THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 10:10

Lễ hội và bản sắc văn hóa

Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên

 

Lễ hội đa dạng

Lễ hội là một hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân được hình thành trong quá trình lịch sử. Trước hết, lễ hội nhằm tôn vinh những “hình tượng thiêng”, những vị thần, những người có công lao với đất nước, với cộng đồng, để củng cố điểm tựa tâm linh và khát vọng ấm no, hạnh phúc cho mỗi người. Các vị thần là đấng siêu nhiên, che chở, bảo hộ cư dân, phù hộ cho “nhân khang, vật thịnh”, “tứ quí bình an”, tiếp nhận lời cầu xin của cư dân để họ có thêm niềm tin trong cuộc sống.

Là một quốc gia văn minh lúa nước, lễ hội truyền thống của Việt Nam diễn ra chủ yếu vào mùa Xuân khi nhà nông nhàn rỗi, và người dân có nhu cầu tâm linh cầu một năm mới tốt lành. Đa số lễ hội diễn ra trong phạm vi làng xã, bên cạnh đó có những lễ hội mang tính khu vực như Hội Lim (Bắc Ninh), Hội Gióng (Hà Nội), Đền Trần (Nam Định), lễ hội Óc Om Bóc (Sóc Trăng)... và có lễ hội mang tính quốc gia như lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang). Có lễ hội diễn ra trong một vài ngày, có lễ hội diễn ra hàng tháng như lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh)... Có thể nói lễ hội hiện nay rất đa dạng.

Sau nghi lễ là phần hội. Đây là dịp để người dân hưởng thụ những giá trị vật chất và tinh thần, đồng thời giao lưu nhằm cố kết cộng đồng. Vì vậy, lễ hội là một hoạt động đặc biệt, không thể thiếu ở mỗi cộng đồng dân cư. Lễ hội còn là dịp ôn lại truyền thống dựng và giữ nước của nhân dân ta suốt chiều dài lịch sử. Mỗi cộng đồng làng xã có truyền thống riêng, lễ hội là dịp ôn lại, diễn lại... Tất cả những lễ hội ấy với sắc thái văn hóa riêng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc. GS.TS Lê Hồng Lý – Viện trưởng Viện Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: “Điều này đang là một lợi thế vô cùng to lớn cho ngành du lịch – với tiềm năng của một đất nước đa sắc tộc và đa dạng về văn hoá. Như vậy, những giá trị văn hoá đã đem lại nguồn lợi kinh tế, góp phần cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của đất nước. Ngoài ra, đến dự lễ hội của chúng ta, người nước ngoài có dịp tìm hiểu thêm về con người và văn hoá của đất nước Việt Nam. Do đó đây cũng là một dịp tốt để chúng ta quảng cáo những giá trị văn hoá của mình cho bạn bè năm châu”.

Gìn giữ vẻ đẹp của lễ hội

 

Lễ hội của người Khmer  

Lễ hội là dịp quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam ra với bạn bè quốc tế, cơ hội này kèm theo thách thức rất lớn, đặc biệt là trong giai đoạn toàn cầu hóa và internet phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Trước đây, các hội làng được mở một hai lần trong năm chỉ phục vụ dân cư tại địa phương, với quan niệm “Trống làng nào làng ấy đánh/ Thánh làng nào làng ấy thờ”, thì ngày nay với du lịch phát triển, công nghệ thông tin bùng nổ, khiến cho lễ hội dù phạm vi nhỏ cũng không còn khép kín như xưa. Công nghệ thông tin tác động đến lễ hội bằng sự lan truyền thông tin nhanh đến chóng mặt. Nếu như nghi lễ chém lợn trong lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh), cướp phết ở làng Hiền Quan (Phú Thọ), cướp hoa tre hội Phù Đổng... đối tượng tham gia vốn là những người trong cộng đồng có chung tín ngưỡng và quan niệm thì với điện thoại thông minh, với internet, những hình ảnh đó nhanh chóng xuất hiện trên mạng, có thể gây phản cảm, bức xúc với không chỉ với người dân trong nước mà cả nước ngoài với những thang giá trị có thể rất khác.

