THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 02:38

Lấy bằng kỹ sư về quê làm trưởng thôn

 

Kĩ sư Nguyên trên bàn làm việc của mình.

Học để mong thoát nghèo

Nhà chàng kĩ sư trẻ Nguyễn Bình Nguyên ở thôn Tân Định-địa bàn mà người dân chủ yếu sống bằng nghề thuần nông. Nguyên sinh ra và lớn lên trong một mái ấm cha mẹ làm nghề nông. Ngay từ nhỏ, anh đã ý thức với bản thân mình, chỉ có việc học mới giúp mình thoát khỏi nghèo khó và mang lại tương lai tốt đẹp. “Mỗi lần đạp xe trên con đường gập ghềnh bùn đất trong mùa mưa đến trường, là mỗi lần em thầm nghĩ thương quê hương, thương cha mẹ còn nghèo nên quyết tâm học hành” - Nguyên nhớ lại quãng thời mình học phổ thông ở trường THPT Lê Thành Phương huyện Tuy An.

Do nhà khó khăn nên năm 2006,  tốt nghiệp THPT,  Nguyên  không vào TP. Hồ Chí Minh học đại học như bao bạn bè, anh chọn giải pháp “an toàn” bằng cách đăng kí dự thi vào Trường cao đẳng xây dựng số 3 (nay là Trường ĐH Xây dựng miền Trung), cách nhà khoảng 20km, để theo học với lí do “ăn cơm nhà đi học đỡ tốn kém, những ngày nghỉ học còn giúp được cha mẹ ít nhiều”. Năm 2009, Nguyên tốt nghiệp ra trường. Có được bằng cử nhân trong tay, Nguyên vào TP. Hồ Chí Minh làm cho một công ty xây dựng với mục đích vừa nâng cao chuyên môn, vừa kiếm tiền để nuôi ước mơ học tiếp. Năm 2010, anh đăng ký thi và tiếp tục trở thành sinh viên Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn.

Sau 3 năm vừa làm vừa đi học, năm 2013 Nguyên đã học xong chương trình, được trường cấp bằng tốt nghiệp kĩ sư hệ chính quy tập trung, chuyên ngành kĩ thuật công trình xây dựng. Rồi Nguyên xin vào làm ở  Cty cổ phần xây dựng Gia Thy (quận Phú Nhuận). Nói về công việc thời gian này, anh cho biết: “Công việc ở đây đúng chuyên môn, có điều kiện phát triển. Lương cũng hơn 7 triệu đồng/tháng nên tạm thời ổn định, nếu so với “đồng lương” ruộng vườn của cha mẹ ở quê thì mình cũng được coi là người thoát nghèo rồi đấy”.

 Vợ chồng kĩ sư trẻ Nguyễn Bình Nguyên và Lê Thị Nga.

Bỏ phố đưa vợ về quê làm trưởng thôn

Công việc đang an lành vậy, nhưng với Nguyên, quê nhà vẫn là nơi anh thao thức. Dù ở thành phố nhưng anh suy nghĩ, làm việc ở đâu cũng không bằng chính ngay trên quê hương mình. Cùng thời điểm đó, tỉnh Phú Yên thực hiện Quyết định 20/2013/QĐ-UBND về việc ban hành “Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, buôn, khu phố trên địa bàn tỉnh”, yêu cầu trưởng, phó thôn ở các xã đồng bằng phải có bằng tốt nghiệp THPT trở lên. Mặc dù khi đó, Nguyên đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng rất nhiều người dân thôn Tân Định vẫn đề cử anh.

 Ngày đài phát thanh xã công bố lí lịch trích ngang những ứng viên tham gia ứng cử trưởng thôn, người dân trong vùng và các xã lân cận đều rất ngạc nhiên khi biết trình độ văn hóa của Nguyễn Bình Nguyên là kĩ sư, trong khi đó những thôn khác tìm người có trình độ 12/12 để ứng vào vị trí này cũng không phải dễ.

Đến ngày xã tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm, Nguyên lại đạt số tín nhiệm cao nhất. Vậy là từ ngày 1/11/2014, Nguyên trở thành “người có chức ở địa phương”. Trúng cử trưởng thôn Tân Định, Nguyên chia tay công ty, bạn bè về quê. Nhớ lại cảm nghĩ lúc này, anh thấy mình cũng hơi bị ngông: “Ai lại bỏ phố, bỏ bằng kĩ sư về quê làm trưởng thôn”. Phần đông bạn bè cũng động viên anh nên ở lại TP. Hồ Chí Minh sẽ phát huy công việc chuyên môn, có tương lai tốt đẹp hơn. Nhưng không, anh tâm sự: “Mình là con nhà nông, may mắn được đi học, bây giờ bà con tin mình, mình giúp gì được cho bà con, cho quê hương thoát nghèo thì làm chứ không nghĩ đến tiền bạc, ở đâu cũng làm cả”. Dù chênh lệch mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng so với và phụ cấp 149.500 đồng làm trưởng thôn/tháng, nhưng Nguyên vẫn vui vẻ với công việc đang có của mình.

Bằng kĩ sư của anh Nguyên.

Một bất ngờ nữa, Nguyên quyết định đưa người vợ mới cưới cùng quê là kĩ sư Lê Thị Nga (tốt nghiệp kĩ sư chính quy, chuyên ngành kinh tế xây dựng Trường ĐH GTVT TP. Hồ Chí Minh), cùng về quê. Hiện tại chị Nga chưa có việc làm, đang ở nhà nuôi đứa con nhỏ hơn mười tháng tuổi và sớm hôm cùng anh tại căn nhà bé nhỏ còn bằng vách đất ở quê nhà.  Nói về quyết định này, ông Nguyễn Quang Vinh, cha của Nguyên cho biết: “Sinh con, nuôi lớn ai cũng muốn con có một tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, làm việc ở đâu cũng được, miễn là có lợi, không tính lợi của bản thân hay xã hội. Nếu vợ chồng tôi không ủng hộ thì không cách gì con nó làm được việc này”.  Ông Nguyễn Văn Cường, chú ruột của Nguyên hiện đang là giáo viên tại xã An Hòa cũng cho biết: “Cháu nó về quê làm trưởng thôn cũng là làm một công việc của xã hội, miễm làm sao được bà con đồng thuận, quê hương ngày càng phát triển là mừng rồi”.

Người vợ của Nguyên cũng vui vẻ: “Hiện tại, anh Nguyên đang lo công việc của thôn, nếu bà con hay địa phương cần kiến thức chuyên môn thì vợ chồng em sẵn sàng giúp đỡ. Đó là cũng là trách nhiệm, niềm vui của cả vợ chồng”.

 Tâm huyết xây dựng quê hương

Những ngày mới giữ nhiệm vụ xã giao, Nguyên thấy mình tiếp xúc với bà con còn nhiều bỡ ngỡ, đặc thù xã giáp biển, người dân trong thôn làm nhiều nghề, trình độ dân trí không cao, nên quản lí tốt là việc không dễ. Ngày đầu anh chưa quen, nhưng nhờ sự hướng dẫn chỉ bảo của những người đi trước, rồi sau cũng quen dần. Đầu tiên bà con phần đông ủng hộ hết lòng, tuy nhiên cũng có đôi người chưa tin vì Nguyên còn trẻ tuổi, liệu có thể đảm cái việc của một thôn có hơn 290 hộ, mấy trăm nhân khẩu?. Mấy tháng trôi qua, đến nay thì đâu đã vào đó. Riêng Nguyên cũng đã quen với chuyện “Vác tù và hàng tổng” và xem đây là trách nhiệm cần thiết của mình.

Bằng kĩ sư của chị Nga.

Tuổi trẻ, công việc mới, thời gian đảm nhiệm chưa dài nhưng bước đầu Nguyên đã mang lại niềm tin cho bà con và cấp trên của mình. Từ ngày anh lên làm trưởng thôn, nhất là việc an ninh trật tự trong xóm thôn ổn định, bà con đều chấp hành tốt chủ trương đường lối của xã, huyện đề ra.  Đặc biệt, trong việc vận động bà con chọn giống cây trồng phù hợp với vùng đất địa phương, chọn vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình và hướng con em trong thôn cố gắng học hành thật tốt.

Một niềm vui mới nhất của người dân thôn Tân Định hiện nay là đã có điện sáng khắp các nẻo đường. Nói về điều này, trưởng thôn Nguyên phấn khởi, cho biết: “Có lần đến nhà người cậu chơi, thấy điện sáng ngoài con đường vào ngõ, tôi  hỏi tại sao mình không làm được cho người dân thôn của mình, vừa đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa tội phạm?…”. Ý định đó anh đem bàn bạc với người dân của thôn, sau trình ra xã và được chấp nhận. Hiện tại các con đường ở Tân Định đã được sáng đèn hằng đêm.  Thành công bước đầu đã hứa hẹn một điều tốt cho anh kĩ sư làm nghề tay trái như Nguyên. Công việc mới, chưa có thành tích nhiều nhưng trong thâm tâm, trưởng thôn Nguyên nghĩ sẽ làm việc hết mình, cống hiến hết sức, làm sao mang lại niềm vui cho mọi người và đưa quê hương ngày càng đổi mới.

Nói về người trưởng thôn trẻ, ông Huỳnh Văn Phúc, Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: “Mặc dù công việc mới, nhưng Nguyên là người tuổi trẻ, xông xáo, nhiệt tình, biết phát huy hết vai trò của mình trong công việc nên được bà con tín nhiệm cao. Bước đầu anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. 

Hà Đạo-Tấn Trực

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh