THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:15

Vạch trần bộ mặt thật “cô giáo dạy ngoại ngữ” lừa “chạy việc”

Được biết, trước đây Phan Thị Oanh từng là giáo viên hợp đồng, dạy ngoại ngữ tại một trường THCS-THPT ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và đến tháng 5-2014 thì hết hạn hợp đồng. Trong thời gian giảng dạy, dù điều kiện kinh tế không mấy dư giả nhưng Oanh có tính đua đòi, ăn chơi, thích chưng diện nên sớm lâm vào cảnh nợ nần. Món nợ ngày càng lớn, chủ nợ liên tục đòi tiền, Oanh không có khả năng chi trả nên cô ta đã nghĩ đến việc “lừa chạy việc” để chiếm đoạt tiền của người khác. 

Để thực hiện kế hoạch, đi đâu Oanh cũng khoe khoang mình có nhiều mối quan hệ với các quan chức, có khả năng xin việc làm vào một số đơn vị cơ quan Nhà nước, trong đó có Học viện CSND, BV Bạch Mai… Nhiều người nghe “cô giáo” này “chém gió”, tưởng thật nên đã nộp tiền và hồ sơ cho Oanh mong có một công việc tốt nhưng không ngờ đó là cú lừa ngoạn mục của kẻ lừa đảo đầy mánh khóe.

Đối tượng Phan Thị Oanh.     Ảnh: CQCA cung cấp

Theo đó, khoảng tháng 3-2014, qua một người bạn, chị Bùi Thị Lý, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội biết đến Oanh. Do đang có nhu cầu xin việc làm cho cháu là Đoàn Thị Mỳ, trú tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định nên đã nhờ Oanh “giúp đỡ”. Thời cơ đến nên Oanh nhận lời ngay, cô ta vẽ ra một chỉ tiêu cấp dưỡng tại một đơn vị Cảnh sát PCCC với chi phí 80 triệu đồng. Sau đó, Oanh bảo gia đình cháu Mỳ đưa trước cho cô ta 10 triệu đồng để “lo lót” ban đầu. 

Thấy Oanh khẳng định chắc nịch là “chạy việc” được nên chị Lý lại nói chuyện với Oanh về việc một người cháu khác là Trần Thị Thùy Dung, trú tại huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, vừa tốt nghiệp trường CĐ Y tế Ninh Bình nhưng chưa có việc làm. Oanh tiếp tục “nổ” sẽ giúp cháu Dung vào làm y tá tại BV Bạch Mai với giá là 300 triệu đồng. Để có được một công việc ổn định tại BV lớn như vậy, gia đình cháu Dung đã tất bật lo tiền để xin việc cho con.

Ngày 19-3-2014, bố mẹ cháu Mỳ đã lên Hà Nội đưa thêm Oanh 70 triệu đồng, để bị hại tin tưởng Oanh nhận tiền và viết giấy vay nợ rồi hẹn ngày 30-5-2014, cháu Mỳ sẽ được đơn vị gọi đi làm. Đến ngày 4-4-2014, theo hẹn của Oanh, gia đình cháu Dung cũng mang theo hồ sơ xin việc và 300 triệu đồng đến đưa cho Oanh. Cũng giống trường hợp cháu Mỳ, nhận tiền nhà cháu Dung xong Oanh cũng viết giấy vay nợ làm tin, hẹn 3 tháng sau sẽ nhận được quyết định đi làm. 

Tuy nhiên, hết ngày này qua tháng khác, mòn mỏi chờ đợi ngày được gọi đi làm nhưng cả cháu Dung và Mỳ đều không nhận được bất kỳ thông tin nào từ Oanh cũng như từ các cơ quan đã được Oanh nộp hồ sơ. Biết bị lừa, gia đình cháu Dung và Mỳ đã nhiều lần yêu cầu Oanh trả lại số tiền đã đưa nhưng Oanh không trả và tìm cách trốn tránh. Các bị hại sau đó đã đến CQCA tố cáo hành vi của Phan Thị Oanh. 

Tại CQĐT, Oanh khai nhận hành vi phạm tội của mình, sự thật là Oanh không có khả năng xin việc làm cho người khác. Bản thân cô ta lúc đó cũng đang là giáo viên hợp đồng nhưng để có tiền ăn tiêu và trả nợ, Oanh đã lừa đảo bị hại với số tiền lớn và sau khi nhận tiền cô ta đã tiêu xài hết cho việc cá nhân. 

Điều tra mở rộng, CQCA xác định, trong thời gian từ tháng 9-2013 đến tháng 10-2014, Phan Thị Oanh đã thực hiện hành vi lừa đảo đối với 24 bị hại, tổng số tiền chiếm đoạt được là 8,69 tỷ đồng. Trong đó, có gia đình ông Nguyễn Văn Bảo, ở Hà Nội bị Oanh chiếm đoạt số tiền 1,3 tỷ đồng khi cô ta hứa hẹn xin cho con ông này vào Học viện CSND. Dù đã sử dụng thủ đoạn tinh vi, ma mãnh nhưng bộ mặt thật của Phan Thị Oanh với vỏ bọc là “cô giáo” đã bị CQCA bóc mẽ. 

Theo Báo Pháp luật và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh