yêu và hiểu nhạc.

 Cũng có thể giọng ca cào cuốc, thuốc lào, tương ớt của Lệ Rơi xuất hiện trong thời kỳ bùng nhùng, rối rắm của đời sống âm nhạc  không ai định được đâu là thật, đâu là giả, nên một số người đón chào Lệ Rơi như một sự  phản kháng, như một kiểu... hóa bùn, giữa cái gọi là “ông hoàng nhạc Việt” với anh nhà quê chân lấm, tay bùn; giữa các siêu sao  được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa trên các sân khấu lớn với giọng khề khà ê a quê kiểng.

Lệ Rơi về quê trồng ổi.                                       Nguồn ảnh: Internet.

Vụ việc tưởng chỉ dừng lại ở các trò tán dương, bông phèng, nhưng cơ chế thị trường  đã đẩy  Lệ Rơi vào guồng quay, vòng xoáy  nghiệt ngã. Anh trồng ổi vốn quen với cảnh đồng chua, nước úng, buồn tình ông ổng hát  vui, được “đầu nậu” bốc thẳng vào chốn phồn hoa đô hội bậc nhất nước Nam làm nghệ sĩ tạp phí lù. Ngửi thấy  mùi “tanh tao”, một số người loi choi xúm vào “kiếm lộc”. Họ không ngần ngại tung hô, rồi vùi dập, theo kiểu bên đấm, bên xoa đánh lừa dư luận, làm cho dư luận sục sôi với “giọng ca lạ”, “giọng ca mới” Lệ Rơi.

Trước cái hào quang giả tạo ấy, hão huyền ấy, Lệ Rơi như bị “say nắng”, không còn làm chủ được bản thân, lao theo như con thiêu thân. Không chỉ tham gia vào các hoạt động tạp nham của làng giải trí Sài thành, Lệ Rơi còn có tham vọng trở thành doanh nhân nhớn, khởi nghiệp từ quán bún đậu chấm mắm tôm.

Đồ vật nào cũng có chỗ của nó. Thương cho con rối có nghệ danh Lệ Rơi, khi chẳng còn giá trị sử dụng, bị các “đầu nậu” cho ra rìa. Lệ Rơi được trả về đúng chỗ.

Không còn cái kính râm bự bã, không còn cái đầu chải chuốt nhuộm đỏ, nhuộm vàng, không còn khệnh khạng lên xuống xe hơi đắt tiền, mặc quần áo hiệu, tay trắng Lệ Rơi thất thểu về quê. Lại tiếp tục cuốc cỏ, bắt sâu, hái ổi, cay đắng, xót xa, ngậm ngùi nhớ về những ngày tháng rồ điên bị lừa, bị lùa vào làng giải trí.

Cha ông xưa thường răn: Một nghề chín hơn biết chín nghề. Lệ Rơi thất bại là do chẳng có tí tẹo nào kiến thức  về nghệ thuật hát xướng, biểu diễn cũng nhắm mắt xông vô. Ăn tiền được của thiên hạ xương lắm, mấy câu xì xào, bẻm mép đâu dễ lừa mọi người. Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Đối với Lệ Rơi, nếu tài năng chỉ có vậy, không phải bây giờ thì sớm muộn cũng chỉ sống nhờ vườn ổi, chết làm ma vườn ổi. Làm nghề gì cũng phải học, đặc biệt đối với hoạt động nghệ thuật, phải có năng khiếu.

HOÀNG LÊ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh