THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:27

Lấp đầy “khoảng trống” bác sĩ vùng cao

 

Cả huyện không có bác sĩ chính quy

Với  gần 12.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn, bức tranh hệ thống y tế cơ sở thoạt nhìn tưởng như một thành trì vững chãi, kiên cố, tuy nhiên, thực tế cho thấy, câu chuyện về nguồn nhân lực chất lượng cao ở tuyến này luôn là một bài toán nan giải đối với ngành y tế.

Trong chuyến đi khảo sát thực tế về nguồn nhân lực tại một số huyện nghèo các tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang của Bộ Y tế, những tâm tư bộc bạch về nhân lực y tế tại hai tỉnh này được các vị lãnh đạo thẳng thắn bày tỏ.

Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Lương Viết Thuần cho hay, những năm qua tỉnh Hà Giang đã cử người đi đào tạo cho cho y tế nhưng đào tạo bao nhiêu cũng vẫn không xuể, nguồn nhân lực luôn trong tình trạng “thiếu trước hụt sau” tại các huyện nghèo, huyện khó khăn. Tỉnh có 11 huyện thị, nhưng có 7 huyện khó khăn. Để khắc phục nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở tại các huyện vùng khó khăn, tỉnh đã cử 31 người tham gia dự án bác sỹ trẻ và đang tiếp tục rà soát để cử thêm 20 bác sỹ nữa tham gia dự án này.

“Những năm qua, chúng tôi đã tuyển bác sỹ đi học để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, thật đáng buồn bởi nhiều bác sỹ sau khi học xong, được phân công về công tác ở các huyện như Mèo Vạc, Đồng Văn, Giám đốc Sở Y tế đã ký quyết định rồi nhưng họ thậm chí không đến lấy cả quyết định. Còn tại bệnh viện tỉnh, phân bác sỹ về khoa truyền nhiễm cũng không làm…” - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang Lương Viết Thuần thông tin.

Phân tích về nguồn nhân lực y tế, ông Thuần phân trần thêm, ngành y tế của tỉnh Hà Giang còn chịu thêm áp lực vừa tinh giản, thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, với chỉ tiêu chung giảm 10%, bởi vậy toàn ngành y tế tỉnh trong năm vừa qua giảm 126 người. Trung tâm y tế tại huyện Mèo Vạc và Trung tâm y tế tại huyện Đồng Văn vẫn còn chỉ tiêu nhưng không có cơ chế tuyển dụng thêm bác sỹ về những vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh này.

Bác sĩ  Tạ Tiến Mạnh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) huyện Mèo Vạc cho biết, hiện tại, BVĐK huyện Mèo Vạc đang có một bác sĩ trẻ đã được tuyển dụng từ bệnh viện Trung ương, đến công tác theo Dự án 585 đưa bác sĩ trẻ về 62 huyện nghèo của Bộ Y tế. Tuy nhiên, thời gian công tác tại đây của bác sĩ quá ngắn, chỉ 2 năm (đối với bác sĩ nữ). Như vậy, sau 2 năm – khi mới bắt đầu quen dần ngôn ngữ, các mặt bệnh thì bác sĩ trẻ lại trở về Trung ương.

 

Bác sĩ trẻ khám bệnh cho người dân đảo Cô tô


Còn tại Tuyên Quang, bác sỹ Vũ Trọng Thành, Giám đốc BVĐK huyện Lâm Bình cho biết, hiện tại bệnh viện đang có 8 bác sĩ, trong đó có 2 bác sĩ cử tuyển và 6 bác sĩ chuyên tu. Các kỹ thuật mà bệnh viện đang triển khai như mổ lấy thai lần đầu, cắt u nang buồng trứng, nối gân và những phẫu thuật nhỏ. Bệnh viện cũng đã có máy gây mê kèm thở, máy mổ nội soi nhưng chưa có người sử dụng, vì có 2 bác sĩ đang đi học chuyên khoa.

“Nhu cầu bác sĩ ở đây rất cấp thiết. Tuy nhiên, theo Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn của Bộ Y tế, tiêu chí chọn bác sĩ được đào tạo chuyên khoa I theo hình thức cầm tay chỉ việc “1 thầy 1 trò” là phải tốt nghiệp bác sĩ chính quy.  Nhưng tại huyện Lâm Bình hiện nay không có một bác sĩ chính quy nào”- bác sĩ Vũ Trọng Thành cho biết.

Giải pháp lâu dài: đào tạo tại chỗ

Hiện nay, tại 62 huyện nghèo của cả nước đang thiếu khoảng 600 bác sĩ. Bộ Y tế đang triển khai dự án đào tạo bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại những vùng này và đang có những hiệu quả bước đầu. Theo mục tiêu đặt ra,  tới năm 2020 ngành y tế sẽ đưa  hơn 300 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện nghèo cần nhân lực chăm sóc sức khỏe. Hiện dự án đã tiến hành đào tạo 13 khóa chuyên khoa cấp I cho 300 bác sĩ thuộc 11 chuyên ngành trong 24 tháng. Các bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp sẽ về công tác tại các huyện nghèo như đã đăng ký. Sau thời gian công tác ở cơ sở, các bác sĩ trẻ sẽ tiếp tục làm việc tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế - nơi họ đã được xét tuyển đặc cách vào làm việc trước khi đi công tác tại các vùng khó khăn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, “khoảng trống” nhân lực y tế tại các huyện vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thể lấp đầy trong ngày một ngày hai…

Vấn đề đặt ra hiện nay là giải pháp nào để “giữ chân” các bác sĩ ở lại công tác tại những vùng khó khăn. “Nếu như đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác thì chỉ 2-3 năm, các bác sĩ quay trở về Trung ương thì Mèo Vạc vẫn là Mèo Vạc, Hoàng Su Phì vẫn là Hoàng Su Phì, vì vậy, Sở Y tế tỉnh rất mong muốn Dự án hướng tới các bác sĩ ngay tại địa phương, để đầu tư bền vững hơn, vì họ đang sinh sống và làm việc ngay tại địa phương, có thể gắn bó lâu dài với bệnh viện”, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Lương Viết Thuần chia sẻ.

 

Bác sĩ trẻ tình nguyện khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa Hà Quảng (Cao Bằng)

 

Còn theo bác sĩ Tạ Tiến Mạnh, Giám đốc BVĐK Mèo Vạc, nếu mở rộng đối tượng tham gia Dự án là các bác sĩ của địa phương, ngành Y tế cũng cần có chế độ ưu đãi ngành và phụ cấp cơ sở cho các bác sĩ địa phương để họ yên tâm công tác lâu dài.

Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hoàng Su Phì ( Hà Giang) Nguyễn Văn Thắng kiến nghị, cần có chính sách thu hút ưu đãi đối với các bác sỹ về công tác tại vùng sâu, vùng khó khăn, đặc biệt, cần có chế độ đào tạo với bác sĩ liên thông, bởi thời gian qua toàn bộ các bác sỹ liên thông trên địa bàn huyện dự thi và xét tuyển không đỗ trường hợp nào để đi học nâng cao chuyên môn hệ đại học.

Theo ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) , tại những huyện khó khăn, ngay cả đường đi cũng đã khiến người dân rất vất vả. Nếu vận chuyển bệnh nhân trên đường ra đến tỉnh, thì tỷ lệ tử vong rất cao. Như ở huyện Mường Nhé, tỉnh  Lai Châu, cố gắng lắm, khi chuyển bệnh nhân ra tỉnh chỉ cứu được 40%, còn 60% là tử vong trên đường đi. Chính vì vậy, biện pháp lâu dài vẫn là lấy người cơ sở làm gốc. Trước những đề xuất trên của tuyến y tế cơ sở về xét tuyển ưu tiên đối tượng liên thông tại các vùng sâu, vùng xa, Bộ Y tế sẽ xem xét sửa đổi đối với các đối tượng là người của địa phương có nguyện vọng và đủ sức học tập và đây sẽ là ưu tiên quan trọng.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:

 Đãi ngộ, khuyến khích tinh thần cống hiến nhưng cũng là nghĩa vụ của bác sĩ


 

Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới đảm bảo đủ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở các địa phương còn khó khăn. Qua đó tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng, xã hội. Do vậy, các địa phương, nơi có bác sĩ tình nguyện về công tác phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế xây dựng các chính sách khuyến khích, thu hút, duy trì, tạo động lực cho cán bộ, nhân viên y tế làm việc có chất lượng, hiệu quả, thu hút cán bộ có trình độ cao về công tác.

Tham vọng của chúng tôi không chỉ dừng lại ở các bác sĩ trẻ. Để tăng cường y tế cơ sở, tôi nghĩ tới việc các bác sĩ tuyến trên phải về các vùng khó khăn, không chỉ vài tháng mà cả năm, luân phiên nhau. Các bác sĩ nếu cả đời làm tuyến xã không thể giỏi được, họ phải được lên tuyến trên để học. Ngược lại, các bác sĩ tuyến trên cũng phải luân phiên để trạm y tế xã lúc nào cũng có bác sĩ giỏi xuống làm việc. Chúng ta sẽ chỉ có các bác sĩ về vùng khó khăn, nếu kết hợp đủ cả 3 yếu tố: sự đãi ngộ, khuyến khích tinh thần cống hiến, và cuối cùng, là đòi hỏi về nghĩa vụ. Việc này nên phải được thực hiện như một nghĩa vụ của các bác sĩ - ngay cả những người đã nhiều tuổi, đã có vị thế tại các bệnh viện tuyến trên. Đây là nghĩa vụ mà đất nước, chứ không phải Bộ Y tế, đặt lên vai những người thầy thuốc. Các bệnh viện tuyến trên sẽ luôn quá tải nếu người dân không tin tưởng vào y tế xã. Sức khỏe của 100 triệu người sẽ không thể được cải thiện nếu không tăng cường y tế cơ sở. Đó tất nhiên là một tham vọng, sẽ cần thêm thời gian để thiết kế cả chương trình để áp dụng hiệu quả. 

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh