CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:03

Lật lại hồ sơ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu

 

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ bác bỏ yêu cầu này và Nguyễn Văn Thiệu đã bắt buộc phải từ chức ngày 21/4/1975. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Thiệu đã không tiếc lời công kích chủ cũ là “một đồng minh vô nhân đạo, với những hành động vô nhân đạo”...

Lỡ lầm dọc lối

Nguyễn Văn Thiệu là người con thứ tám trong một gia đình có cha làm nghề đi biển và lo chuyện ruộng đồng tại làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nay là xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận (trước ông ta là năm người anh và hai người chị).

Một số tư liệu cho rằng, Thiệu sinh ra vào ngày 5/4/1923. Tuy nhiên, cũng có nhiều giả thuyết khác nhau về ngày, giờ và năm sinh của ông ta. Những định kiến và những suy diễn dị đoan rất quen thuộc với chính trường Sài Gòn cũ đã càng làm tăng thêm sự rối lẫn xung quanh những dữ kiện này.

Theo sách "Việt Nam máu lửa quê hương tôi" của Đỗ Mậu, người từng làm Giám đốc An ninh Quân đội dưới cái gọi là thời Ðệ nhất Việt Nam Cộng hòa, khi gia đình họ Ngô trấn giữ chính quyền Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu dường như có một số tử vi cực oách: Tuổi Giáp Tý (sinh năm 1924), sinh vào giờ Tý (nửa đêm), tháng Tý (tháng 11 Âm lịch) và cung Mệnh Viên cũng nằm ở Tý (?!).

Thêm vào đó, theo sách bói toán, mệnh Kim của Nguyễn Văn Thiệu lại được nằm ở cung Thủy cũng là một sự rất hiếm hoi (?!). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu thực sự lá số tử vi của Nguyễn Văn Thiệu là tốt đẹp thì ông ta đã không phải kết thúc cuộc đời mình trong cảnh tha hương như thế ở tuổi 78, vào ngày 27/9 năm Tân Tỵ 2001...

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu.

Gia đình Nguyễn Văn Thiệu theo đạo Công giáo tuy không thuộc loại giàu có nhưng cũng tương đối khá giả. Tên Thánh của vị tổng thống tương lai trong chế độ Sài Gòn cũ là Martino. Thiệu từng học tiểu học và trung học ở Phan Rang. Và học không giỏi.

Ngay từ bé, Thiệu đã bộc lộ rõ tính khí lầm lì và đa nghi. Hết lớp 9 ở quê nhà, Thiệu đã lên Sài Gòn để học nghề ở Trường Kỹ thuật Đỗ Hữu Vị (sau đổi là Trường Cao Thắng) rồi lại nhảy sang học ở Trường Hàng hải dân sự.

Tháng 12/1948, Nguyễn Văn Thiệu đã vào học khóa sĩ quan trung đội trưởng tại Trường Sĩ quan Đập Đá (Huế), tốt nghiệp trường này vào tháng 6/1949, Nguyễn Văn Thiệu với quân hàm thiếu úy đã tham gia binh nghiệp trong lực lượng người Việt trong quân đội liên hiệp Pháp và đã được cử tới khu vực miền Tây Nam Bộ.

Ở đó có lẽ ông ta cũng đã  sớm bộc lộ khá rõ sự hung hăng và trung thành với “mẫu quốc” nên đã được chọn đi thụ huấn ở trường sĩ quan căn bản bộ binh tại Coetquidan, Pháp. Trong thời gian trước năm 1954, là một sĩ quan trong cái gọi là quân đội quốc gia của chính quyền do thực dân Pháp dựng lên, Nguyễn Văn Thiệu đã cầm súng chống lại nhân dân ta ở nhiều nơi trong nước, ở cả Hưng Yên…

Năm 1952, sau khóa đào tạo tiểu đoàn trưởng và liên đoàn lưu động tại Hà Nội, Nguyễn Văn Thiệu được điều chuyển cùng với Cao Văn Viên, lúc đó cũng là trung úy, và đại úy Đỗ Mậu về Bộ Chỉ huy Mặt trận Hưng Yên do Trung tá Dương Quý Phan làm chỉ huy trưởng.

Nguyễn Văn Thiệu tham gia con đường binh nghiệp từ sớm. 

Tại đó, Ðỗ Mậu được giữ chức tham mưu trưởng, còn Nguyễn Văn Thiệu giữ chức trưởng phòng Ba và Cao Văn Viên giữ chức trưởng phòng Nhì… Cũng cần phải nhớ rằng, Hưng Yên trong những năm tháng đó đã là nơi xảy ra rất nhiều vụ việc đẫm máu mà binh lính Pháp và tay sai đã gây ra cho đồng bào ta…

Thực chất, việc Nguyễn Văn Thiệu được điều chuyển ra Hưng Yên không phải là một minh chứng cho sự tín nhiệm đối với ông ta, mà có lẽ là ngược lại, ít ra là nếu ta xét đoán theo hồi ức của Đỗ Mậu. Trong cuốn sách đã dẫn, Đỗ Mậu viết:

“Hồi bấy giờ, “ra Bắc” được xem như là một biện pháp chế tài đối với những sĩ quan ở miền Trung và miền Nam, vì tình hình sôi động của chiến sự và vì những tổn thất nặng nề về phía những quân nhân Việt Nam".

"Hầu hết những sĩ quan Việt Nam trung cấp bị đổi ra Bắc đều ít nhiều có hồ sơ chống Pháp, hoặc chống Bộ Tổng Tham mưu của tướng Nguyễn Văn Hinh...”. Đỗ Mậu kể tiếp:

“Nguyễn Văn Thiệu, có thêm Trung úy Cao Văn Viên và tôi, được lệnh thuyên chuyển ra mặt trận Hưng Yên, trình diện với Trung tá Dương Quý Phan, một sĩ quan nổi tiếng thân Pháp, tay chân của tướng Cogny. Tư Lệnh miền Đông Bắc Việt đang đóng ở Hải Dương".

Nguyễn Văn Thiệu được tương truyền mang lá số tử vi "tứ Tý

"Mặt trận Hưng Yên vừa được Bộ tư lệnh Pháp trao trả phần trách nhiệm lại cho quân đội quốc gia Việt Nam và đang bị những áp lực nặng nề. Bộ Tổng Tham mưu Sài Gòn chỉ định tôi làm Tham mưu trưởng, Cao Văn Viên làm Trưởng phòng Nhì và Nguyễn Văn Thiệu làm Trưởng phòng Ba".

"Còn phòng Tư vẫn do một đại úy người Pháp phụ trách. Bộ chỉ huy và trung tâm hành quân khu chiến được đặt tại ngôi giáo đường to lớn rộng rãi của tỉnh lỵ Hưng Yên mà linh mục bề trên đã vui lòng cho quân đội Pháp sử dụng từ trước".

"Ba anh em chúng tôi được cấp phát chung một căn phòng nhỏ vừa đủ để ba cái ghế bố loại nhà binh và hàng ngày ăn cơm tại câu lạc bộ sĩ quan. Buổi tối, lúc trở lại phòng để chuẩn bị đi ngủ, Thiệu và tôi thường phân tích và luận bàn về tình hình chính trị và chiến sự đến khuya. Riêng Viên vốn tính ít nói nên chỉ thỉnh thoảng góp ý kiến mà thôi…”.

Vốn là người không nông nổi và sớm biết lo xa, ngay trong thời gian đi theo quân Pháp ở Hưng Yên, trước thực tế ngày càng bất lợi cho “mẫu quốc”, Nguyễn Văn Thiệu đã sớm tính tới nước thay thầy đổi chủ. Trong hồi ký của mình, Đỗ Mậu nhận xét: 

“Thiệu trầm tĩnh khôn ngoan, lại có khả năng về tham mưu, đã từng được Đại tướng Pháp De Linarès, Tư lệnh chiến trường Bắc Việt phê điểm rất tốt: Thông minh sắc bén, siêng năng, có phương pháp và tỉ mỉ. Sĩ quan hảo hạng. Có ý thức tuyệt hảo về tổ chức và bảo mật...”.

Thiệu được đánh giá rất cao khi ở trong quân đội. 

