Lấy tiền đâu tăng lương cho công chức theo cách tính mới?
- Bài thuốc hay
- 17:53 - 15/11/2018
Ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội
Xin ông cho biết, việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản và việc bố trí vốn cho những chương trình mục tiêu quốc gia đang được Quốc hội, các Bộ ngành, địa phương thực hiện như thế nào?
Trong 3 năm gần đây, Chính phủ và các địa phương đã xử lý khoảng gần 10.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản. Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra một số giải pháp như giao cho Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương là phải xử lý 50% nợ đọng xây dựng cơ bản để đến năm 2020 không còn nợ đọng xây dựng cơ bản.
Trong 3 năm qua, Quốc hội đã chú trọng bố trí vốn cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, chương trình giảm nghèo bền vững được gần 40%; xây dựng nông thôn mới được gần 50%. Riêng năm 2019, Quốc hội đã bố trí thêm vốn cho 2 chương trình này là hơn 18.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Dành 50% vượt thu để chi trả tiền lương
Về việc phân bổ ngân sách, nhiều ý kiến cho rằng, cần xem lại phần vượt thu của địa phương để lấy đó là nguồn vốn đầu tư trở lại cho kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tâng ở địa phương đó. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Luật Ngân sách Nhà nước năm 2012 đến năm 2015 đã quy định cho các địa phương sử dụng ngân sách đến cuối năm. Sau khi tính toán, tổng hợp, xác định số tiền vượt thu đối chiếu so với dự toán đầu năm thì có thể xác định là địa phương bội chi hay vượt thu. Trường hợp ngân sách Trung ương hay địa phương vượt thu thì phải sử dụng số tiền đó để giảm bội chi, giảm vay nợ (cả gốc và lãi), tăng quỹ dự trữ tài chính...
Trong 3 năm qua, ngân sách của địa phương vượt thu tương đối nhiều, mỗi năm vượt gần 60.000 tỷ đồng. Năm 2016, ngân sách của địa phương vượt thu khoảng hơn 60.000 tỷ đồng; năm 2017 vượt hơn 80.000 tỷ đồng và năm 2018 vượt từ 40.000 đến 50.000 tỷ đồng.
Đến năm 2020, các địa phương phải thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW để đến năm 2021 thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Theo quy chế mới, các địa phương phải dành ra 50% vượt thu để làm nguồn tài chính chi trả tiền lương. Còn lại là dành cho đầu tư phát triển các dự án cấp bách liên quan đến xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai...
Quốc hội đã có Nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách, đưa mức bội chi ngân sách cho giai đoạn 2016-2020 là không quá 3,9% GDP và phấn đấu đến năm 2020 là không quá 3,5% GDP. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần phải ưu tiên thực hiện những gì, thưa ông?
Đây là vấn đề lớn không chỉ của quốc gia mà còn là ở các địa phương phải thực hiện. Để đạt được mục tiêu đề ra, giải pháp đầu tiên là phải hoàn thiện các chính sách pháp luật để tháo gỡ khó khăn và để tạo môi trường thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế cao hơn trong 2 năm tới.
Thứ hai là chúng ta phải phát huy tinh thần trách nhiệm trong các cơ quan trong hệ thống chính trị, lấy lực lượng nòng cốt là các ngành tài chính, thuế, hải quan, phấn đấu đạt được ở mức cao nhất dự toán thu theo Nghị quyết của Quốc hội hàng năm.
Trong điều hành chi, sử dụng ngân sách thì phải thực sự tiết kiệm, chống lãng phí. Đặc biệt là phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Xin cảm ơn ông!