Lập lờ tính lương
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:21 - 16/10/2016
Từ ngày 11/10 đến nay, khoảng 400 công nhân (CN) Công ty TNHH Asia Garment tại đường ĐHT 21, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (trụ sở ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đã ngừng việc do không đồng ý cách trả lương tháng 9/2016. Việc thương lượng, hòa giải chưa xong, thì từ ngày 13/10, công ty không cho CN vào nhà máy; ai muốn tiếp tục làm việc phải ký cam kết đồng ý với chính sách tiền lương tháng 9, tháng 10 và không khiếu nại nữa.
Công nhân bức xúc trước cách tính lương không rõ ràng của Công ty TNHH Asia Garment
Thông báo chung chung
Theo CN Nguyễn Thị Ngọc Đẹp, chị làm việc từ cuối tháng 7/2016. Theo thỏa thuận và hợp đồng, sau khi thử việc đạt yêu cầu, CN được xếp mức lương làm việc phù hợp với tay nghề từ 4,5 triệu đến 5,1 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, khi tăng ca, chị được hưởng đầy đủ chế độ tăng ca theo quy định. “Trong tháng 7 và tháng 8, công ty vẫn trả lương thời gian đúng với thỏa thuận. Để có thêm thu nhập, tôi tham gia tăng ca liên tục nên thu nhập khoảng 7 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, qua tháng 9, dù tăng ca như tháng 8, nhưng công ty chỉ trả hơn 4,5 triệu đồng, khiến tôi chới với” - chị Đẹp nói.
Không riêng chị Đẹp mà hầu hết CN đều thấy khó hiểu với cách tính lương mới của công ty. Theo đó, từ tháng cuối tháng 8/2016, công ty thông báo sẽ chuyển sang tính lương sản phẩm. Song CN khẳng định công ty chỉ thông báo miệng chứ không có giấy tờ, văn bản chính thức công bố cho CN. “Khi nhiều CN không đồng ý, công ty trả lời chỉ mới thử nghiệm cách tính mới; nếu không đạt yêu cầu, không hợp lý vẫn sẽ tính lương theo cách cũ. Chính vì nghĩ là thử nghiệm nên chúng tôi mới làm. Thế nhưng đến ngày 10/10, khi nhận lương tháng 9, chúng tôi mới biết công ty đã tính lương sản phẩm luôn” - chị Hồ Thị Minh bức xúc.
Không có định mức
Trong các buổi làm việc giữa CN và công ty sau khi xảy ra sự cố, đại diện công ty vẫn khẳng định đã thông báo trước với CN việc tính lương sản phẩm. Hết tháng, chỉ có chuyền 6 và 8 đạt chỉ tiêu trong khi các chuyền còn lại không đạt nên mức lương rất thấp; công ty hỗ trợ thêm cho CN 10.000 đồng/giờ gọi là phụ cấp tăng ca.
Trao đổi với chúng tôi, CN Nguyễn Thị Trung Thảo cho rằng việc công ty không thông báo cụ thể, rõ ràng các công đoạn, chi tiết, đơn giá... ngay từ đầu khiến CN cũng không thể tự tính phần công của mình như thế nào, mỗi ngày làm việc của mình được bao nhiêu sản phẩm, bao nhiêu tiền? “Không có định mức, nếu mình làm vượt thì sao mà biết? Nếu biết được cách tính theo sản phẩm cụ thể từ đầu, chúng tôi có thể tự tính thu nhập của mình; tự xét khả năng, tay nghề có đáp ứng hay không. Nếu thấy không kham nổi thì chúng tôi sẽ tự động rút chứ đâu làm thêm cả tháng rồi lĩnh lương như vậy?” - chị Thảo bức xúc.
Bên cạnh đó, theo CN, trả lời của công ty càng khiến CN tức giận hơn khi công ty hầu như không có quy định nào cụ thể trong việc áp dụng cách tính lương theo sản phẩm. Anh Nguyễn Hoàng Khen cho biết: “Chuyền 6 và 8 làm vượt là do họ chỉ làm một mã hàng, trong khi đó chuyền của tôi phải làm nhiều mã hàng. Đang làm quần thì chuyển sang làm váy, đang làm váy thì quay sang sửa quần, tôi đang làm chuyền này thì bị kêu sang chuyền khác hỗ trợ. Như vậy thì làm sao mà làm đủ được?”.
Khi xảy ra tranh chấp, các cơ quan chức năng đã vào cuộc hòa giải nhưng không thành. Phóng viên Báo Người Lao Động cũng đã liên hệ với công ty để làm rõ khiếu nại của CN, nhưng không nhận được câu trả lời. Hiện nhiều CN đã làm đơn khởi kiện công ty.
Tham khảo Công đoàn và công khai
Theo ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật LĐLĐ TP Hồ Chí Minh, pháp luật lao động quy định: “Tiền lương theo sản phẩm được trả căn cứ vào mức độ hoàn thành số lượng, chất lượng sản phẩm theo định mức lao động và đơn giá sản phẩm được giao”. Ngoài ra, luật cũng quy định định mức lao động được thực hiện cho từng bước công việc, từng công đoạn và toàn bộ quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở tổ chức lao động khoa học, tổ chức sản xuất hợp lý. Định mức lao động mới phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức. Khi xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh định mức lao động, doanh nghiệp phải tham khảo ý kiến của tổ chức Công đoàn và công bố công khai trước khi thực hiện, đồng thời phải gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động.