CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:36

Lễ hội tung hoa ở Tiếu Mai (Bắc Giang): Nét đẹp ngày Xuân

 

Địa điểm diễn ra lễ hội tại nghè Ngũ Giáp (xưa kia nghè này thuộc 5 giáp gồm: Đông Trước, Tây Trước, Nam Trước, Mai Thượng và Mai Hạ). Lễ hội diễn ra trong không khí đầu xuân nên thu hút hàng nghìn người trong vùng đến dự, ai cũng náo nức, phấn khởi chờ đón vận may. Vào buổi lễ, mỗi giáp cử ra một người tung hoa, gọi là phát lộc. Những người tung hoa nhất thiết phải là thanh niên chưa có Vợ, khôi ngô, tuấn tú và khỏe mạnh. Hoa ở đây thực chất là miếng bánh được làm từ gạo nếp, giã bằng tay đến khi nhuyễn như bánh dày, cắt thành thanh dài 5 cm, rồi nhuộm màu đỏ.

 Ông Âu Xuân Êm (66 tuổi) người dân trong làng kể rằng: Nghè Ngũ Giáp thờ đức thánh Trương Kiều, con trai thứ tư của đức thánh Tam Giang, khi còn nhỏ tuổi ngài Trương Kiều rất thích trò tung hoa. Sinh thời, cả nhà đức thánh vì không chịu khuất phục kẻ thù nên đã cùng nhau tuẫn tiết ở ngã ba Xà trên sông Cầu để tỏ rõ tấm lòng trung nghĩa với quê hương, đất nước. Cảm phục tấm lòng trung hiếu ấy, người dân địa phương đã lập nghè thờ thánh Trương Kiều bên dòng sông Cầu, trước mặt là cánh đồng dâu xanh ngát. Lễ hội tung hoa nhắc nhớ con cháu về lòng trung hiếu với quê hương, đất nước, đồng thời cầu mong mưa thuận gió hòa, phong đăng hòa cốc.

Dân làng Tiếu Mai quan niệm, người dự hội nếu nhặt được hoa thì sẽ may mắn.

Sau khi tế thánh ở nghè, cụ thượng đọc bài văn giao hoa và đánh một hồi ba tiếng thì hoa được tung lên khắp nơi trong khu vực nghè. Không khí ở nghè Ngũ Giáp lúc này vô cùng sôi động, hàng trăm hàng ngàn người reo hò tìm kiếm vận may. Dân làng quan niệm, mọi người dự hội ai nhặt được hoa thì đó là điều vô cùng may mắn, bông hoa được tung lên sau khi tế thánh chính là lộc của thánh ban phát.  Tiếng reo hò, tiếng cười xen lẫn cảnh chen nhau, xô đẩy khiến không khí trong miếu trở nên sôi động. Khi mang được lộc về nhà, có rất nhiều cách sử dụng khác nhau. Người thì ăn lộc hoa, người buôn bán thì thích để hoa vào túi đựng tiền, còn người nông dân thì để hoa vào chum đựng gạo với quan niệm tiền và gạo trong năm mới sẽ nảy nở.

Truyền thuyết cũng kể rằng, vào thời kỳ kháng chiến chống giặc Tống của quân dân nước Đại Việt, làng Tiếu Mai nằm trong vùng chiếm đóng của  giặc. Dân làng đã bí mật liên lạc với quân triều đình nhà Lý bên bờ Nam (Bắc Ninh), với khả năng sông nước điêu luyện, họ đã dùng thuyền vận chuyển quân lính của Lý Thường Kiệt qua sông và đánh tan quân Tống, lập nên chiến thắng oanh liệt vào ngày 17/2/1077. Từ đó, mới có những địa danh như ngã ba sông Xà, Gò Xác. Đây cũng chính là nơi Lý Thường Kiệt đọc bài thơ nổi tiếng "Nam Quốc Sơn Hà" khẳng định chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Sau này, dân làng Tiếu Mai lấy ngày 10/3 (âm lịch)- ngày Giỗ tổ Hùng Vương, để ăn mừng chiến thắng và mở hội đua thuyền trên sông.

Theo lịch sử địa phương, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kế tục truyền thống chống giặc ngoại xâm, dân làng Tiếu Mai đã nhiều lần giúp Trung  đoàn Bắc Bắc dùng chải chở quân sang sông tập kích đồn địch. Năm 1951, làng đã hiến tặng 5 chiếc chải cho Tiểu đoàn Á Lữ, dùng phục vụ chiến đấu phát triển chiến tranh du kích ở hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

Tiếu Mai là địa chỉ du lịch văn hoá hấp dẫn của tỉnh Bắc Giang. Đầu Xuân về với Tiếu Mai, du khách sẽ được thưởng ngoạn một vùng quê trù mật có những con người thân thiện, cảnh quan nên thơ, êm ả  với những vườn dâu xanh mướt ven bờ sông Cầu, đặc biệt là được đắm mình trong không khí lễ hội tung hoa độc đáo của người dân nơi đây.

NGUYỄN HƯỞNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh