Lễ hội Quán Thế Âm thu hút hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử cùng người dân và du khách
- Văn hóa - Giải trí
- 21:50 - 17/03/2017
Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm thu hút hàng vạn chư tôn, tăng ni, phật tử, đạo hữu cùng người dân và du khách tham gia.
Ôn lại nguồn gốc và ý nghĩa ngày Lễ vía đức Phật Quán Thế Âm, tái hiện hình tượng Phật Bà Quán Thế Âm, cùng nhau cầu nguyện hòa bình cho nhân loại, đất nước yên bình, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn thực sự là nơi hội tụ của những tâm hồn đồng điệu, tình yêu thương con người, ước vọng mang đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Không chỉ là lễ hội dân gian mang yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành đã trở thành lễ hội mang đậm tính quần chúng, nét truyền thống văn hóa của địa phương được đông đảo người dân và du khách mong đợi.
“Đến với Đức Phật không chỉ cho tâm hồn mình thư thái, tịnh yên, hướng lòng thành về Đức Quán Thế Âm, mà còn là dịp để cầu nguyện cho những điều tốt đẹp, gia đình, con cái được mạnh khỏe, yên bình”, chị Nguyễn Thu Nga, phường Hòa Thuận Đông, Quận Hải Châu, chia sẻ.
Gắn với danh lam thắng cảnh nổi tiếng Ngũ Hành Sơn, năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 - Ngũ Hành Sơn được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Từ đó đến nay, Lễ hội Quán Thế Âm ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô hơn.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết, với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng, lễ bái của đồng bào theo đạo Phật, du khách thập phương, Lễ hội Quán Thế Âm đã trở thành sản phẩm văn hóa du lịch tâm linh đặc trưng của địa phương, mang đậm nét bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
“Không chỉ là dịp để các đạo hữu ở khắp nơi hội tụ về đây, cùng hướng lòng thành về Đức Quán Thế Âm cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, Lễ hội Quán Thế Âm thực sự đã khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước giữa cuộc sống còn nhiều bộn bề với những lo toan”, một đạo hữu đến từ tỉnh Quảng Nam chia sẻ.
Theo Ban tổ chức lễ hội, cùng với các hoạt động như lễ dâng hương tại Miếu thờ tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa, lễ tế Thạch nghề Tổ sư, lễ tế Xuân, những nghi lễ do nhân dân địa phương thực hiện với ước muốn cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, lễ hội còn diễn các hoạt động như: Hội đua thuyền trên sông Cổ Cò, Triển lãm mỹ thuật, thư pháp, Hội Hô hát Bài chòi Khu V, ngày chạy vì Hòa bình và sức khỏe cộng đồng… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.