Với từ khóa “chém lợn làng Ném Thượng” công cụ tìm kiếm Google trong 0.35 giây đã cho khoảng 151.000 kết quả với các bài viết, bình luận, tranh cãi, hình ảnh và clip ghi lại cảnh chém lợn, người dân xô nhau vào quệt tiền vào máu lợn... gây sốc đối với cư dân những vùng miền khác. Tương tự như vậy, với từ khóa “cướp ấn đền  Trần”, internet cung cấp cho người xem trên toàn cầu thông tin, hình ảnh về cảnh xô đẩy, hỗn loạn tại khu di tích Đền Trần (Nam Định)... Nét đẹp, nét bản sắc văn hóa Việt được quảng bá nhưng kèm theo đó là những mặt trái, thậm chí những biểu hiện phản văn hóa cũng được phơi bày.

Du lịch bên cạnh hiệu quả thiết thực, cũng góp phần làm cho nhiều di tích quí giá bị ô nhiễm, xâm hại, bị tân trang, cơi nới khiến nguy cơ mất gốc diễn ra với tốc độ cao. Trước những thách thức đó, chúng ta không thể không suy nghĩ và lo ngại.

Theo thống kê, hiện nay cả nước mỗi năm có khoảng 8.000 lễ hội, trung bình mỗi ngày có 21 lễ hội, trải dài từ Bắc đến Nam và không chỉ diễn ra trong mùa xuân. Nhìn qua 8.000 lễ hội hiện nay, điều dễ nhận thấy là bên cạnh nét truyền thống, những giá trị căn bản được bảo tồn và phát huy thì có nhiều tiêu cực, hủ tục cũ được phục dựng và tiêu cực mới nảy sinh. Những tiêu cực được nhận diện tại nhiều diễn đàn là mê tín dị đoan phát triển, đốt vàng mã vô tội vạ; cờ bạc diễn ra nhiều chỗ công khai; dịch vụ tại lễ hội thì nhiều nơi xảy ra tình trạng lừa bịp, nâng giá bừa bãi đối với du khách; hiện tượng du khách chen lấn, giành giật... làm mất đi nét đẹp thanh lịch của các lễ hội truyền thống.

Do đó, quản lý lễ hội là một yêu cầu hết sức cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, lễ hội là một đối tượng đặc thù nên quản lý lễ hội cũng đòi hỏi những kỹ năng đặc thù. Trước hết, quản lý để lễ hội được diễn ra tốt nhất, đúng tâm tư, nguyện vọng của cư dân, nhưng vẫn bảo đảm chuẩn mực văn hóa và qui định của pháp luật. Quản lý ở đây không phải là thắt chặt, bóp nghẹt. Kinh nghiệm của cha ông ta là khuyến khích tính sáng tạo của người dân, khơi dậy tính thiện trong mỗi người, bên cạnh vận động, thuyết phục là răn đe, xử phạt công bằng. Nhiều nhà nghiên cứu nói đến việc “trả lại lễ hội cho người dân” là có cơ sở, bởi lẽ những áp đặt khiên cưỡng từ bên ngoài dễ làm hỏng lễ hội, nhưng để cho dân tự tổ chức lễ hội mà vẫn loại trừ được những mặt tiêu cực, bảo đảm chuẩn mực văn hóa và tuân thủ pháp luật chính là nghệ thuật của nhà quản lý. Quản lý, nhưng dân tự nguyện chấp hành như không bị quản lý là mục tiêu cao nhất. Có như thế, mỗi lễ hội mới giữ được sắc thái riêng của cộng đồng, của vùng miền một cách hồn nhiên, tạo nên sức hấp dẫn thu hút du khách và quảng bá nét đẹp Việt Nam ra với thế giới.

Mùa xuân mới đang đến mang theo mùa lễ hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đây là cơ hội và cũng là thách thức cho công tác quản lý lễ hội hiện nay. Lễ hội dân gian đang biến đổi là một yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa, vì thế mô hình quản lý truyền thống không còn là khuôn mẫu. Quản lý lễ hội vừa phải bảo đảm giữ được yếu tố gốc, vừa tạo điểm nhấn cho mỗi lễ hội, đáp ứng yêu cầu của người tham gia lễ hội, mang lại cho họ những trải nghiệm về tâm linh, về văn hóa trong sự hân hoan và an toàn là mong mỏi của xã hội.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh