Lễ hội truyền thống Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc
- Văn hóa - Giải trí
- 06:20 - 24/09/2021
Ok Om Bok hay còn gọi là lễ cúng trăng có nguồn gốc từ rất lâu đời của người Khmer, luôn được tiến hành hàng năm vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch. Đây là ngày cuối cùng của một chu kỳ Mặt trăng xoay quanh Trái đất và cũng là thời điểm hết thời vụ của năm. Theo quan niệm của người Khmer, cúng trăng là để tạ ơn thần Mặt trăng suốt một năm đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu, đồng thời giúp cho nông dân trúng mùa tới.
Người Khmer Nam bộ chủ yếu làm nông nên gắn bó mật thiết và tôn thờ tự nhiên như những vị thần. Mặt trăng được xem như vị thần cai quản thời gian, thủy triều và thời tiết. Do đó, lễ hội Ok-Om-Bok là nhằm đưa tiễn mùa mưa, mùa nước, chào đón mùa khô và tạ ơn Thần Mặt trăng đã ban cho mùa màng tốt tươi. Lễ hội Ok-Om-Bok thường được đồng bào Khmer tổ chức trong phạm vi gia đình hoặc ở chùa, ở các nơi sinh hoạt cộng đồng rộng rãi, có ánh trăng rằm soi sáng. Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động văn hóa chính như: lễ cúng trăng, thả đèn gió, đèn nước; hội đua ghe ngo…
Theo tác giả Trần Văn Bổn cho biết "Một số lễ tục dân gian người Khmer Đồng bằng sông Cửu Long" thì, để chuẩn bị cho lễ cúng trăng, người Khmer thường làm một chiếc cổng bằng tre có trang trí hoa lá; trên cổng giăng một dây trầu gồm 12 lá trầu cuốn tròn tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái chẻ vỏ ra như hai cánh con ong, tượng trưng cho 7 ngày trong tuần.
Ngoài các loại trái cây, nông sản thì mâm lễ vật cúng Trăng của đồng bào Khmer không thể thiếu cốm dẹp. Trong tiếng Khmer, "Ok" nghĩa là đút, "Om-bok" nghĩa là cốm dẹp. Như vậy có thể hiểu Ok Om Bok có nghĩa là hành động đưa cốm dẹp vào miệng. Ðây cũng là nghi thức chính mang ý nghĩa tâm linh rất lớn với đồng bào Khmer. Lễ Ok Om Bok được tổ chức ở tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất vì nơi đây tổ chức hội đua ghe ngo quy tụ nhiều đội ghe và vận động viên các tỉnh tham gia, thu hút người dân trong và ngoài tỉnh đến xem và cổ vũ. Ghe ngo làm bằng một thân cây nên còn gọi là thuyền "độc mộc" có chiều dài khoảng 22 đến 24 m có từ 50 đến 60 vận động viên bơi bằng dầm gỗ. Chiếc ghe ngo có mũi và lái đều cong, thân được trang trí hoa văn tinh tế, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho từng ghe. Ghe ngo là đại diện cho mỗi chùa và được xem là tài sản quý giá, thiêng liêng của phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa. Ghe chỉ được hạ thủy (xuống nước) một lần trong năm vào dịp lễ hội Ok Om Bok.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng, lễ hội Ok Om Bok - Ðua ghe ngo luôn được tỉnh Sóc Trăng tổ chức và duy trì hằng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung.
Hai sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn và có sức thu hút mọi người nhiều nhất trong ngày lễ cúng trăng là thả đèn gió và đua ghe ngo.
Đèn gió được cấu tạo từ những vật liệu tre, giấy quyến và dây kẽm, có hình vuông hoặc tròn (đèn tròn thông dụng hơn). Từ những nan tre chuốt nhẵn, người ta làm thành những vòng tròn có đường kính chừng 1m, sau đó liên kết những nan tròn ấy thành khối trụ có chiều cao chừng 2m, sau đó dán kín bằng giấy quyến, trừ đáy đèn để trống và gắn vào đó là một "ổ nhện" làm bằng kẽm lớn. "Ổ nhện" được phủ lên lớp gòn ta có tẩm ướt dầu phọng. Khi đốt lớp gòn, nhiều người cùng góp sức nâng đèn lên cao. Nhiệt độ làm giấy căng phồng, tạo ra lực đẩy. Những người nâng đèn nương tay theo và cùng buông tay khi lực đủ mạnh để đẩy đèn bay lên mà không bị chao nghiêng làm cháy giấy.
Đua ghe ngo là môn thể thao dân gian truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Ook Om Bok, thu hút hàng vạn người xem. Lúc đầu, đây chỉ là một trò chơi dân gian diễn ra trong đêm cúng trăng, nhằm dâng lên các đấng thành tiên nơi cung trăng thưởng thức, vì vậy chỉ được tổ chức vào ban đêm, lúc trăng lên, sau khi đã thực hiện xong các nghi lễ cúng trăng. Dần dần, trò chơi này được nâng lên thành lễ hội, mang tầm khu vực, thu hút được nhiều khách du lịch tham dự.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Trần Minh Lý cho biết: "Lễ cúng Trăng trong khuôn khổ lễ hội Ok Om Bok nhằm mục đích không chỉ bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer mà còn là điểm nhấn về những sắc màu văn hóa du lịch của Sóc Trăng để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến với địa phương. Ngoài ra lễ cúng Trăng còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, ý thức trách nhiệm của mọi người trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Lễ hội truyền thống Ok-Om-Bok của đồng bào Khmer mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời có giá trị sâu sắc về khoa học và lịch sử. Lễ hội còn thể hiện rõ nét lịch sử canh tác lúa mùa lâu đời, các hình thức diễn xướng, trò chơi, ẩm thực dân gian, sự ra đời môn thể thao đua ghe của đồng bào Khmer...