Lão nông tiên phong sáng tạo các sản phẩm xanh vì môi trường
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 17:54 - 17/09/2016
“Kỹ sư nông dân” Hồ Văn Hoàn.
Ông vua bếp của xứ Nghệ
Từ một người nông dân nghèo, ông Hồ Văn Hoàn đã quyết chí học nghề cơ khí, với mong muốn giúp mình và những người nông dân trong thôn xóm thoát khỏi cảnh lam lũ trên đồng ruộng. Sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề, bươn chải với nghề giáo rồi làm quản đốc cho phân xưởng cơ khí huyện Quỳnh Lưu, năm 1990 ông quyết định về ngay chính mảnh đất Quỳnh Văn của mình lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Không vốn liếng, nhưng tự tin vào tay nghề của mình, ban đầu ông Hoàn chỉ sản xuất ra những vật dụng đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân trong xã như cái liềm, lưỡi cày, lưỡi cuốc cũng như các nông cụ cầm tay khác... Cũng trong thời kì này, tình trạng rừng trơ đồi trọc ngày một nhiều do người dân tàn phá cây lấy củi, làm nguyên nhiên liệu đun nấu. Trước tình hình đó, ông Hồ Văn Hoàn đã trằn trọc, suy nghĩ phải làm sao để làm ra được một loại bếp có thể tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu mà giá cả lại không quá cao? Nghĩ là làm, thế là sau đó ông tự bắt tay miệt mài mày mò, nghiên cứu và kết quả là ông đã chế tạo thành công chiếc bếp như ông mong muốn, với vật liệu làm từ gang.
Ông Hoàn cho biết: “Sau khi loại bếp đó ra đời, nó được sử dụng phổ biến rộng rãi không chỉ trong tỉnh mà còn khắp các tỉnh miền Trung và thậm chí là đưa sang Lào để tiêu thụ, sử dụng”. Loại bếp này đã được đưa đi hội chợ khoa học công nghệ ở Giảng Võ vào năm 1998; đạt giải nhì hội thi sáng tạo khoa học công nghệ Nghệ An năm 2000. Và cái tên “vua bếp” cũng gắn liền với ông từ ngày đó.
Người luôn vì môi trường xanh lợi ích từ chiếc bếp xét về mặt môi trường quả là rất lớn được Được suy tôn là nông dân giỏi cấp quốc gia – dự hội nghị nông dân sản xuất giỏi toàn quốc vào các năm 1998, 2000 và 2007. Được Chính phủ tặng Bằng khen
Máy đúc gạch không nung và câu chuyện bảo vệ môi trường
Năm 2004, ông Hoàn cho mở rộng nhà xưởng với 2000m2, phát triển thêm nghề cơ khí sản xuất nông nghiệp. Khi quan sát vật liệu xây dựng của người dân đúc gạch từ vôi với xỉ vôi, xi măng vừa nặng nhọc lại kém chất lượng, trong khi tàn dư từ việc khai thác đá là một lượng đá bột khá nhiều nhưng không được sử dụng. Tận dụng từ lượng đá tưởng chừng như là “bỏ đi”, “thừa thãi” ấy, ông Hồ Văn Hoàn lại nghiên cứu, tự mày mò tìm tòi kỹ thuật sản xuất ra máy đúc gạch không nung. Lợi ích từ chiếc máy gạch không nung của ông Hoàn là sử dụng các phế liệu, góp phần tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các chi phí xử lý phế thải. Sản phẩm này cũng giúp ông đoạt giải cao tại cuộc thi Sáng tạo Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế.
Phân xưởng sản xuất máy đúc gạch không nung của ông Hoàn.
Ông Hoàn tâm sự: “Hiện công ty chúng tôi có khoảng 50 công nhân, chúng tôi luôn khuyến khích, động viên anh em trong phân xưởng nêu cao tinh thần sáng chế, sáng tạo và sẽ sẵn sàng “thưởng nóng” cho những ai có sự phát hiện mới mẻ đó. Bởi theo quan điểm của tôi thì không sáng tạo sẽ tụt hậu”. Cũng bởi quan đểm tích cực đó nên công ty của ông Hoàn luôn không ngừng nâng cấp dòng sản phẩm máy đúc gạch không nung. Nếu như lúc ban đầu, máy chỉ cho ra năng suất từ khoảng 900 – 1000 viên thì bây giờ là 10000 viên/ ngày. Và hiện cơ sở của ông Hoàn có hai dòng máy đúc gạch không nung chính là máy thủy lực một chiều và máy thủy lực hai chiều, tất cả đều được tự động hóa.
Với giá thành rẻ (chỉ từ 40-50 triệu đồng/bộ), năng suất cao nên dòng máy gạch không nung mang thương hiệu Hồ Hoàn Cầu của ông Hoàn được sử dụng phổ biến khắp cả nước. Ông Hoàn chia sẻ: “Có ngày, đơn đặt hàng nhiều đến mức công ty chúng tôi làm không kịp cung ứng… Mỗi ngày công ty chúng tôi sản xuất ra được khoảng 2-3 bộ máy. Và đến nay thì chúng tôi đã sản xuất ra được hàng nghìn máy đúc gạch không nung, sử dụng rộng rãi từ Bắc chí Nam trong cả nước. Ngoài ra còn được xuất khẩu sang các nước bạn Lào, Ăng-gô-la,…”.
Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào việc sáng tạo máy đúc gạch không nung, ông Hoàn ngậm ngùi trải lòng: “Lúc mới bắt tay vào làm, quả thực khó khăn vô cùng. Thời đó công nghệ thông tin lại chưa phát triển nên tất cả đều do tôi tự mày mò, tự lực cánh sinh tìm tòi kỹ thuật. Làm lần đầu không thành, bị thất bại, thế là tôi lại làm đi làm lại cho đến khi nào thành công mới thôi. Và thật may, kết quả là cho ra chiếc máy đúc gạch không nung như bạn thấy đấy”. Nói đến đây, ông Hoàn nở nụ cười thật tươi và ánh mắt ông như vụt sáng hẳn lên, tôi thấy được niềm hạnh phúc, tự hào trong con người chân quê, chất phác nhưng đầy tài năng ấy của ông.
Hiện huyện Quỳnh Lưu có trên 150 cơ sở sản xuất gạch không nung sử dụng dây chuyền sản xuất gạch do “kỹ sư nông dân” Hồ Văn Hoàn chế tạo. Nhờ sử dụng dây chuyền này mà nhiều nông dân từ chỗ thiếu việc làm, giờ trở thành ông chủ, bà chủ với cơ ngơi tiền tỉ. Các cơ sở sản xuất gạch này còn giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, giúp người dân thoát nghèo. Với việc sáng tạo ra máy đúc gạch không nung, ông Hồ Văn Hoàn đã góp một phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm ở nông thôn hiện nay. Theo như chúng tôi được biết, một bộ máy đúc gạch không nung cần đến 2-3 công nhân, trong khi Công ty ông đã sản xuất ra được hàng nghìn bộ máy đưa vào tiêu thụ trên thị trường. Như vậy, tính ra, ông Hoàn đã gián tiếp giúp hàng nghìn lao động trên khắp cả nước có công ăn việc làm.
Đầu năm 2010, chính phủ đã ban hành quyết định về việc phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Xét về mặt này, rõ ràng máy đúc gạch không nung của ông Hoàn đã đáp ứng được yêu cầu về môi trường, phải chăng vì thế mà đến nay dòng sản phẩm này vẫn luôn được ưa chuộng và phát triển? Ông Tô Văn Thu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Lưu cho hay: “Ông Hoàn là người luôn có những phát minh, sáng tạo rất thiết thực và có tâm huyết với bà con nông dân. Ông Hoàn xuất phát từ nông dân nên ông ấy hiểu được sự vất vả cũng như nhu cầu của bà con mà có sự cung ứng kịp thời, sáng tạo phục vụ người nông dân. Và đặc biệt, ông ấy luôn đi đầu trong việc cho ra các sản phẩm xanh vì môi trường. Điều đó quả thực là có ý nghĩa rất to lớn trong việc biến đổi khí hậu hiện nay”.
Xâu chuỗi lại quá trình lập nghiệp của ông Hồ Văn Hoàn, có thể khẳng định rằng ông Hoàn là người luôn đi tiên phong trong việc chế tạo ra các sản phẩm xanh, sạch góp phần bảo vệ môi trường, thân thiện với môi trường từ cái bếp tiết kiệm nhiên liệu đến máy đúc gạch không nung.
Hiện công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu đã được giao cho anh Hồ Xuân Vinh – con trai của ông Hoàn làm giám đốc.
Dù đã cho phép mình được “nghỉ hưu”, nhưng niềm đam mê sáng chế trong ông Hoàn vẫn luôn bùng cháy, bởi theo ông “Còn sức, tôi còn tiếp tục nghiên cứu, chế tạo máy. Với tôi, niềm hạnh phúc lớn nhất là được sáng tạo và nhìn thấy sản phẩm của mình giúp nông dân giảm nghèo”.
Song song với việc sáng tạo, ông Hoàn còn chú trọng việc làm từ thiện. Mới đây, ông đã đầu tư cho xã Quỳnh Văn 500 triệu để đổ đường đi liên thông các xóm, góp phần làm khang trang cảnh quan nông thôn…
Thành tích của “kỹ sư nông dân” Hồ Văn Hoàn: Đạt 2 bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ Nhận bằng khen Hội Nông dân Việt Nam 2 bằng khen sáng tạo Khoa học Công nghệ Nghệ An Danh hiệu “Vua bếp” – do Đài Truyền hình Việt Nam suy tôn Top 50 Doanh nghiệp Doanh nhân Việt Nam vàng Top 100 thương hiệu sản phẩm dịch vụ Việt Nam phát triển bền vững Top 100 doanh nhân làm theo lời Bác |