Một số người thân cận với Nguyễn Văn Thiệu cũng nhận xét, ông ta là “người có tính tình rất bình dân mộc mạc, ăn nói huỵch toẹt theo nếp sống của người miền biển”... Đỗ Mậu cũng có một nhận xét nữa về Nguyễn Văn Thiệu:

“Có một điều tôi vô ý là dù quen biết Thiệu đã lâu ngày nhưng mãi cho đến khi nhìn ông Thiệu qua màn ảnh truyền hình tôi mới thấy được cặp mắt “láo liên”, biểu hiện sự gian trá và làm cho ông Thiệu trở thành tay gian hùng, tham nhũng…”.

Còn đây là nhận xét của Cao Văn Viên về người chiến hữu từ thời trai trẻ của mình khi ông này so sánh Nguyễn Văn Thiệu với Ngô Đình Diệm ở trên cương vị tổng thống của chế độ Sài Gòn: “Mỗi người độc tài theo cách riêng. Tổng thống Diệm duy trì chế độ như một quan lại của thời quân chủ, ông bẩm sinh chống Cộng…

Còn Nguyễn Văn Thiệu thì theo đường lối “độc tài trong dân chủ”, vỏ ngoài dân chủ nhưng bên trong thì chi phối cả hai ngành lập pháp và tư pháp, bàn tay sắt trong đôi găng nhung…

Nguyễn Văn Thiệu “đa nghi Tào Tháo” và không e ngại ban phát ân huệ để tạo phe cánh và chia rẽ đối phương như ông ta đã làm tại quốc hội. Ông ta chủ trương “làm chính trị phải lỳ”. Những năm tại chức, Nguyễn Văn Thiệu luôn bị ám ảnh bởi cái chết của Ngô Đình Diệm…”.

Và đây cũng là lời kể của Đỗ Mậu: “Một hôm Nguyễn Văn Thiệu đã hỏi tôi: “Theo anh thì cuộc chiến tranh hiện tại sẽ đi về đâu và tương lai Việt Nam sẽ như thế nào?” Đó là câu hỏi có tính toàn bộ và lâu dài nhưng tôi vẫn xác quyết với Thiệu và Viên là “thế nào Pháp cũng bị bại trận và tìm giải pháp thỏa hiệp với Việt Minh, đất nước sẽ bị chia đôi nhưng không biết chia ở khu vực nào. Hoa Kỳ sẽ can thiệp vào Việt Nam để chặn đứng mưu đồ bành trướng của Cộng sản ở Đông Nam Á và Hoa Kỳ sẽ đưa ông Diệm về nước nắm chánh quyền”…

Thực ra trên chiến trường và trong cương vị sĩ quan tác chiến, Nguyễn Văn Thiệu chưa bao giờ bộc lộ được những năng lực chiến đấu ở mức ít ra là khá khẩm. Trong những tình huống phải hành động, các đơn vị mà ông ta chỉ huy thường hay bị, lại nói theo cách diễn tả của Đỗ Mậu, “ôm quần mà chạy”.

Ở cuối giai đoạn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng theo lời tường thuật nhiều phần phóng đại theo lợi ích cá nhân của Đỗ Mậu, khi lực lượng Việt Minh tấn công các cơ sở của bọn ngoại bang ở khắp cả nước, trong đó có Ninh Thuận mảnh đất quê hương của Nguyễn Văn Thiệu, “tiến chiếm và tiêu hủy các căn cứ ngoại vi” mà  Đỗ Mậu nhận là ông ta đã xây dựng để che chở mặt Tây Nam của Bộ Chỉ huy Phan Rang, “trong một trận đánh ác liệt gần Tháp Chàm”, khi Nguyễn Văn Thiệu “đích thân dẫn một đơn vị đi tiếp cứu bị Việt Minh phục kích”, ông ta đã phải “ôm quần mà chạy”...

Mặc dầu những phẩm chất quân nhân của Nguyễn Văn Thiệu vẫn nặng phần hoang tưởng, nhưng trong bối cảnh cụ thể của chính trường Sài Gòn lúc ấy, trong thế bó buộc của đội ngũ nhân sự xuất thân từ lực lượng đã cam tâm làm tay sai cho Pháp nhưng vẫn còn cơ để thay thầy đổi chủ, Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn là một trong những gương mặt có thể đầu tư được đối với những thủ lĩnh sắp sửa nắm quyền ở đây với sự trợ giúp của ngoại bang.

Nói cho cùng, lý lịch công vụ của ông ta cũng còn hơn rất nhiều kẻ đồng thời. Chính vì thế nên năm 1955, sau khi thực dân Pháp thất bại và phải rời khỏi Việt Nam, Nguyễn Văn Thiệu đã gia nhập cái gọi là quân lực Việt Nam cộng hòa, phục vụ chính quyền Ngô Đình Diệm và được xếp vào vị trí chỉ huy của Sư đoàn 1 Bộ binh của quân đội Sài Gòn đóng tại Huế.

Rồi năm 1958, ông ta lại được đưa lên cấp trung tá, giữ chức chỉ huy trưởng Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt. Những ông chủ mới từ bên kia đại dương tới cũng đã kịp để ý tới viên sĩ quan trầm tính và có vẻ đa mưu Nguyễn Văn Thiệu. Chính vì thế nên năm 1957, Trung tá Thiệu được cho đi học một khóa chỉ huy và tham mưu tại Command and General Staff College ở Ft. Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ (tuy nhiên, trong danh sách khóa sinh tốt nghiệp học đường quân sự này đã không có tên Trung tá Nguyễn Văn Thiệu, có thể vì một lý do gì đó mà ông ta đã không dự thi tốt nghiệp).

Năm 1959, Nguyễn Văn Thiệu cũng được đi tu nghiệp tại trường phối hợp kế hoạch đồng minh ở Okinawa, Nhật Bản, và năm 1960 trở lại Mỹ học về vũ khí mới ở Fort Bliss. Chính trong những chuyến đi như thế, CIA đã tiếp cận ông ta để tìm hiểu rõ hơn về một con bài có thể sẽ trở thành đắc dụng trên chính trường Sài Gòn. 

Con người bất trắc

Nhìn chung, dưới chế độ Ngô Đình Diệm, con đường binh nghiệp của Nguyễn Văn Thiệu đã được rộng mở vì như Đỗ Mậu nhận xét, tính xu thời của viên sĩ quan này, dám “dứt khoát bỏ đạo Phật để theo Công giáo bên vợ” (vợ ông ta là một bà sơ người Mỹ Tho xuất dòng) nên đã được các linh mục vốn rất có quyền uy nâng đỡ và đang làm tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh hành quân cho tướng Dương Văn Minh đã được Ngô Đình Diệm cử giữ chức Chỉ huy trưởng Trường Võ bị quốc gia Đà Lạt.

Đường binh nghiệp của Thiệu rộng mở dưới thời Ngô Đình Diệm.

Đỗ Mậu viết tiếp: “Ngày ông Diệm có ý định cử Thiệu giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 5 (gồm toàn những binh lính là người Nùng từ Bắc vào theo chân thực dân Pháp, rất lì lợm và trung thành, được coi như tinh binh của chế độ - TG), ông bảo tôi làm tờ trình về Thiệu".

"Trong mục ý kiến, tôi đã viết rằng: “Thiệu không theo một đảng phái nào mặc dù có người anh ruột theo đảng Đại Việt. Ông Thiệu là một trong số những sĩ quan ưu tú nhất của quân đội…”. Cũng Đỗ Mậu nhận xét: “Dù sao thì Công giáo mới là yếu tố chính để hình ảnh Nguyễn Văn Thiệu được ghi khắc vào con tim ông Diệm để Thiệu được ông tín nhiệm và nâng đỡ...”. 

Theo một số nguồn tin, cuối năm 1960, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu từ Mỹ trở về Sài Gòn và được Ngô Đình Nhu xếp vào làm Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh hành quân do tướng Dương Văn Minh làm Tư lệnh.

Có ý kiến cho rằng, Bộ tư lệnh hành quân này thực ra chỉ là một tổ chức mới được lập ra để làm vì cho tướng Minh ngồi chơi xơi nước vì chính quyền Diệm – Nhu lúc đó đã nghi ngờ tướng Minh có mối quan hệ với Hà Nội qua người em trai là một cán bộ cao cấp, đảng viên Cộng sản.

Vì sợ rút dây động rừng, lại cũng không có những chứng cớ rõ ràng nên Ngô Đình Diệm đành ngậm bồ hòn làm ngọt và vô hiệu hóa tướng Dương Văn Minh bằng cách này.

Hiểu rõ tình thế của mình, Nguyễn Văn Thiệu đã đi một nước cờ khá cao là xin gia nhập đảng cần lao để lấy lòng Ngô Đình Nhu hòng mua được sự tin tưởng hơn và có thể nhảy lên chức vụ hữu lợi hơn. Không những thế, Nguyễn Văn Thiệu còn cống hiến cho cố vấn Nhu nhiều ý kiến mà ông ta cho là rất xuất sắc để lấy lòng gia đình họ Ngô.

Sau khi tổng thống chính quyền Sài Gòn Ngô Đình Diệm quyết định giải tán Bộ tư lệnh hành quân và đưa tướng Dương Văn Minh về ngồi ở một vị trí thực ra cũng hữu danh vô thực khác là “cố vấn quân sự” của Tổng thống, Đại tá Thiệu được cử đi làm Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh ở Huế.

Đầu năm 1963 (hoặc cuối năm 1962, theo một số nguồn tư liệu khác), khi thấy tình hình có vẻ lộn xộn và bất trắc, Ngô Đình Diệm đã đưa Nguyễn Văn Thiệu về làm Chỉ huy Sư đoàn 5 đồn trú ở Biên Hòa. Đại tá Thiệu còn được cố vấn Ngô Đình Nhu trao nhiệm vụ giải cứu thủ đô khi có đảo chính.

Trớ trêu thay! Bởi lẽ chính với cương vị này, ông ta đã tham gia cuộc đảo chính lật đổ chế độ gia đình trị của Ngô Đình Diệm – Ngô Đình Nhu, ngày 1/11/1963.

Mặc dù được hưởng ân huệ không ít của chế độ Ngô Đình Diệm nhưng thực tâm, trong mắt của Nguyễn Văn Thiệu, ông quan to còn lại từ triều đình nhà Nguyễn này, với rất nhiều tham vọng và định kiến, khó có thể trở thành minh chủ đối với một đội ngũ tướng lĩnh nhiều tham vọng và xu thời của Sài Gòn khi đó.

Thực ra, trong cuộc đảo chính này, Nguyễn Văn Thiệu, khi ấy vẫn chỉ là đại tá, chỉ là kẻ theo đóm ăn tàn, hành xử theo lệnh của CIA, cụ thể là thông qua Lucien Conein, đặc sứ của CIA ở Sài Gòn lúc đó.

Một nguồn tư liệu cho biết, chiều 31/10/1963, theo lệnh của Lucien Conein, Đại tá Thiệu đã điều động 2 trung đoàn của Sư đoàn 5, một tiểu đoàn pháo binh và một chi đoàn thiết giáp, nói là đi hành quân ở Phước Tuy, nhưng khi đến ngã ba xa lộ Biên Hòa và quốc lộ 15 đi Vũng Tàu thì lại nhận được lệnh dừng ở đó chờ đợi.  

Sáng 1/11/1963, Thiếu tá Nguyễn Bá Liên, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thủy quân lục chiến, cháu của Đỗ Mậu, ra lệnh hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến của Đại úy Trần Văn Nhựt và Đại úy Lê Hằng Minh đi hành quân ở núi Thị Vãi, Bà Rịa, rồi bất ngờ quành về Sài Gòn tiến chiếm Tổng nha Cảnh sát, Bộ Nội vụ, Nha Truyền tin và Đài Phát thanh Sài Gòn. Còn tướng Mai Hữu Xuân đưa tân binh quân dịch ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung về chặn các ngả vào Sài Gòn.

Tiếp theo, đến 1h trưa cùng ngày, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu cũng bất ngờ ra lệnh cho cả hai trung đoàn thuộc sư đoàn do mình chỉ huy hành quân về Sài Gòn để một trung đoàn đóng ở Phú Lâm, còn một trung đoàn đóng ở ngã tư Hàng Xanh nhằm ngăn chặn quân cứu viện từ ngoài tiến về giải cứu thủ đô của nền đệ nhất cộng hòa. Bản doanh của Bộ tư lệnh tiền phương Sư đoàn 5 do Nguyễn Văn Thiệu cầm đầu khi đó đã được đặt tại Trường Đại học Sư phạm ở đường Cộng Hòa. 

Vào lúc 1h30 ngày 1/11/1963, tại một vài nơi ở Sài Gòn đã vang lên tiếng súng. Khi ông Cao Xuân Vĩ, Tổng Giám đốc Thanh Niên, đã gọi cho cố vấn Ngô Đình Nhu, đang ở Dinh Gia Long, hỏi thăm tin tức, ông Nhu bảo ông Vĩ đi quanh thành phố xem binh tình ra sao. Ông Vĩ lái xe đi một vòng rồi vào báo tin cho ông Nhu biết tình hình có vẻ vẫn yên tĩnh.

Ngô Đình Nhu hỏi: “Chúng nó lấy lực lượng nào để đảo chính?”. Bản thân cố vấn Nhu cũng không thể hiểu được rằng, người vừa sáng nay vào gặp ông ta, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, để nói chuyện và báo cáo tình hình vẫn yên tĩnh, thực ra lại đang chỉ huy Sư đoàn 5 tham gia đảo chính.

Trong tình cảnh rối bời và chua chát của chính trường Sài Gòn lúc ấy, Nguyễn Văn Thiệu cũng rất khéo lảng chuyện vì khi Trung tá Lê Như Hùng, Tham mưu trưởng biệt bộ tại phủ Tổng thống đặc trách liên lạc với quân đội, được gọi đến dinh Gia Long để liên lạc với những đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn và liên lạc ngay với Đại tá Thiệu thì được trả lời rằng viên chỉ huy sư đoàn này “đang đi hành quân” (!). Nguyễn Văn Thiệu, với tư cách Sư trưởng Sư Đoàn 5, đã không làm việc gì để thay đổi tình thế hòng giúp cho kết cục chính trị của gia đình họ Ngô đỡ thảm thiết hơn.

Thế nhưng, sau khi anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu đã bị sát hại, Nguyễn Văn Thiệu, như sau này ông ta kể lại, đã về trình diện Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và tiếp theo, ra lệnh cho lính mở bửng thiết vận xa để chào thi hài anh em Diệm, Nhu trước khi về nhà.

Và sau cuộc đảo chính ngày 1/11/2063, hàng năm cứ đến ngày này, Nguyễn Văn Thiệu lại có lễ xin thánh cầu hồn cho anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu tại dinh Độc lập…  Một cử chỉ lễ nghĩa thật lòng hay là một hành động nước mắt cá sấu?

Sau cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, Nguyễn Văn Thiệu đã có chân trong cái gọi là Hội đồng quân nhân cách mạng do Dương Văn Minh, lúc đó là trung tướng, cầm đầu. Trong nhóm này với những chức danh nghe rất kêu còn có đệ nhất phó chủ tịch, trung tướng Trần Văn Đôn; đệ nhị phó chủ tịch, trung tướng Tôn Thất Đính; tổng thư ký kiêm ủy viên ngoại giao, trung tướng Lê Văn Kim; uỷ viên chính trị, thiếu tướng Đỗ Mậu; uỷ viên quân sự, trung tướng Trần Thiện Khiêm; uỷ viên kinh tế, trung tướng Trần Văn Minh; uỷ viên an ninh, trung tướng Phạm Xuân Chiểu cùng các ủy viên khác như các trung tướng Lê Văn Nghiêm, Mai Hữu Xuân, thiếu tướng Nguyễn Hữu Có (người từng đậu thủ khoa trong khóa đào tạo thiếu úy của thực dân Pháp ở Đập Đá cùng Nguyễn Văn Thiệu)... Tiếp theo, gần cuối năm 1964, Nguyễn Văn Thiệu còn được được phong lên cấp thiếu tướng, giữ chức tư Lệnh quân đoàn IV và vùng 4 chiến thuật kiêm đại biểu chính phủ miền Tây… 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh