Lập kịch bản phòng dịch ở khu công nghiệp
- Y học 360
- 14:10 - 03/06/2021
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có công điện yêu cầu về việc bảo đảm an toàn Covid-19 trong các khu công nghiệp. Đặc biệt, dịch đã lây lan trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh, nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân, có nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất quy mô lớn. Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn.
Thực hiện chỉ đạo này, UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản hoả tốc yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp thực hiện nghiêm các phương án phòng chống dịch Covid-19.
UBND tỉnh Bình Dương sẽ buộc dừng hoạt động, rút giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp không đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch. Thậm chí là khởi tố hình sự nếu doanh nghiệp để lây lan dịch.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các huyện, thị, thành phố xây dựng kịch bản ứng phó với từng tình huống cụ thể khi phát hiện các ca F0, F1, F2, F3.
Ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, đơn vị đang tiến hành kiểm tra, rà soát việc thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Qua rà soát, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện tốt hơn công tác phòng chống dịch bệnh. Một số doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp chưa thực hiện tốt, Sở Y tế đã hướng dẫn thêm hoặc yêu cầu thực hiện ngay biện pháp cần thiết.
"Đơn vị đang triển khai mua sắm vật tư thiết bị (máy xét nghiệm, bình ô xy, thuốc...) và cơ sở điều trị, cách ly để chuẩn bị ứng phó với các tình huống có thể xảy ra", ông Chương cho hay.
Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp cần thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu 5K đối với cá nhân. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, đánh giá, cập nhập lên bản đồ an toàn COVID. Thiết lập các Phòng cách ly tạm thời để đáp ứng tình huống phát sinh trường hợp có yếu tố nghi ngờ nhiễm COVID-19. Khi phát hiện trường hợp F0 phải khẩn trương, chủ động, tích cực phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cách ly, giãn cách theo đúng chỉ đạo.
Ghi nhận của phóng viên, tại các công ty ở khu công nghiệp Vsip Bình Dương đều yêu cầu toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp phải thực hiện khai báo y tế, lịch trình đi lại theo quy định. Chủ doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp có trách nhiệm quản lý thông tin người lao động của đơn vị, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan hữu quan phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi có yêu cầu.
Theo ông Lê Minh Quốc Cường, GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, các KCN Vsip ở Bình Dương có khoảng 160.000 lao động làm việc. Ở các KCN Vsip, việc triển khai phòng dịch được triển khai nghiêm ngặt hơn cả. 100% công nhân lao động, khách vào doanh nghiệp làm việc phải đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn. Hệ thống giám sát ở doanh nghiệp được duy trì liên tục nhắc nhở những ai lơ là thực hiện ngay việc đeo khẩu tranh trong nhà máy.
Bà Đặng Thị Kim Chi - Chủ tịch CĐ KCN VSIP cho biết, qua kiểm tra hầu hết doanh nghiệp đều thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, như: Mua sắm kịp thời và đầy đủ các phương tiện kiểm tra y tế, khẩu trang, nước rửa tay kháng khuẩn cho toàn bộ cán bộ công nhân viên; Công đoàn cơ sở thường xuyên tuyên truyền đến tất cả đoàn viên công đoàn, công nhân lao động về diễn biến cũng như tác hại của dịch bệnh COVID-19; xây dựng mạng lưới loa tuyên truyền về dịch bệnh và cho phát thanh liên tục diễn biến dịch bệnh, cách phòng, chống vào giờ nghỉ giải lao hai lần 1 ngày; treo băng rôn tuyên truyền dán ở các phòng, ban, tổ đội ở các xưởng sản xuất; thường xuyên nhắc nhở đoàn viên công đoàn, công nhân lao động không trực tiếp hoặc gián tiếp tuyên truyền các thông tin dịch bệnh chưa được kiểm chứng, sai lệch.
Ngoài ra, việc kiểm tra thân nhiệt trước khi vào công ty, rửa tay được thực hiện thường xuyên, 100% đoàn viên công đoàn, công nhân lao động buộc phải đeo khẩu trang chống khuẩn, đề xuất phân bổ lại lịch sản xuất nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn giãn cách an toàn, tất cả cuộc họp đều chuyển sang họp online.
Về không gian ăn ca, đơn vị lắp vách ngăn khu vực nhà ăn giảm thiểu tiếp xúc gần và hạn chế tập trung đông. Chia ca luân phiên nhau vào giờ ăn, định kỳ kiểm tra thân nhiệt ngày 2 lần. Khai báo y tế với tất cả công nhân viên theo mẫu của công ty sau kỳ nghỉ lễ...
"Tôi mong muốn thời gian tới, Bình Dương có thể tiêm ngừa Covid-19 cho những công nhân nằm trong nhóm đối tượng nguy cơ", bà Chi đề xuất.