THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:59

Lao động vào AEC: Cuộc đua nước rút

Đường lớn đã mở...

 Theo định hướng, AEC sẽ là một khu vực kinh tế ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao, trong đó hàng hóa, dịch vụ và đầu tư được lưu chuyển thông thoáng, kinh tế phát triển đồng đều, nghèo đói và phân hóa kinh tế - xã hội giảm bớt... 

AEC được thành lập nhằm tạo dựng một thị trường thống nhất cho các quốc gia thành viên ASEAN, thúc đẩy dòng chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động có tay nghề trong ASEAN. Mục tiêu của AEC là thúc đẩy phát triển kinh tế một cách công bằng, thiết lập khu vực kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, mà với năng lực cạnh tranh này, ASEAN có thể hội nhập đầy đủ và vững chắc vào nền kinh tế toàn cầu.

AEC được kỳ vọng là cộng đồng năng động, có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu với GDP bình quân hằng năm ước đạt 2.000 tỷ USD và sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. Khi tham gia AEC, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), kinh tế Việt Nam có cơ hội tăng trưởng thêm 14,5% vào năm 2025.

Nói về tác động của AEC đối với Việt Nam, ông Yoshiteru Uramoto, Giám đốc ILO khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bày tỏ: Việt Nam sẽ là một trong những nước hưởng lợi nhiều từ việc hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng so với các nước khác bởi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào ngoại thương.

Các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng nguồn lực để đón đầu tự do hóa thị trường lao động.Các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng nguồn lực để đón đầu tự do hóa thị trường lao động.

Nguyên nhân do Việt Nam – nền kinh tế với quy mô 170 tỷ USD, chủ yếu phụ thuộc vào sự hội nhập với các thị trường khu vực và quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 154% GDP, các ngành nông nghiệp, công nghiệp dệt may và giày da của Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn bởi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.

Giao thương với nước ngoài là một động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, giảm nghèo và nâng cao đời sống của người dân trong những thập kỷ qua. Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc ADB Việt Nam nhận định: “Cùng với sự gia tăng của các dòng đầu tư và thương mại gia tăng, tốc độ cơ cấu kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao sẽ đẩy nhanh...

Điều này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh trên thị trường toàn cầu dựa trên năng suất lao động và kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn”.Thực tế, trong những thập niên gần đây, Việt Nam đã có sự chuyển dịch nhanh chóng cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị cao hơn.

Theo dự báo của ILO, AEC sẽ đẩy mạnh các xu hướng chuyển đổi cơ cấu hiện tại. Tỷ trọng việc làm của ngành công nghiệp sẽ tăng lên tới 23,5% tổng việc làm vào năm 2025; với tỷ trọng của ngành dệt may và xây dựng tương ứng là 5,7% và 8%. Cùng với đó, sự mở rộng đáng kể của ngành mậu dịch và vận tải hàng hóa, dịch vụ sẽ trở thành khu vực tạo việc làm chủ lực trong nền kinh tế, chiếm 41,3% tổng việc làm của cả nước.

Trái lại, tỷ trọng việc làm của ngành nông nghiệp sẽ giảm xuống còn 35,2% vào năm 2015. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn tạo ra khoảng 22 triệu việc làm cho người lao động, tăng 2 triệu lao động so với bối cảnh không hội nhập AEC.

Đối mặt với thách thức

 Trong năm 2015, trước mắt sẽ có 8 ngành nghề lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương, gồm: Kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch.

Ngoài ra, nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn. Đây là những thách thức đối với doanh nghiệp và người lao động Việt Nam khi ra nhập AEC.

Lao động ngành du lịch sẽ được tự do di chuyển khi AEC được thành lậpLao động ngành du lịch sẽ được tự do di chuyển khi AEC được thành lập

Có thể thấy, hình thành AEC sẽ giúp thị trường lao động trong ASEAN sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên. Tuy nhiên, do trình độ phát triển không đồng đều, nên hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối ASEAN chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapre, Malaysia và Thái Lan.

Còn lại, hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng. Đối với  thị trường lao động Việt Nam, năm 2014 có 69,3 triệu người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 53,7 triệu người  đang nằm trong độ tuổi lao động.

Tuy nhiên, trong số đó chỉ  có gần 19% lao động qua đào tạo, đây là một trong những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển.Trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. Nếu lấy thang điểm là 10 thì chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (Hàn Quốc đạt 6,91 điểm; Ấn Độ: 5,76 điểm; Malaysia: 5,59 điểm...).

Năng suất lao động của Việt Nam cũng thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapre gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần, thấp hơn Hàn Quốc 10 lần, bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan). Trong giai đoạn 2002 - 2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm.

Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hằng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%. Theo các chuyên gia lao động quốc tế, những điểm này có thể sẽ dẫn tới mất cơ hội có việc làm và gia tăng nạn thất nghiệp ngay khi AEC bắt đầu hoạt động.

Trên thực tế nhiều doanh nghiệp  nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều tính tới lợi thế  giá thành nhân công rẻ nhưng khi tiến hành tuyển dụng họ mới thấy rằng lao động Việt Nam quá thiếu kỹ năng làm việc, tay nghề non, tiếng Anh kém hơn rất nhiều so với kỳ vọng của nhà tuyển dụng.

Ông Ryan Lee, Giám đốc điều hành Cty TNHH Moldpia Byuckjin Hàn Quốc nhấn mạnh: “Tác phong lao động cũng như tính tuân thủ trong công việc của lao động Việt Nam không cao”. Đặc biệt, ở Việt Nam đối với những ngành nghề thuộc nhóm được tự do dịch chuyển như ở các lĩnh vực kỹ thuật, quản lý tài chính, kế toán nếu cần tuyển dụng nhân sự cấp cao, tay nghề bậc cao cũng không dễ dàng.

Riêng đối với ngành dịch vụ du lịch, qua khảo sát thực tế đối với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cho thấy, nhiều cảnh báo xấu về tay nghề và kỹ năng của người lao động. Hiện nay chính sách tuyển dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam đang rất khắt khe nên các nhà tuyển dụng bắt buộc phải có chính sách sử dụng lao động tại Việt Nam, mặc dù chưa thật sự phù hợp với yêu cầu nhưng bù lại họ chỉ cần chi trả mức lương thấp hơn.

Tay nghề thấp, không qua đào tạo, thiếu các kỹ năng làm việc, dẫn tới năng suất lao động kém. Và, Việt Nam lại tiếp tục vào cái vòng luẩn quẩn: Tay nghề kém, năng suất thấp, thu nhập thấp, thất nghiệp, người lao động  mất động lực tự đào tạo, tay nghề không được nâng lên... Các doanh nghiệp này tất nhiên đang đón chờ sự ra đời của AEC để tuyển dụng người, nhưng họ cũng phải đứng trước thách thức về chi phí lớn hơn khi tuyển dụng nhân sự từ nước ngoài.

Để không “lỡ vé lên tàu” AEC, Việt Nam và các quốc gia thành viên cần gấp rút xây dựng chính sách và thể chế hỗ trợ sự phát triển toàn diện và công bằng. Đối với thị trường lao động non trẻ Việt Nam,  ông Yoshiteru Uramoto cho rằng, nếu không có sự quản lý quyết đoán thì tiến trình thành lập AEC “có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng, làm trầm trọng thêm những khiếm khuyết của thị trường lao động như việc làm phi chính thức và lao động nghèo”.

Chủ động đón bắt cơ hội

 Theo phân tích của các chuyên gia, AEC có mang lại tiến bộ xã hội và thịnh vượng cho Việt Nam hay không, điều này chủ yếu phụ thuộc vào các chính sách thị trường lao động. Thời gian không còn nhiều nữa, nên ngay từ bây giờ, Việt Nam cần ưu tiên một số lĩnh vực then chốt, như:

Thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm trong các ngành nông nghiệp, đa dang hóa công việc trong các ngành chế tạo mới; mở rộng độ bao phủ phúc lợi xã hội, trong đó có cơ chế bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc; củng cố hệ thống đào tạo phát triển kỹ năng, tập trung cải thiện giáo dục trung học và đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có kỹ năng trung bình. 

Bên cạnh đó, cần cải thiện công tác bảo vệ nhóm lao động di cư và các hệ thống công nhận kỹ năng của họ, đặc biệt là các ngành nghề có kỹ năng thấp, trung bình chiếm tỷ lệ cao. Đồng thời, hệ thống thương lượng tập thể mới cũng đang là một yêu cầu bức thiết để tạo ra môi trường kinh doanh bền vững hơn.

Điều này bảo đảm rằng việc tăng năng suất lao động đi kèm với tiền lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, đồng thời tạo ra một thị trường nội địa vững mạnh. Con tàu AEC sẽ không chờ ai cả, vì thế Việt Nam cần phải nắm bắt cơ hội trên đoàn tàu AEC và hạn chế tác động mặt tiêu cực của nó.

Điều này đòi hỏi người lao động phải thay đổi, đáp ứng yêu cầu về chất lượng của doanh nghiệp để dành cơ hội cho mình.

Về phía doanh nghiệp, cũng phải tính đến các chính sách đãi ngộ cao hơn để giữ chân lao động có chất lượng. Tất nhiên, điều này là rất khó đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như khối doanh nghiệp nhà nước.

Thiều Văn Lý

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh