THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:36

“Lão nông” Trương Vĩnh Trọng

 

 

Ông Trương Vĩnh Trọng nghỉ hưu năm 2011, thay vì chọn sống ở các thành phố lớn, ông lại chọn cách trở về quê trở thành “nông dân” tay lấm, chân bùn. Ông Trương Vĩnh Trọng quê gốc ở Bến Tre, nhưng có thời gian dài sống và làm việc ở Đồng Tháp. Sau ông được điều ra Trung ương làm đến chức Phó Thủ tướng Chính phủ. Trước đây, gia đình ông có một khu đất rộng ở quê, nhưng do bận công việc nên ông ít có thời gian để chăm lo, tôn tạo và trồng cây. Đến khi được nghỉ hưu, hai con ông đều sống ở TP Hồ Chí Minh, ông quyết định quy hoạch, xây dựng lại khu vườn theo kiểu nông trại có vườn cây, ao cá, chuồng nuôi gà, có khu nhà vườn để đón khách đến chơi...

Có dịp đến thăm “lão nông” Trương Vĩnh Trọng tại ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, mọi người sẽ ngạc nhiên và thích thú. Không còn dáng vẻ sang trọng của một cán bộ lãnh đạo cấp cao, thay vào đó là một con người bình dị. Ông dậy từ 5 giờ, ăn sáng, xem tin tức xong thì ra vườn xúc đất trồng cây, ra ao cho cá ăn và nói chung làm tất cả các công việc như một lão nông thực sự từ bón phân, tỉa cành đến xúc đất... 11 giờ trưa mới nghỉ. Chiều lại ra vườn cặm cụi cho đến tận 5 giờ mới nghỉ.

 

Ông Trương Vĩnh Trọng chụp hình lưu niệm tại Hội thao ngành LĐ-TB&XH các đơn vị trực thuộc Bộ phía Nam, năm 2017.

 

Dọc các lối đi trong vườn là cây cảnh, cây thuốc, phía trong có rất nhiều loại cây ăn trái như dừa xiêm, bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, ổi, xoài, đu đủ, bơ... và cây dược liệu. Và tất nhiên không thể thiếu những luống rau xanh mùa nào thức ấy, phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình. Ngoài ra còn có khu chăn nuôi gia cầm, ao thả cá... Ông vui vẻ nói với khách đến thăm, cây  nha đam này chị em phụ nữ đắp lên mặt thì da láng phải biết, còn đàn ông bôi thì cũng làm cho hết mụn. Rau tôi trồng không chỉ đảm bảo đủ ăn mà còn cung cấp cho các con và cho hàng xóm nếu có nhu cầu.

Sở thích của ông Trương Vĩnh Trọng được vợ ông là bà Hồ Công Cẩn ủng hộ rất nhiệt tình. Ngoài 70 tuổi nhưng bà Cẩn còn khỏe mạnh, bà không chỉ chăm lo việc ăn uống hàng ngày mà còn trực tiếp hỗ trợ, thậm chí tư vấn, hướng dẫn ông cách chăm cây, nuôi gà, thả cá. Đơn giản vì cả thời trai trẻ ông đi làm cán bộ nhà nước, sống chủ yếu trên thành phố đâu có rành rẽ việc bếp núc, việc nhà nông như bà.

 

 

 

“Lão nông” Trương Vĩnh Trọng trồng, chăm sóc vườn cây.

 

Thấy ông Trương Vĩnh Trọng ham làm vườn, nhiều bà con trong vùng mang các loại cây trồng đến tặng như bưởi, mít, nhãn... Người khác lại hỏi ông về cách trồng cây theo kỹ thuật mới... Những gì biết ông thường bày vẽ tận tình, còn như những chuyện liên quan đến tranh chấp, luật pháp ông giới thiệu họ đến gặp những người có trách nhiệm và am tường pháp luật. Khách đến chơi, ông thường ra tận cổng đón rồi dẫn họ đi thăm vườn. Nói vậy nhưng khi có cơ quan, đơn vị mời đến tham dự để cổ vũ, động viên tinh thần một sự kiện văn hóa, kinh tế - xã hội nào đó, ông bà đều nhiệt tình tham gia. Hội thao Công đoàn ngành LĐ-TB&XH các đơn vị trực thuộc Bộ ở phía Nam tổ chức, ông bà đến từ rất sớm và tham dự trọn vẹn. Qua đó động viên tinh thần mọi người, đóng góp cho sự thành công của hội thao.

Ở Bến Tre mọi người thường gọi ông một cách gần gũi và thân mật là anh Hai Nghĩa. Là do những việc mà ông đã và đang làm cho quê hương, lối sống nghĩa tình của ông với mọi người.

Thấy ở Bến Tre có nhiều loại trái cây, trồng ít, trồng để xài thì tốt nhưng để thành thương hiệu, mang lại hiệu quả cao thì khó. Ông đã mày mò đưa cây bơ về trồng với suy nghĩ nếu phát triển tốt, có hiệu quả kinh tế thì phổ biến, nhân rộng cho bà con trong vùng. Riêng ông nếu thất bại cũng không sao. Không những thế, ông còn cùng với bà con tham gia nhiều việc công ích xã hội như làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh rạch, xây dựng cánh đồng năng suất cao, xây chùa. Ông còn hỗ trợ kinh phí để sư cô Diệu Phụng trụ trì chùa Hưng Quốc lên núi hái thuốc về chữa bệnh miễn phí cho những người có nhu cầu.

Trở về cuộc sống đời thường, làm những việc mình ưa thích không chỉ làm ông thấy vui, thấy khỏe hơn, mà quan trọng là đang góp thêm những ích lợi nho nhỏ cho quê hương nói riêng và xã hội nói chung.

QUANG VIỆT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh