THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:21

Lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

Tháng 5/2020, trong chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp trực tuyến nghe trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

Dự thảo luật có 6 nhóm chính sách sửa đổi, bổ sung cơ bản. Sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo luật gồm 8 chương với 79 điều (giảm 1 điều so với hiện hành, bãi bỏ 8 điều, bổ sung mới 9 điều, sửa đổi bổ sung khoảng 70 điều của luật hiện hành).

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết các chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội trước đây; đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ công tác này trong bối cảnh hiện nay.

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) - Ảnh 1.

Ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được thực thi hơn 10 năm, trong quá trình thực hiện thì đất nước chúng ta đã đưa được nửa triệu người đi làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay, trong mỗi 1 năm chúng ta đã đưa khoảng 100.000 – 300.000 ngàn lao động đi làm việc tại các nước.

Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần cho đất nước chúng ta thực hiện mục tiêu về giải quyết chỉ tiêu việc làm hàng năm. Rõ ràng việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế của đất nước và quan trọng nhất là chúng ta đã thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai, thực hiện đã xuất hiện nhiều vướng mắc về mặt thủ tục hành chính, về cơ chế điều hành, về quản lý bảo hộ công dân...

Hội thảo lần này, ông Lợi đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, tham gia góp ý, về các vấn đề như: Cấp phép cho doanh nghiệp, hợp đồng cung ứng lao động, vốn pháp định, việc ký quỹ; vấn đề bảo lãnh, thế chấp; danh mục công việc và khu vực người lao động không được đi làm; về vai trò, trách nhiệm của các ngành, địa phương.

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục trưởng, Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) trình bày những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Trình bày tổng quan những nội dung cơ bản của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), ông Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Điểm mấu chốt của các nội dung sửa đổi bổ sung lần này của Luật là nhằm tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giảm chi phí và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài như việc qui định minh bạch thông tin đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và bãi bỏ một số điều về phí môi giới và sửa đổi bổ sung qui định về chia sẻ phí dịch vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động; Thắt chặt hơn nữa quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp dịch vụ như nâng cao các điều kiện cấp phép hoạt động nhằm loại bỏ những doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả và khuyến khích những doanh nghiệp tâm huyết có cơ hội vươn lên và hướng tới đầu tư phát triển bền vững.

Theo ông Liêm, về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tập trung sửa đổi, bổ sung 6 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội như:

Thứ nhất: Nhóm nội dung về sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ hai: Nhóm nội dung về minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ ba: Nhóm nội dung về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ tư: Nhóm nội dung về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thứ năm: Nhóm nội dung liên quan đến các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Thứ sáu: Nhóm nội dung liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ngoài các nhóm nội dung nêu trên, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu lao động trong công tác quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính đã được thực hiện tốt trong thời gian qua.

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) - Ảnh 3.

Đại diện đoàn đại biểu Quốc Hội một số tỉnh chia sẻ những thách thức, khó khăn tại từng địa phương trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Tại hội thảo, đại diện các Sở LĐ-TB&XH Đồng Tháp, Bến Tre cũng đã chia sẻ những thách thức khó khăn, vướng mắc của từng địa phương về vấn đề công tác quản lý nhà nước tại địa phương trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Những vấn đề cần quan tâm về cơ chế hỗ trợ người lao động sau khi về nước trong dự thảo Luật; Những vấn đề đặt ra trong quản lý nhà nước tại địa phương về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài…

Hội thảo lấy ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) - Ảnh 4.

Chia sẻ từ các đại diện Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Bên cạnh đó, hội nghị cũng ghi nhận những ý kiến phát biểu của đại diện Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và đại diện người lao động. Qua chia sẻ khó khăn trong hoạt động xuất khẩu lao động thời gian qua, các doanh nghiệp kiến nghị các Bộ, ngành tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường lao động, kết nối cung - cầu lao động, tìm kiếm việc làm.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho thấy dự thảo luật đã bám sát, thể hiện được 3 trụ cột: bảo vệ tốt quyền và lợi ích cho người lao động đi hợp tác lao động ở nước ngoài; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động đạt hiệu quả; công tác quản lý nhà nước của luật.


LÊ VIỆT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh